4 thg 5, 2022

Chuyện gì xảy ra trong vụ 2 máy bay Bamboo va nhau tại Nội Bài?

Sự thiếu quan sát của nhân viên mặt đất và phương án kéo đẩy không đảm bảo khoảng cách an toàn đã khiến 2 máy bay Bamboo va nhau trong quá trình lai dắt.


Cục Hàng không Việt Nam vừa báo cáo Bộ GTVT kết quả điều tra sự cố 2 máy bay của Bamboo Airways va nhau tại sân bay Nội Bài.

Bên cạnh nguyên nhân chủ quan từ sự thiếu quan sát của bộ phận kéo đẩy máy bay, Cục Hàng không chỉ ra vấn đề quá tải sân đỗ và hạn chế trong xây dựng phương án vận hành của sân bay Nội Bài đã gián tiếp gây ra sự cố.


Không ai biết khi máy bay va chạm

Buổi sáng 2/11/2021, chuyến bay QH1621 của Bamboo Airways được đẩy từ vị trí đỗ số 72 sân bay Nội Bài ra vệt lăn W11 để bay đi Phú Quốc. Trong quá trình đẩy, phần cánh lái độ cao bên trái của QH1621 đã va chạm vào phần vỏ phía trên của buồng lái máy bay VN-A590 (cũng của Bamboo Airways) đang dừng đỗ tại vị trí 73A.

Hiện trường 2 máy bay Bamboo va nhau tại sân bay Nội Bài. Ảnh: GNHK.

Hậu quả, mép sau cánh lái độ cao bên trái của QH1621 bị cong vênh, vỏ máy bay VN-A590 tại vị trí va chạm có vết lõm.

Qua rà soát dữ liệu camera, ghi âm và tường trình của những người có liên quan, Tổ điều tra của Cục Hàng không xác định lúc 6h58, lái xe kéo đẩy thuộc Công ty Cổ phần phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS) bắt đầu đẩy máy bay rời vị trí đỗ số 72. Máy bay được đẩy ra vệt lăn W11, mũi hướng về phía bắc. Thợ kỹ thuật của Bamboo Airways đi cùng để giám sát việc đẩy máy bay.

Lúc 6h59, sau khi nhận được thông tin động cơ máy bay an toàn để nổ máy, tổ lái thực hiện khởi động động cơ số 2.

Theo tường trình của lái xe kéo đẩy, người này tập trung quan sát khu vực giữa càng và cần đẩy. Sau khi máy bay qua khu vực cong sang vệt lăn W11, lái xe kéo đẩy thấy có máy bay khác ngay phía sau nên quyết định dừng lại kiểm tra.

Lúc này, cánh lái độ cao của QH1621 đã va chạm vào phần vỏ bên trên kính buồng lái của máy bay VN-A590. Tuy nhiên, nhân viên dưới mặt đất đều chưa biết có va chạm. Do không biết có sự cố nên tổ lái tiếp tục khởi động động cơ số 1.

Lúc 7h01, tổ lái thông báo cho thợ kỹ thuật về tình trạng máy bay xuất hiện vấn đề với hệ thống điều khiển bay. Sau đó, nhân viên kỹ thuật nhiều lần đề nghị tổ lái tắt động cơ nhưng hai bên không hiểu ý nhau.

3 phút sau, nhân viên kỹ thuật đề nghị di chuyển máy bay lên phía trước. Tổ lái đồng ý và máy bay được kéo về phía trước khoảng 10 m. Lúc này, tổ lái thông báo báo với nhân viên kỹ thuật về việc máy bay có hỏng hóc không thể tiếp tục bay (NO GO Item).

Sau khi xác định máy bay không thể tiếp tục hành trình, tổ lái đã báo cáo tình hình với đài kiểm soát không lưu và các nhân viên mặt đất tiến hành kéo máy bay trở lại vị trí đỗ số 72.

Căn cứ các quy định của Việt Nam và quốc tế, Cục Hàng không phân loại vụ việc thuộc sự cố nguy cơ uy hiếp an toàn cao (mức C).


Lỗi tại ai?

