15 thg 2, 2020

Ước thiệt hại 250 tỷ đồng mỗi tuần vì nCoV, Vietnam Airlines muốn cho thuê máy bay

Vietnam Airlines (HoSE: HVN) mới thông báo có nhu cầu cho thuê dưới cả 3 hình thức thuê khô (chỉ thuê máy bay), thuê ướt (thuê máy bay bao gồm bảo hiểm, tổ bay, kỹ thuật mặt đất, dịch vụ bảo dưỡng), thuê ẩm (gồm các dịch vụ đi kèm trên nhưng không có tổ bay) với cả tàu bay thân hẹp (A321) hoặc tàu bay thân rộng (A350-900 hoặc B787-9/10). Thời gian thuê là 6 tháng (hoặc theo nhu cầu), dự kiến bắt đầu từ tháng 4.
Ước thiệt hại 250 tỷ đồng mỗi tuần, Vietnam Airlines muốn cho thuê máy bay. Ảnh: Vietnam Airlines


Quy mô đội tàu của Vietnam Airlines đạt 100 máy bay, tăng 22 máy bay mới thông qua mua mới và sale and leaseback (bán và cho thuê lại). Đây là là hãng hàng không có đội tàu bay thân rộng Airbus A350 và Boeing 787 lớn thứ 2 tại Đông Nam Á với 14 chiếc Airbus A350-900, 11 chiếc Boeing 787-9 Dreamliner và 3 chiếc Boeing 787-10 Dreamliner. Trong khi đội tàu thân rộng là đôi cánh chủ lực của hãng trên các đường bay trục nội địa và quốc tế, đội tàu thân hẹp gồm 52 chiếc Airbus A321, 14 chiếc Airbus A321neo và 6 chiếc ATR-72 khai thác các đường bay có dung lượng thấp, tầm bay ngắn hoặc khai thác đến các sân bay có cơ sở hạ tầng hạn chế.

Trước đó, theo Reuter, Vietnam Airlines cho biết thiệt hại 250 tỷ đồng mỗi tuần do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến nhu cầu đi lại giảm sút. Hãng hàng không quốc gia đang cắt giảm hoạt động và chi phí nhằm vượt qua ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Vietnam Airlines tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc đại lục từ cuối tháng 1 theo yêu cầu của Cục hàng không Việt Nam. Điều này ảnh hưởng đến 70.000 hành khách của hãng trong 1 tháng. Bên cạnh đó, lượng khách trên các tuyến nội địa cũng giảm 20%-30% trong 2 tuần qua.

Về toàn ngành hàng không, theo số liệu thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam, chỉ riêng từ ngày 1 đến 7/2 (1 tuần sau khi dừng khai thác Trung Quốc), tổng thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam đạt 1,95 triệu khách, giảm 4,5% so cùng kỳ 2019, riêng thị trường quốc tế giảm 14,1%. Trong đó, sản lượng vận chuyển của các hãng không Việt Nam đạt 1,06 triệu khách, giảm 4%, riêng vận chuyển quốc tế giảm 28% so cùng kỳ 2019.

Sơ bộ cho thấy thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay đến và đi từ Trung Quốc đại lục của các hãng hàng không Việt Nam hơn 10.000 tỷ đồng.

Nguồn NDH

Tin liên quan:

0 comments:

Đăng nhận xét