4 thg 5, 2022

Thị trường chứng khoán lao dốc trong tháng 4, vẫn có mã tăng hơn 90%

Toàn thị trường chứng khoán có tổng cộng 1.115 mã giảm ở tháng 4 trong khi chỉ có 312 mã tăng. Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thị trường thuộc về VDM của Viện Nghiên cứu Dệt may (UPCoM: VDM) với 93%. Cổ phiếu giảm mạnh nhất thị trường là VXB của VLXD Bến Tre (HNX: VXB) với gần 58%. 


Tiếp nối những khó khăn trong quý I, thị trường chứng khoán ngay trong tháng đầu tiên của quý II biến động theo chiều hướng tiêu cực. VN-Index ghi nhận nhiều phiên giao dịch giảm trên 20 điểm và hàng loạt cổ phiếu rơi vào trạng thái bị bán tháo.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tháng 4, VN-Index dừng ở mức 1.366,8 điểm, tương ứng giảm 125,35 điểm (-8,4%) so với cuối tháng 3, HNX-Index cũng giảm 83,79 điểm (-18,6%) xuống 365,83 điểm, UPCoM-Index giảm 12,73 điểm (-10,9%) xuống 104,31 điểm.

Thị trường chứng khoán đi xuống kèm theo thanh khoản sụt giảm mạnh. Tổng giá trị giao dịch bình quân trong tháng 4 đạt 26.299 tỷ đồng/phiên, giảm 18,8% so với tháng 3. Trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân giảm 19,8% xuống còn 24.194 tỷ đồng/phiên.

Theo dữ liệu từ FiinPro, toàn thị trường chứng khoán có tổng cộng 1.115 mã giảm trong khi chỉ có 312 mã tăng. Thống kê 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường có đến 42 mã giảm trong khi số mã tăng chỉ vỏn vẹn 8. THD của Thaiholdings (HNX: THD) đứng đầu danh sách giảm giá trong nhóm này với 30%. Hiện tại, giá cổ phiếu THD chỉ còn 117.800 đồng/cp, tương ứng giảm 55,6% so với mức đỉnh 265.500 đồng/cp được thiết lập ở phiên 7/1.

Năm 2022 Thaiholdings đặt mục tiêu đạt 8.880 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 7,7% so với doanh thu đạt được năm 2021. Chủ tiêu lợi nhuận trước thuế 1.503 tỷ đồng, tăng 4,9% so với lợi nhuận thực hiện năm 2021.

Cổ phiếu đứng thứ 2 trong danh sách giảm giá ở top 50 vốn hóa là DIG của DIC Corp (HoSE: DIG) với 29,7%. Theo BCTC hợp nhất quý I, doanh thu thuần của DIC Corp tăng 3,7% so với cùng kỳ và đạt 519 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 61,5 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2021.

Tiếp sau đó, SHB của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (HoSE: SHB) cũng giảm 23,8%. Tại đại hội cổ đông, một cổ đông SHB đặt câu hỏi về kết quả lợi nhuận tích cực, tuy nhiên giá cổ phiếu liên tục giảm mạnh thời gian qua. Cổ đông này đề nghị không nên phát hành cổ phiếu tăng vốn và dùng lợi nhuận để mua cổ phiếu quỹ vì thị giá đang thấp. Trả lời về vấn đề này, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển cho biết, quan điểm của ông, cổ đông là những người chủ của ngân hàng. Và tất cả đều hướng đến nâng cao sức khoẻ, năng lực tài chính cho ngân hàng. Do đó, vẫn cần tăng vốn để đảm bảo chuẩn mực quốc tế, an toàn, bền vững. "Đúng là giá cổ phiếu có xuống thời gian gần đây. Giá trên thị trường sẽ có lên có xuống. Tuy nhiên, cổ đông có thể phân tích sẽ thấy giá trị cao hơn thị giá thời điểm hiện tại. Chúng ta nên có niềm tin và sự phân tích để đầu tư cổ phiếu có giá trị, bền vững", Chủ tịch SHB nói.

Quý I, lợi nhuận trước thuế SHB ước đạt 3.226 tỷ đồng, hoàn thành gần 30% kế hoạch cả năm. Với kết quả này, ban lãnh đạo ngân hàng lạc quan sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận gần 11.700 tỷ trong năm nay.

Ngày 26/04/2022, Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát ngân hàng SHB đã họp bầu chức danh và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2022 – 2027. Theo đó, HĐQT SHB đã thống nhất, quyết nghị bầu ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2017 – 2022 tiếp tục giữ chức Chủ tịch HĐQT SHB nhiệm kỳ 2022 – 2027.

Ở chiều ngược lại, BCM của Becamex IDC (HoSE: BCM) là mã giao dịch tích cực nhất trong top 50 vốn hóa với 17%. Ngày 28/4 vừa qua, Becamex IDC đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 thông qua mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 9.680 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.888 tỷ đồng, tương ứng tăng 19% và 98% so với năm trước. Nếu hoàn thành kế hoạch đề ra, doanh nghiệp này sẽ phá đỉnh lợi nhuận. Tỷ lệ cổ tức năm 2022 dự kiến 8% cao hơn mức đề xuất 7% cho năm 2021.

Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thị trường thuộc về VDM của Viện Nghiên cứu Dệt may (UPCoM: VDM) với 93%. Giá cổ phiếu VDM tăng từ 15.500 đồng/cp lên đến 29.933 đồng/cp ở tháng 4. Tuy nhiên, cổ phiếu này nằm trong diện thanh khoản rất thấp với khối lượng khớp lệnh bình quân tháng 4 chỉ là 395 đơn vị/phiên.

Tiếp sau đó, NWT của Vận tải Newway (UPCoM: NWT) và X26 của Công ty 26 (UPCoM: X26) tăng lần lượt 84% và 74,2%. Tuy nhiên, cả hai cổ phiếu này cũng nằm trong diện thanh khoản rất thấp. Trong số 30 mã tăng giá mạnh nhất thị trường chứng khoán tháng 4 hầu hết đều có thanh khoản thấp.

Trong khi đó, cổ phiếu giảm mạnh nhất thị trường là VXB của VLXD Bến Tre (HNX: VXB) với gần 58%. Tuy nhiên, VXB cũng có thanh khoản rất thấp với khối lượng khớp lệnh bình quân chỉ là 16.155 đơn vị/phiên ở tháng 4.

Cổ phiếu CTD của Coteccons (HoSE: CTD) gây chú ý khi giảm đến 43%. Theo BCTC quý I, doanh nghiệp này lãi ròng 29 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn vượt đến gần 45% kế hoạch thấp chưa từng thấy năm 2022. Năm 2022, Coteccons bất ngờ lên kế hoạch doanh thu hợp nhất 15.010 tỷ đồng, tăng 65% so với năm trước. Tuy nhiên, nhà thầu này chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất 20 tỷ đồng, thấp hơn cả mức lãi đã chạm đáy lịch sử năm trước là 24 tỷ đồng.



Nguồn NDH

0 comments:

Đăng nhận xét