Về nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự cố trên, Cục Hàng không kết luận lái xe kéo đẩy khi thực hiện đẩy máy bay từ vị trí 72 ra vệt lăn W11 đã không quan sát đầy đủ theo quy định tại tài liệu khai thác mặt đất được phê chuẩn nên không nhận diện được nguy cơ va chạm với máy bay đỗ tại vị trí 73A.

Thợ kỹ thuật chỉ huy kéo đẩy không đánh giá được nguy cơ va chạm. Trong quá trình đẩy máy bay, khi tổ bay khởi động động cơ, thợ kỹ thuật chỉ tập trung giám sát khu vực động cơ mà không quan sát khu vực máy bay đang di chuyển đến, do đó đã không phát hiện được nguy cơ va chạm với máy bay đỗ tại vị trí 73A, không đảm bảo được trách nhiệm của người chỉ huy kéo đẩy.

Xe kéo đẩy lai dắt một máy bay của Bamboo Airways ra vị trí cất cánh. Ảnh: Dang Khoa QS.

Bên cạnh nguyên nhân trực tiếp từ yếu tố con người, Cục Hàng không đánh giá có nguyên nhân gián tiếp từ việc sân bay Nội Bài chưa lường hết được khoảng cách an toàn khi di chuyển máy bay từ vị trí 72 trong tình huống đang có máy bay đỗ ở 73A.

Kết quả đo đạc thực tế cho thấy khoảng cách từ điểm dừng bánh mũi máy bay trên tim vệt lăn W11 khi kéo/đẩy từ vị trí 72 chỉ cách mũi máy bay đỗ tại vị trí 73A là 10 m. Trong trường hợp thực hiện kéo đẩy máy bay từ vị trí số 72 theo đúng phương án phê duyệt duyệt (theo chỉ dẫn sơn kẻ) thì sẽ xảy ra va chạm với tàu bay đỗ tại vị trí số 73A.

Lật lại khâu xây dựng quy trình vận hành bãi đỗ, Cục Hàng không nhận thấy quy trình vận hành vị trí đỗ 72 đã có từ trước khi hình thành vị trí đỗ số 73A. Vị trí đỗ 73A được bổ sung sau đó do sân đỗ máy bay bị quá tải vì dịch Covid-19.

"Sân bay Nội Bài khi xây dựng phương án bổ sung vị trí đỗ máy bay đã không đánh giá hết được các khoảng cách an toàn đối với phương án kéo đẩy máy bay từ vị trí đỗ 72 ra vệt lăn W11 khi có máy bay đang đỗ chờ tại vị trí 73A", Cục Hàng không kết luận.

Về phần mình, Cục Hàng không là cơ quan phê duyệt phương án bố trí vị trí đỗ máy bay nhưng cũng không kịp thời phát hiện ra thiếu sót của sân bay Nội Bài để đưa ra giải pháp hạn chế phương án đẩy máy bay từ vị trí đỗ số 72 ra vệt lăn W11 theo hướng mũi tàu bay quay về phía Bắc.


Rút kinh nghiệm

Sau vụ việc, Cục Hàng không đã yêu cầu sân bay Nội Bài khẩn trương rà soát toàn bộ phương án vận hành, kéo/đẩy máy bay tại các vị trí đỗ tại ô số 15; thực hiện đánh giá rủi ro, quản lý sự thay đổi toàn diện để thực hiện điều chỉnh các phương án hiện hành.

Về phía hãng hàng không Bamboo Airways, Cục nhận định quy trình đẩy máy bay của Bamboo đưa ra yêu cầu về giám sát chướng ngại vật xung quanh khi kéo/đẩy, tuy nhiên chưa có yêu cầu cụ thể về cảnh giới tại các vị trí xung yếu (hai bên đầu mút cánh), đặc biệt tại các vị trí đỗ bổ sung có nguy cơ va chạm.

Do đó, Cục Hàng không yêu cầu Bamboo rà soát lại toàn bộ quy trình kéo/đẩy máy bay, thực hiện đánh giá rủi ro va chạm tại các bãi đỗ bổ sung để sửa đổi, cập nhật quy trình kéo/đẩy; huấn luyện lại cho thợ kỹ thuật về khả năng đánh giá tình huống trong quá trình kéo đẩy.

Nguồn Zing

0 comments:

Đăng nhận xét