3 thg 5, 2022

Cá nhân trong nước bán ròng trở lại 4.680 tỷ đồng sau 18 tháng mua ròng liên tiếp

Nhà đầu tư cá nhân trong nước bán ròng 4.683 tỷ đồng ở trong tháng 4. Tổ chức trong nước và khối ngoại mua ròng lần lượt 770 tỷ đồng và 3.914 tỷ đồng. Các cá nhân trong nước bán ròng mạnh nhất mã MWG với 644 tỷ đồng. VNM và ACB đứng sau với giá trị bán ròng đều trên 500 tỷ đồng. 


Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động tiêu cực trong tháng 4. Kết thúc phiên giao dịch cuối tháng 4, VN-Index dừng ở mức 1.366,8 điểm, tương ứng giảm 125,35 điểm (-8,4%) so với cuối tháng 3, HNX-Index cũng giảm 83,79 điểm (-18,6%) xuống 365,83 điểm, UPCoM-Index giảm 12,73 điểm (-10,9%) xuống 104,31 điểm.

Thị trường chứng khoán đi xuống kèm theo thanh khoản sụt giảm mạnh. Tổng giá trị giao dịch bình quân trong tháng 4 đạt 26.299 tỷ đồng/phiên, giảm 18,8% so với tháng 3. Trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân giảm 19,8% xuống còn 24.194 tỷ đồng/phiên.

Nhà đầu tư cá nhân trong nước là một trong những nhân tố khiến thị trường rung lắc mạnh khi bán ròng trở lại. Trong khi đó, cả khối ngoại và tổ chức trong nước đều có khoảng thời gian giao dịch tích cực.

Giá trị mua/bán ròng của cá nhân trong nước từ đầu năm 2021. Đơn vị: Tỷ đồng.

Theo dữ liệu từ FiinPro, nhà đầu tư cá nhân trong nước chấm dứt chuỗi 18 tháng mua ròng liên tiếp ở sàn HoSE, thay vào đó, dòng vốn này bán ròng trở lại 4.683 tỷ đồng (3.786 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh).

10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của cá nhân trong nước lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.

Các cá nhân trong nước bán ròng mạnh nhất mã MWG với 644 tỷ đồng. VNM và ACB đứng sau với giá trị bán ròng đều trên 500 tỷ đồng. NVL và TCB cũng bị bán ròng trên 400 tỷ đồng. Trong khi đó, VHM đứng đầu danh sách mua ròng của dòng vốn này với 1.166 tỷ đồng. VPB và DIG cũng là hai mã có giá trị mua ròng của các cá nhân trên 1.000 tỷ đồng.

Trái ngược với nhà đầu tư cá nhân, các tổ chức trong nước mua ròng trở lại 770 tỷ đồng sau 2 tháng bán ròng liên tiếp, trong đó dòng vốn này mua ròng 1.957 tỷ đồng thông qua phương thức khớp lệnh.

10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của tổ chức trong nước lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.

HPG được các tổ chức trong nước mua ròng mạnh nhất với 507 tỷ đồng. ACB và TCB được mua ròng lần lượt 506 tỷ đồng và 419 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, DIG bị dòng vốn này bán ròng lên đến 1.068 tỷ đồng. VPB và MWG bị bán ròng lần lượt 1.047 tỷ đồng và 854 tỷ đồng.

Khối ngoại ở sàn HoSE chấm dứt chuỗi 8 tháng bán ròng liên tiếp bằng việc mua ròng trở lại 3.914 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 83,9 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, nếu chỉ tính theo phương thức khớp lệnh, dòng vốn ngoại sàn này mua ròng 1.828 tỷ đồng.

10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng.

Khối ngoại mua ròng mạnh nhất mã MWG với giá trị gần 1.500 tỷ đồng, nhưng hầu hết được thực hiện thông qua phương thức thỏa thuận. Tiếp sau đó, VNM cũng được mua ròng mạnh với giá trị 512 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ FUEVFVND được mua ròng 376 tỷ đồng. GEX, DGC, DPM và NLG đều có giá trị mua ròng trên 300 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VHM bị bán ròng mạnh nhất với 1.292 tỷ đồng. HPG và VND đứng sau với giá trị bán ròng lần lượt 958 tỷ đồng và 238,6 tỷ đồng.

Nguồn NDH 

0 comments:

Đăng nhận xét