13 thg 9, 2021

Stress khi chăm sóc người nhà mắc Covid-19

TP HCM - Một thiếu nữ 16 tuổi gọi điện đến đường dây nóng (hotline) của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật, khóc, hoảng loạn nói không biết chăm sóc người mẹ mắc Covid-19 ra sao, "sợ mẹ chết".

Nhân viên y tế phường Linh Tây, TP Thủ Đức, thăm khám và phát thuốc cho chị Mỹ Duyên, 28 tuổi, một F0 đang điều trị tại nhà, ngày 3/9. Ảnh: Quỳnh Trần.

Gia đình ngụ TP HCM, chỉ có hai mẹ con. Người mẹ ngoài 50 tuổi, bệnh nền cao huyết áp và có kết quả dương tính với Covid-19 vài ngày trước. Bà có triệu chứng ho, sốt, khó thở nhẹ, mệt mỏi nhiều, việc sinh hoạt, ăn uống gặp khó khăn, cần sự hỗ trợ của con gái. Trong khi đó, thiếu nữ trước giờ chỉ biết đi học, ít làm việc nhà, chưa có kinh nghiệm chăm sóc người ốm, lại thêm nỗi sợ hãi Covid-19 càng khiến em căng thẳng, mất ngủ. Cảm thấy quá bế tắc, em đã gọi điện đường dây nóng của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) cầu cứu.

"Con cho mẹ uống thuốc nhưng mẹ vẫn mệt. Con bất lực không biết làm sao, con sợ mẹ trở nặng, mẹ chết...", Thạc sĩ Phan Thị Hoài Yến, giảng viên bộ môn Giáo dục sức khỏe - Tâm lý y học, Đại học Y dược TP HCM, tâm lý gia khoa Tâm thể, Bệnh viện TP Thủ Đức, người nhận cuộc gọi của nữ sinh kể lại, ngày 10/9.

"Không, mẹ con sẽ ổn thôi, con đang làm rất tốt khi gọi điện nhờ trợ giúp rồi. Cố gắng bình tĩnh cho cô biết...", bác sĩ Yến trấn an em và khai thác thêm thông tin về sức khỏe người mẹ. Đánh giá tình trạng bệnh nhân ở mức trung bình, bác sĩ Yến hướng dẫn hai mẹ con tập thở và cách sử dụng các loại thuốc. Cuối cuộc gọi, khi thiếu nữ đã bình tâm trở lại, bác sĩ chủ động cho em số điện thoại cá nhân của mình và dặn gọi bất cứ khi nào cần.

Đồng thời, bác sĩ gửi thông tin tới y tế địa phương, yêu cầu đến thăm khám và tư vấn trực tiếp ngay cho gia đình người bệnh. Hàng ngày bác sĩ Yến gọi điện cập nhật tình hình, chỉ thêm cho em cách chăm sóc bản thân và mẹ, phòng hộ tránh lây nhiễm, cách nấu nướng, nghỉ ngơi, thư giãn... Hiện, sau hơn một tuần kể từ cuộc gọi đầu tiên, người mẹ đã hồi phục sức khỏe, chiến thắng Covid-19, nữ sinh cũng bình tâm hơn.

Một trường hợp khác, một người mẹ có con chưa tròn một tuổi và chồng là F0 cách ly tại nhà cũng bị Covid-19 làm khổ. Trước khi mắc bệnh, người chồng chịu trách nhiệm chính mọi thứ trong gia đình, nay anh ốm nên vị trí đổi ngược lại.

Vừa cho con bú, vừa phòng ngừa cho hai mẹ con không bị lây nhiễm, vừa tìm mọi cách chăm sóc để chồng không bị nặng hơn... khiến chị thường xuyên căng thẳng, kiệt sức, mất ngủ, các cơ bắp căng cứng. Sự lo âu lớn đến nỗi ngày nào chị cũng tự làm test nhanh để xem mình có dương tính hay không. Thậm chí, chị không dám nghe những cuộc gọi hỏi thăm từ người thân vì không biết nên trả lời như thế nào. Chị thấy tội lỗi, tự trách mình không thể chăm sóc tốt nhất cho chồng con.

Đây là hai trong số hàng nghìn cuộc điện thoại mà người chăm sóc cho F0 tại nhà có dấu hiệu bất ổn tâm lý gọi đến yêu cầu trợ giúp, khi thạc sĩ Yến hỗ trợ trực tổng đài tư vấn Covid-19 của HCDC và Bệnh viện TP Thủ Đức trong ba tháng qua.

Theo chị Yến, bệnh nhân điều trị tại bệnh viện thì người chăm sóc là nhân viên y tế. Nay người bệnh cách ly ở nhà thì người nhà mặc nhiên trở thành người chăm sóc, nhưng chỉ thuộc nhóm người chăm sóc không chính thức. Những người này thường gặp các vấn đề tâm lý do Covid-19, gồm căng thẳng, mất ngủ do lo âu, trầm cảm. Ước tính, tỷ lệ người mắc ngày càng cao do số ca nhiễm mới vẫn đang tăng mỗi ngày. Tuy nhiên, hiện chưa có nghiên cứu, thống cụ thể về số lượng người bị ảnh hưởng tâm lý bởi Covid-19.

