14 thg 2, 2020

Những cổ phiếu thoát "án" hủy niêm yết trong gang tấc

Sau 2 năm thua lỗ liên tiếp (2017, 2018) những doanh nghiệp này đã báo lãi trong 2019 và sẽ có cơ hội thoát huỷ niêm yết.

Theo điều số 14, Nghị định 14/2007/NĐ-CP ban hành ngày 19/01/2007 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, có 2 trường hợp hủy niêm yết là hủy niêm yết bắt buộc và hủy niêm yết tự nguyện.

Hủy niêm yết bắt buộc là trường hợp công ty niêm yết không còn đáp ứng được các quy định như ngừng hoặc bị ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh chính từ một năm trở lên; sản xuất kinh doanh bị lỗ 3 năm liên tiếp và tổng số lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính tại thời điểm gần nhất.

Trên sàn có khoảng 10 doanh nghiệp đã báo lỗ trong cả 2 năm 2017, 2018 theo đó nếu lỗ tiếp trong năm 2019 thì những doanh nghiệp này sẽ nằm trong diện bị hủy niêm yết bắt buộc, tại ĐHĐCĐ thường niên hồi đầu năm trong khi Taicera (TCR), Petroland (PTL) và Tổng Xây lắp dầu khí (PVX) không đặt mục tiêu về lợi nhuận thì các doanh nghiệp còn lại trong nhóm này đều đặt mục tiêu sẽ có lãi trong năm 2019 thể hiện mong muốn tiếp tục ở lại sàn niêm yết.

5 doanh nghiệp có cơ hội thoát án huỷ niêm yết?
Với BCTC năm 2019 được công bố thì nhóm doanh nghiệp này đã có công bố có lãi trong năm 2019 dù đó là những khoản lãi rất khiêm tốn và lãi chủ yếu đến từ hoạt động khác chứ không phải hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp.


Đầu tiên là trường hợp của Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc (HKB), nhờ lãi khác trong quý 4/2019 tăng đột biến, gấp 117 lần so với cùng kỳ giúp HKB lãi ròng năm 2019 hơn 2 tỷ đồng. Điều này đã giúp cho HKB thoát khỏi nguy cơ bị hủy niêm yết trên HNX. Công ty cho biết khoản lãi khác này là do phát sinh thu nhập bất thường từ các khoản vay nợ không phải trả.

Công nghiệp Gốm sứ Taicera (TCR) sau 10 quý thua lỗ liên tiếp đã bất ngờ báo lãi cao trở lại trong quý 3 và quý 4, thậm chí quý 4 còn lãi tới 43 tỷ đồng giúp cả năm 2019 lãi ròng gần 7 tỷ đồng trong khi 2017 và 2018 đều báo lỗ. Nguyên nhân lãi cao được công ty lý giải là do đơn vị tiết giảm được chi phí sản xuất, giá bán bình quân được duy trì cao hơn cùng kỳ, đồng thời công ty đã xử lý xoá khoản phải trả nước ngoài đã lâu và điều chỉnh khoản hao hụt nguyên liệu nên lãi khác tăng.

Tiếp đó là Khoáng sản Á Cường (ACM), theo đó mặc dù quý 4 không phát sinh đồng doanh thu nào nhưng ACM lại ghi âm tới 10 tỷ đồng chi phí QLDN giúp quý 4 có lãi tới 7,4 tỷ đồng và lãi cả năm 2019 đạt 204 triệu đồng – trong khi trước đó vào 2017 và 2018 ACM lần lượt báo lỗ 27 tỷ đồng và 83 tỷ đồng. Công ty cho biết do quý 4 đã thực hiện hoàn nhập một phần khoản trích dự phòng phải thu khó đòi năm 2018 do thu hồi được nợ từ Công ty TNHH Đầu tư phát triển DHA Hà Nội và công ty TNHH Lê Giang.

Đối với trường hợp của Petroland (PTL), doanh nghiệp này không chỉ báo lỗ 2 năm 2017 và 2018, tháng 10/2019, Chủ tịch HĐQT của công ty còn bị miễn nhiệm và bị bắt tạm giam do lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ. Ông Chính đã ký hàng chục hợp đồng với ưu đãi về phí dịch vụ khiến cho PTL bị thua lỗ nhiều tỷ đồng. Kết thúc 9 tháng đầu năm 2019, PTL ghi nhận mức lỗ hơn 5 tỷ đồng, tuy nhiên ngay sau đó PTL đã tiến hành thay máu lãnh đạo cấp cao và sang quý 4/2019 PTL bất ngờ có 6,7 tỷ đồng lãi từ hoạt động khác giúp xóa lỗ 9 tháng và cả năm có lãi 705 triệu đồng. Giải trình về khoản lãi khác này PTL cho biết đây là khoản hoàn trả nguyên trạng các hợp đồng tư vấn của giai đoạn trước.

