8 thg 9, 2021

TP.HCM tiêm trộn Moderna với Pfizer: Chỉ là giải pháp tình thế

Ông Nguyễn Hoài Nam - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết lượng vắc xin hiện nay đang hạn chế và khi tiêm vắc xin thay thế thì TP cũng như ngành y tế sẽ chọn loại vắc xin phù hợp nhất, an toàn nhất và hiệu quả nhất cho người dân.

Người trên 65 tuổi được tiêm vắc xin Pfizer mũi 2 (mũi 1 họ tiêm Moderna) tại quận 11, TP.HCM chiều 6-9 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Ông Nam cho biết thêm hiện nay trên thế giới có 4 công nghệ sản xuất vắc xin.

Thứ nhất, công nghệ sử dụng vắc xin vector virus. Những loại vắc xin công nghệ này gồm AstraZeneca, Johnson & Johnson (Mỹ), Sputnik V (Nga).

Thứ hai là công nghệ vắc xin mã di truyền, tức sử dụng mRNA và DNA, sử dụng 1 loại mã di truyền của virus. Vắc xin này bao gồm Pfizer (Mỹ), Moderna (Mỹ).

Thứ ba là công nghệ vắc xin sử dụng 1 phần virus, tức sử dụng 1 đoạn protein, gồm Novavax (Mỹ), và hiện nay vắc xin Nano Covax của Việt Nam do Nanogen sản xuất cũng đang sản xuất theo công nghệ này.

Thứ tư là vắc xin sử dụng virus gây bệnh nhưng giảm độc lực gồm của Sinopharm, Sinovac.


Tiêm mũi 2 loại phù hợp

Cũng theo ông Nam, hướng dẫn của Bộ Y tế, người tiêm mũi 1 là vắc xin AstraZeneca thì mũi 2 cũng tiêm AstraZeneca, trong trường hợp thiếu vắc xin thì có thể sử dụng Pfizer.

Hiện nay trong tất cả các hướng dẫn thì chúng ta sử dụng những loại vắc xin tương đồng để sử dụng tiêm cho người dân. Trong tình hình thiếu vắc xin, một số nước đã tiêm trộn vắc xin. Việc sử dụng các vắc xin cùng loại hoặc trộn giữa các loại vắc xin có hiệu quả tốt, chưa ghi nhận tai biến nào xảy ra.

Hiện nay các quận huyện đang tiêm mũi 2 những loại vắc xin phù hợp cho người đã tiêm mũi 1. Chúng ta sử dụng vắc xin phù hợp nhất để tiêm cho người dân, làm sao cho người dân được phủ vắc xin tối đa.

Các quận huyện hiện đang tập trung công tác tiêm chủng để hoàn thành kế hoạch.


Nhiều nơi đã tiêm trộn với Pfizer

Nhiều người dân ở TP.HCM tiêm mũi 1 là vắc xin Moderna hơn 4 tuần, đến khi được hẹn tiêm mũi 2 thì được tiêm vắc xin Pfizer. Từ đầu giờ chiều 6-9, nhiều người dân ở quận 11 đã đến điểm tiêm Trường tiểu học Đại Thành (địa chỉ 79/22 Âu Cơ, phường 14, quận 11, TP.HCM) để tiêm vắc xin mũi 2 phòng COVID-19. Nhiều người cho biết họ tiêm mũi 2 là vắc xin Pfizer, trước đó mũi 1 là Moderna. Họ đồng ý tiêm và không quá lo lắng khi tiêm 2 loại vắc xin khác nhau.

Cùng ngày, lúc 13h30, tại nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng (phường 8, quận 11) cũng có nhiều người dân, chủ yếu là người cao tuổi, ngồi xếp hàng chờ tiêm vắc xin mũi 2 theo lịch thông báo.

Tại bàn tư vấn sàng lọc trước tiêm, ông Thái Long (66 tuổi, ngụ phường 3, quận 11) được nhân viên y tế tư vấn tiêm vắc xin mũi 2 là Pfizer.