Chị phân tích, có nhiều nguyên nhân khiến người chăm sóc F0 suy sụp tinh thần. Có thể do họ bị quá tải về mặt cảm xúc, thiếu kiến thức về bệnh và cách chăm sóc, hay bị kỳ thị, phân biệt đối xử khi trong gia đình có F0. Hoặc như hai trường hợp trên, vì thiếu kinh nghiệm, nhỏ tuổi, thiếu sự trợ giúp từ phía gia đình khi phải đột ngột thay đổi vai trò từ người được chăm sóc sang có trách nhiệm chăm sóc cho người khác.

Đặc thù của Covid-19 là bệnh truyền nhiễm, phải tuân theo những điều kiện bắt buộc như giữ khoảng cách giữa F0 với những người xung quanh, ăn riêng, ngủ riêng. Người chăm sóc dễ cảm thấy khổ sở, bởi vì sự an toàn của chính mình nên phải hạn chế tiếp xúc gần gũi với người bệnh, không chia sẻ được những cơn đau, ngăn cách trong giao tiếp, bày tỏ cảm xúc...

Ngoài ra, hàng ngày người chăm sóc cũng tập trung mọi sự chú ý vào người bệnh, như nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, canh chừng, theo dõi triệu chứng trở nặng của F0 để xử trí kịp thời nên không có thời gian quan tâm chính mình. Thêm nữa, người chăm sóc quay cuồng trong cả những suy nghĩ đổi món gì, cho F0 uống thuốc nào tốt, làm sao nếu tình huống xấu xảy ra... Chính những suy nghĩ dồn dập, xoay tròn này khiến họ mệt mỏi hơn cả việc thực hiện hành vi.

Để theo dõi sát nhất các triệu chứng trở nặng của F0, trong khi không thể nằm ngủ cạnh, người chăm sóc thường xuyên phải thức dậy giữa giấc ngủ để canh chừng. Vì thế, giấc ngủ của họ bị ngắt quãng, chập chờn, thiếu ngủ, ngủ không sâu. "Có đến 80% những người gọi cho tôi cho biết họ bị mất ngủ", thạc sĩ Yến nói.

Những người chăm sóc F0 chia sẻ họ an tâm hơn khi đích thân lo ăn uống, ngủ nghỉ, thuốc thang... và được nhìn thấy người nhà của mình mỗi ngày. Chính F0 cũng nhận được những lợi ích lớn khi điều trị tại nhà. Đó là có điều kiện sinh hoạt thoải mái hơn, khỏe mạnh hơn về mặt tâm lý. Đồng thời, F0 vẫn nhận được sự chăm sóc trực tiếp của y tế địa phương khi cần, sự chăm sóc từ xa của các chuyên gia tâm lý.

Từ giữa tháng 7, TP HCM bắt đầu triển khai cho F0 không triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ nhưng không có bệnh nền hay nguy cơ trở nặng tự cách ly, theo dõi tại nhà, nhằm giảm tải cho các cơ sở điều trị Covid-19. Từ đó đến nay, số lượng F0 điều trị tại nhà ngày càng tăng. Tính đến ngày 10/9, thành phố có 118.092 F0 đang điều trị tại nhà (gồm 76.352 ca cách ly ngay khi phát hiện và 41.740 ca cách ly sau xuất viện), gấp gần 5 lần so với số F0 đang điều trị tại các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện.

TP HCM có 546 Trạm y tế lưu động theo dõi sức khỏe cho nhóm F0 cách ly tại nhà. Bên cạnh đó, nhiều tổng đài của HCDC, cổng 1022, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, mạng lưới Thầy thuốc đồng hành... cùng tư vấn, hỗ trợ thăm khám, điều trị từ xa cho nhóm bệnh nhân trên. Ngoài ra các F0 tại nhà còn được cấp phát túi thuốc và các gói an sinh (nhu yếu phẩm).

Để nâng đỡ tâm lý cho người chăm sóc F0 tại nhà, thạc sĩ Yến khuyên nên tự cho phép mình dành thời gian cho bản thân, như nghe nhạc, chơi trò chơi, nói chuyện với bạn bè... để bản thân cảm thấy thoải mái hơn, sau đó trở lại chăm sóc người bệnh. Chủ động ăn uống đầy đủ, sinh hoạt hợp lý và tìm kiếm sự trợ giúp từ gia đình, bạn bè, các nguồn lực xã hội (trạm y tế phường, đường dây nóng 1022, tổ phản ứng nhanh...) khi gặp khó khăn.

Người bị mất ngủ do lo âu, nên tránh sử dụng điện thoại, không đọc tin tức về dịch bệnh trước khi ngủ. Bạn có thể tập thở sâu 10-15 phút, hoặc đứng dậy, nhón gót chân lên cao nhất, đưa tay thẳng lên trên, làm sao cho từ ngón chân - người - tay trở thành một phương thẳng đứng, giữ nguyên và đi lại trong nhà 3-7 phút. Hai bài tập này giúp cơ thể và tinh thần dịu lại, dễ ngủ hơn. Trường hợp mất ngủ kéo dài, ngủ không sâu giấc, không thoải mái sau khi ngủ, F0 sau khi lành bệnh nên liên hệ ngay với chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần để được hỗ trợ kịp thời, tránh tình huống đáng tiếc xảy ra.

Nguồn VNEXPRESS

0 comments:

Đăng nhận xét