DZM sau khi lỗ liên tiếp trong 2 năm 2017 và 2018 và cả trong 9 tháng đầu năm 2019 thì sang quý 4 cũng đã báo lãi hơn 6 tỷ đồng nhờ trong kỳ có hơn 15 tỷ đồng lãi từ thanh lý TSCĐ, giúp lũy kế cả năm 2019 DZM lãi ròng 1,9 tỷ đồng.

Đây mới chỉ là các báo cáo tài chính 2019 chưa được kiểm toán tuy nhiên có thể thấy rõ nỗ lực trụ sàn của những doanh nghiệp này. 

5 cổ phiếu sát án rời sàn?
Mặc dù chỉ cần những khoản lãi nhỏ là có cơ hội ở lại sàn tuy nhiên vẫn có những doanh nghiệp đã không thể làm được điều này và án hủy niêm yết sẽ là khó tránh khỏi.


Kết thúc năm 2019 Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) đã báo lỗ ròng công ty mẹ 198 tỷ đồng trong khi hai năm liền trước, doanh nghiệp này cũng đã thua lỗ liên tiếp, lần lượt lỗ 416 tỷ đồng năm 2017 và 414 tỷ đồng năm 2018. Theo đó tính cả năm 2019 số liệu chưa kiểm toán, PVX sẽ có ba năm liên tiếp có lợi nhuận sau thuế âm. Trước đây, PVX cũng từng liên tiếp thua lỗ lớn vào năm 2012 và 2013 nhưng vẫn kịp thoát cửa hủy niêm yết phút chót.

Tiếp đó là khoản lỗ 111,7 tỷ đồng trong năm tài chính 2018 – 2019 của Agifish (AGF) – đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp công ty chịu lỗ. Chưa tính đến điều kiện lỗ 3 năm liên tiếp thì mới đây, HoSE đã có quyết định hủy niêm yết bắt buộc với cổ phiếu AGF với lý do vi phạm chậm nộp BCTC trong 3 năm liên tiếp, ngày có hiệu lực nhằm 17/2/2020. Ngày giao dịch cuối cùng của AGF là ngày 14/2/2020.

Đối với Công trình 6 (CT6), doanh nghiệp này dù nỗ lực kinh doanh có lãi trong 6 tháng cuối năm 2019 nhưng vẫn không đủ giúp CT6 thoát lỗ 2019, công ty cho biết đã rất nỗ lực để tháo gỡ khó khăn nhưng do năng lực công ty yếu, thiếu dự án đầu tư cho ngành đường sắt nên chịu lỗ 111 triệu đồng trong năm 2019. Năm 2017 và 2018 CT6 đã lần lượt báo lỗ 13 tỷ đồng và 10 tỷ đồng. Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (VCR) cũng đã báo lỗ thêm 8,3 tỷ đồng trong năm 2019 sau khi đã lỗ 16 tỷ đồng trong năm 2017 và 11 tỷ đồng trong năm 2018. 

Trước tình trạng lỗ chồng lỗ, giá của các cổ phiếu này trên sàn niêm yết cũng liên tục giảm mạnh xuống mức giá chỉ còn từ vài trăm đến vài nghìn đồng. 

Cổ phiếu đáng chú ý nhất trong nhóm này là VCR, trong năm qua đây là cổ phiếu trong tình trạng tăng sốc, giảm sâu. Duy trì mức giao dịch quanh, thậm chí dưới 5.000 đồng/cổ phiếu một thời gian dài, VCR bất ngờ tăng mạnh từ đầu tháng 3/2019 được đánh dấu bằng 13 phiên tăng trần liên tiếp, tạo đỉnh ở mức 31.500 đồng/cổ phiếu vào ngày 21/6/2019 – gấp 6 lần thời điểm đầu năm. Tuy nhiên VCR không giữ được lâu, đã lập tức giảm mạnh và hiện giảm về còn 8.400 đ/CP.

Ngoài các cổ phiếu có nguy cơ rời sàn, trong thời gian vừa qua thị trường chứng khoán cũng chứng kiến khá nhiều mã bị rơi vào diện kiểm soát, cảnh báo. Trong đó trên HoSE hiện có 48 cổ phiếu nằm trong diện kiểm soát, cảnh báo trong đó có những cổ phiếu tên tuổi như HAG, HNG, HVG, POM, TTF, VIS, YEG…đều là những doanh nghiệp vừa tiếp tục báo lỗ lớn trong năm 2019 trong khi đó trên HNX danh sách này lên tới trên 70 cổ phiếu.

Theo Tài chính Plus/HNX&HSX

0 comments:

Đăng nhận xét