Ông Long cho biết trước khi đi tiêm, ông không biết mình sẽ tiêm mũi 2 loại vắc xin gì. Khi đến điểm tiêm, ông được nhân viên y tế cho biết sẽ tiêm vắc xin Pfizer của Mỹ và ông đồng ý.

Còn ông N.V.P. (73 tuổi, ngụ phường 14, quận 11) cho hay ngày 3-8 ông được tiêm mũi 1 là vắc xin Moderna. Theo khoảng cách giữa hai mũi tiêm thì đến ngày 1-9 ông phải được tiêm mũi 2, nhưng hay tin TP tạm hết vắc xin Moderna nên khi nhận được thông báo của phường đi tiêm mũi 2 Pfizer vào ngày 6-9, ông cũng đi tiêm.

Đại diện UBND quận 11 cho biết trong ngày 6-9, tại điểm tiêm nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng, quận tổ chức tiêm mũi 2 cho 540 người theo đúng thời hạn, trong đó buổi sáng là 350 người, số còn lại được tiêm buổi chiều. Việc tiêm vắc xin mũi 2 cũng dựa theo sự tự nguyện của người dân. "Chúng tôi giải thích rõ ràng trước tiêm, người dân phải đồng ý và ký tên thì chúng tôi mới tiêm" - vị này nói.

Theo một chuyên gia về lĩnh vực y tế công cộng tại TP.HCM, kinh nghiệm ở một số quốc gia như Canada cho thấy tiêm trộn vắc xin Moderna và Pfizer là an toàn.

Tại TP.HCM nhiều quận như Q.11, Q.Bình Thạnh, TP Thủ Đức… đã tổ chức tiêm ngừa vắc xin mũi 2 là Pfizer cho những người dân trước đó đã tiêm mũi 1 là vắc xin Moderna. Cả 2 loại vắc xin này đều là vắc xin của Mỹ.

Vắc xin COVID-19 của Pfizer-BioNtech và Moderna đều dùng công nghệ mRNA - Ảnh: Reuters


Tiêm kết hợp Moderna và Pfizer tại các nước

Đến nay có khoảng chục quốc gia đang xem xét hoặc đã chuyển sang dùng vắc xin COVID-19 khác loại (với liều đầu tiên) để tiêm liều thứ hai hoặc mũi tiêm tăng cường (liều 3). Trong số này có Campuchia, Đan Mạch, Đức, Indonesia, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Mỹ, Canada, Thái Lan, Hàn Quốc...

Với trường hợp tiêm kết hợp vắc xin COVID-19 của Hãng Moderna và Pfizer, Canada là một ví dụ đáng chú ý. Đầu tháng 6, Ủy ban Cố vấn quốc gia về tiêm chủng (NACI) của Canada đã cập nhật hướng dẫn của họ về vấn đề tiêm kết hợp vắc xin, theo đó cho phép sử dụng vắc xin Hãng Moderna và Pfizer thay thế cho nhau bởi vì cả hai loại vắc xin này đều sử dụng công nghệ mRNA tương tự nhau.

Tại Mỹ, vào tháng 1-2021, theo kênh CNBC, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã lặng lẽ cập nhật hướng dẫn của họ về tiêm vắc xin COVID-19. Họ nói rằng có thể tiêm kết hợp vắc xin của Pfizer và Moderna trong "các tình huống ngoại lệ".

Cụ thể, theo hướng dẫn của CDC Mỹ, trong các trường hợp như nguồn cung hạn chế hoặc người dân không nhớ loại vắc xin mRNA (Pfizer hoặc Moderna) nào đã dùng để tiêm mũi 1, thì "bất kỳ loại vắc xin mRNA nào đang có sẵn đều có thể được dùng để tiêm nhằm hoàn tất tiêm chủng, với thời gian cách nhau tối thiểu giữa các liều là 28 ngày".

Theo CDC Mỹ, người dân nên tiêm mũi thứ hai càng gần với khoảng thời gian được khuyến nghị (3-4 tuần sau mũi đầu tiên, với Pfizer 3 tuần còn với Moderna 4 tuần) càng tốt. Tuy nhiên, liều thứ hai của vắc xin Hãng Pfizer hoặc Moderna vẫn có thể được tiêm cách liều đầu tiên 6 tuần (42 ngày) nếu cần thiết.

