3 thg 3, 2020

Khai thác bất động sản có "cứu" được Vinafood 2?

Gặp khó vì thị trường lúa gạo không thuận lợi cùng khoản lỗ khủng sau cổ phần hóa, Vinafood 2 kỳ vọng bổ sung 3 ngành nghề kinh doanh mới dựa trên lợi thế đất vàng.
Ông Võ Thanh Hà giữ chức Chủ tịch HĐQT nhiệm kì 2018-2023 từ ngày 1/3.

Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) chính thức thành công ty cổ phần hồi tháng 10/2018, sau khi chuyển nhượng 25% cổ phần cho Công ty CP Tập đoàn T&T của bầu Hiển. Tuy nhiên, đến nay, doanh nghiệp này vẫn chìm trong lỗ.

Sếp cũ Sabeco về làm Chủ tịch Vinafood 2
ĐHĐCĐ Vinafood 2 vừa thông qua việc bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh bất động sản, động thái được kì vọng có thể giúp cho công ty này thuận lợi hơn trong việc khai thác lợi thế về nhà, đất sẵn có nhằm cải thiện kết quả kinh doanh.

HĐQT Vinafood 2 vừa có quyết định bổ nhiệm ông Võ Thanh Hà giữ chức Chủ tịch HĐQT nhiệm kì 2018-2023. Ông Hà sẽ là Chủ tịch Vinafood II từ ngày 1/3. Ông Hà cũng là người đại diện pháp luật cho Vinafood II, thay ông Nguyễn Ngọc Nam hiện là Tổng Giám đốc doanh nghiệp.

Doanh nghiệp này đang lỗ luỹ kế gần 2.000 tỉ đồng và đặt kì vọng dưới sự điều hành của ông Hà, tổng công ty sẽ giảm lỗ, hòa vốn ngay trong năm nay.

Ông Võ Thanh Hà sinh năm 1974, từng giữ nhiều chức vụ tại Bộ Công Thương. Tháng 2/2015, ông Hà được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Bộ Công Thương. 8 tháng sau, Bộ Công Thương quyết định uỷ quyền cho ông Võ Thanh Hà làm đại diện phần vốn nhà nước tại ổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), đồng thời là Chủ tịch Sabeco.

Giữa năm 2018, khi Sabeco về tay người Thái, ông Hà không còn là Chủ tịch Sabeco.

Sau khi bị miễn nhiệm, ông Hà trở thành Thành viên HĐQT Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) và Tổ trưởng Tổ đại diện vốn nhà nước tại Vinafood II, khi sở hữu 20% vốn điều lệ, tương ứng 100 triệu cổ phần.

Khi "nhà giàu" gặp khó
Năm 2019 là năm không mấy thuận lợi với thị trường lúa gạo, khi giá lúa giảm mạnh từ đầu năm. Thậm chí, có thời điểm, Thủ tướng Chính phủ phải yêu cầu mua sớm 200.000 tấn gạo dự trữ. Thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, giá gạo xuất khẩu bình quân giảm tới 13,4% so với cùng kỳ. Sản lượng gạo Việt Nam bán ra dù tăng, nhưng giá trị xuất khẩu 9 tháng vẫn giảm hơn 10%, chỉ đạt 2,2 tỷ USD.

Sự cạnh tranh trong ngành tăng lên mạnh mẽ khi có thêm một số nước như Campuchia, Myanmar, Pakistan gia nhập. Cùng đó, sau khi hàng loạt điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo thay đổi theo Nghị định số 107/2018 (có hiệu lực từ tháng 10/2018), Vinafood 2 còn phải cạnh tranh với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước ở các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến công ty mẹ Vinafood 2 bị lỗ hơn 160,8 tỉ đồng trong năm 2019. Tổng cộng lỗ lũy kế đến hết năm 2019 là hơn 1.996 tỉ đồng. Vốn chủ sở hữu hết tháng 12.2019 là 3.235,7 tỉ đồng so với vốn điều lệ 5.000 tỉ đồng.

Giai đoạn từ 9/10/2018 - 31/12/2018, sau khi trở thành công ty cổ phần, công ty mẹ Vinafood 2 báo mức lỗ lên tới 1.835 tỉ đồng do phải trích lập dự phòng khoản công ty con Lương trực Trà Vinh (Imex Trà Vinh) khống hàng tồn kho. 

Điều này cho thấy, việc lỗ nặng của Vinafood 2 không hoàn toàn do bù đắp thâm hụt giai đoạn trước, mà còn bởi sự giảm sút của hoạt động kinh doanh chủ lực là xuất khẩu gạo.