BẢO ANH


Cần 446.118 liều Moderna để tiêm mũi 2 đến ngày 15-9

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam ký văn bản khẩn gửi UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện; các sở, ban, ngành và các cơ sở y tế trên địa bàn về việc tổ chức tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 lộ trình từ ngày 1 đến 15-9.

Theo Sở Y tế, TP cần có 2.713.843 liều vắc xin để tiêm trong lộ trình này, trong đó cần 680.000 liều để tiêm mũi 1 và cần 2.033.843 liều để tiêm mũi 2. Trong 2.033.843 liều tiêm mũi 2, TP cần có 446.118 liều Moderna (khoảng cách giữa hai mũi tiêm là 4 tuần) cho người đã tiêm mũi 1 từ ngày 1 đến 15-8.

Sở Y tế đề nghị các đơn vị phối hợp triển khai tiêm vắc xin theo nguyên tắc chung là tiếp tục tiêm mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi sinh sống trên địa bàn TP và tiêm mũi 2 cho những người đã được tiêm mũi 1 khi đủ thời gian theo từng loại vắc xin.

Ngày 6-9, Sở Y tế TP.HCM có báo cáo gửi Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) về tiến độ và kết quả tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Theo Sở Y tế, từ ngày 8-3 đến ngày 5-9, qua 28 đợt phân bổ của Bộ Y tế, trong đó 24 đợt có phân bổ vắc xin cho TP.HCM, TP đã tiếp nhận 5.622.860 liều vắc xin. Cụ thể: AstraZeneca có 4.456.490 liều, Moderna 571.200 liều, Pfizer 586.170 liều, Vero Cell 9.000 liều. Ngoài ra, TP còn nhận được nguồn vắc xin tài trợ là 2.450.000 liều Vero Cell.

Như Tuổi Trẻ đã đưa tin, trong khi các loại vắc xin AstraZeneca, Pfizer, Vero Cell về khá nhiều đợt thì vắc xin Moderna hiện mới chỉ về vài đợt với 571.200 liều. Số vắc xin này đã được phân bổ cho các địa phương và các bệnh viện tiêm mũi 1, một số người may mắn đủ điều kiện tiêm mũi 2.

Theo dữ liệu từ Cổng thông tin tiêm chủng vắc xin COVID-19 (thuộc Trung tâm Phòng chống dịch COVID-19 quốc gia) chiều 7-9, TP.HCM là một trong 10 địa phương có tỉ lệ tiêm thấp nhất, tính theo số mũi tiêm/số vắc xin phân bổ theo quyết định.

XUÂN MAI


Hôm nay Hội đồng chuyên môn họp quyết định

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết TP.HCM đã có đề nghị gửi Bộ Y tế, trao đổi thêm về việc tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin Moderna mà hiện đã hết.

"Đã có một số quốc gia tiêm mũi 2 loại vắc xin khác cho người tiêm mũi 1 Moderna, nhưng tại Việt Nam sử dụng vắc xin nào, như thế nào phải chờ Hội đồng chuyên môn xem xét, bàn thảo và quyết định"- vị này cho biết.

Theo thông tin của Tuổi Trẻ, hôm nay 8-9 hội đồng sẽ họp và sau đó có thông báo chính thức để TP.HCM, Hà Nội và một số địa phương khác đang thiếu vắc xin Moderna để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin này, nay đến lịch tiêm mũi 2.

Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam đã nhận được 5 triệu liều Moderna do Mỹ tài trợ thông qua cơ chế COVAX, ngoài ra có một số lượng nhỏ Moderna do CH Czech tài trợ. Do số lượng vắc xin đã có hạn chế, các cơ sở y tế đã yêu cầu tiêm theo cặp, tiêm mũi 1 và 2, dành số vắc xin tương đương mũi 1 để tiêm mũi 2. Tuy nhiên đến nay đã có một số nơi xảy ra thiếu vắc xin Moderna tiêm mũi 2.

L.ANH

Nguồn TTO

0 comments:

Đăng nhận xét