Việc thua lỗ kéo dài, không hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh được các cổ đông đem ra mổ xẻ tại đại hội bất thường vừa diễn ra. Ông Đỗ Ngọc Khanh, đại diện cổ đông chiến lược sở hữu 33,74% vốn điều lệ (CTCP Tập đoàn T&T) kiến nghị HĐQT, ban giám đốc chậm nhất đến cuối tháng 4 phải xây dựng các mục tiêu, chiến lược cụ thể, báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và cổ đông chiến lược, nhanh chóng ổn định sản xuất, giảm lỗ hòa vốn trong giai đoạn 2020 - 2021 và bắt đầu có lãi từ năm 2021 - 2022.

Việc quyết toán bàn giao sang CTCP của Vinafood 2 cũng chưa thể hoàn tất, cổ đông này cũng kiến nghị ban lãnh đạo công ty sớm giải quyết vướng mắc liên quan đến phương án sử dụng đất để xúc tiến quá trình. Bên cạnh đó, đại diện cổ đông chiến lược cũng nêu và yêu cầu công ty sớm có phương án tái cấu trúc trình Ủy ban quản lý vốn Nhà nước; chuẩn hóa hoạt động bằng các qui chế, qui định trước ngày 30/9/2020.

Trả lời những vấn đề này, ban điều hành cho biết đã thành lập Ban tái cấu trúc; chỉ đạo đôn đốc điều hành hoạt động của các đơn vị; đề xuất Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và HĐQT các biện pháp khắc phục.

Vinafood 2 đang thực hiện những thay đổi về nhân sự, và sẽ có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch kinh doanh 5 năm. Đối với việc bổ sung các ngành nghề kinh doanh đã nằm trong chiến lược của công ty. Trong đó, ban điều hành cho biết, mảng kinh doanh bất động sản hiện chưa khai thác hết các mặt bằng, cơ sở đất; công ty sẽ có kế hoạch khai thác tối đa để tăng hiệu quả.

Kết quả, ĐHĐCĐ Vinafood 2 đã thông qua việc bổ sung thêm các ngành nghề: kinh doanh bất động sản; đại lý kinh doanh xăng, dầu; bán lẻ dầu mỡ bôi trơn, sản phẩm làm mát động cơ ô tô, xe máy; và hoạt động quản lý bãi đỗ, trông giữ phương tiện đường bộ. Bên cạnh đó, đại hội cũng thống nhất hạ tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài xuống 0%, để phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh lương thực, thực phẩm theo qui định.

Theo thông tin từ bản cáo bạch phát hành năm 2018, Vinafood 2 hiện đang có quyền khai thác 146 cơ sở nhà đất tại các tỉnh thành khu vực phía Nam, tổng diện tích lên tới hơn 3,4 triệu m2. Trong đó, tại TP HCM quản lí 23 cơ sở, diện tích gần 97.000 m2; các tỉnh thành khác như Trà Vinh 24 cơ sở, diện tích hơn 1,5 triệu m2; hay như Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp đều nắm giữ khoảng 350.000 m2 đất đai...

Có thể thấy, Ban lãnh đạo Vinafood 2 thực sự đang trông chờ vào việc chuyển hướng mở rộng thêm ngành nghề kinh doanh nhằm khai thác tối đa hoạt động kinh doanh từ lợi thế “đất vàng” để tăng doanh thu, lợi nhuận.

Tuy nhiên, để khai thác được lợi thế này không là câu chuyện đơn giản, khi “ông lớn” trong ngành lương thực này được đánh giá là chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, chưa kể mục đích sử dụng tài sản đất đai cũng có thể là vấn đề đối với Vinafood 2 do liên quan đến các quy định về sử dụng đất hiện hành.

Thực tế trên đặt ra câu hỏi bức thiết đối với Ban lãnh đạo Vinafood 2 lúc này là làm sao cải thiện được hiệu quả ngành kinh doanh cốt lõi là xuất khẩu gạo trong bối cảnh thị trường xuất khẩu truyền thống ngày càng khó khăn.

Bên cạnh đó, việc nhanh chóng thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp vốn đã rệu rã do hàng loạt “di chứng” từ thời kỳ trước cổ phần hóa cũng là yêu cầu không thể chậm trễ để “thay máu” hoạt động quản trị doanh nghiệp.

Nguồn enternews

0 comments:

Đăng nhận xét