16 thg 12, 2021

Ngoài 50, thấm mùi đời, con người mới biết tự KHÁM BỆNH cho chính mình: Bệnh khoác lác, bệnh sĩ, bệnh màu mè…

Ở tuổi trung niên, trải qua sự mài giũa của năm tháng, cảm nhận được sự lắng đọng của thời gian, chúng ta mới dần thấm thía “mùi vị” cuộc đời. Cũng chính vì hiểu được một số đạo lý cuộc đời nên rất dễ trở nên lõi đời, khôn lỏi, sinh ra một số căn bệnh. Vì vậy, cần phải học cách nhìn lại bản thân, biết “khám bệnh” cho chính mình.


01. Bệnh thích lên mặt dạy đời

Nhà văn Lạt Ma Ca nói rằng khi một người đến tuổi trung niên sẽ trở nên thích lên mặt dạy đời. Ngay cả khi bạn đã cố gắng thu liễm, nhưng khi nói chuyện với người khác, bạn cũng sẽ vô thức kéo chủ đề vào các sự kiện trong quá khứ mà người khác không thể tham gia được, nhằm khoe khoang những trải nghiệm của bản thân.

Thời nhà Tống có một viên quan tên Chung Phó, chữ viết của ông ta không ra gì nhưng lại rất thích đánh giá nét chữ của người khác. Một lần, ông nhìn thấy trong chùa treo một bức hoành với chữ ký không rõ ràng. Ông lập tức lên mặt chê bai chữ viết trên tấm hoành, yêu cầu nhà sư trong chùa gỡ nó xuống, tự mình sẽ viết lại. Sau khi nhà sư tháo tấm hoành xuống và lau sạch mới phát hiện ra rằng chữ viết mà Chung Phó chê bai là do Nhan Chân Khanh viết. Thấy vậy, Chung Phó chỉ đành tỏ vẻ khó chịu cằn nhằn: "Tại sao một bức họa thế này lại không được khắc trên bia đá?"

Ngu ngốc lớn nhất của một người là nghĩ rằng mình biết tất cả mọi thứ, khoa chân múa tay với người khác, bới móc đủ điều. Kết quả là, càng lên mặt dạy đời, càng bộc lộ sự ngu ngốc của chính mình.

Có cư dân mạng từng chia sẻ câu chuyện của anh ta trên mạng xã hội thế này: Sau khi bước vào tuổi trung niên, anh bất tri bất giác trở nên thích thể hiện. Khi ai đó xin lời khuyên từ anh ấy, anh không thể ngừng lại được, thường thích nói dông dài về cuộc sống, tình cảm và công việc với người ta, cứ như như một "người thầy nhân sinh" không gì không biết vậy.

Nhưng những người thường xuyên được anh giảng giải đó thay vì biết ơn lại bắt đầu giữ khoảng cách với anh. Sau đó, anh dần hiểu ra: Mỗi người có những trải nghiệm khác nhau, việc tự cho mình là thông minh, dùng những đạo lý của mình để hướng dẫn và can thiệp vào cuộc sống của người khác, cuối cùng chỉ khiến người ta thấy phản cảm mà thôi.

Mạnh Tử nói: "Tai họa của con người nằm ở việc thích lên mặt dạy đời". Điều cấm kỵ nhất trong giao tiếp là tự cho rằng mình tài giỏi hơn người, dùng sự từng trải của mình dạy dỗ người khác. Học cách kiềm chế ham muốn dạy đời người khác, loại bỏ lòng tự tôn ngút trời mới là kỷ luật hàng đầu của người trung niên.


02. Bệnh khoác lác

Trong cuộc sống luôn có những người thích khoác lác, nói đủ thứ chuyện trên trời dưới biển và thổi phồng về chính mình.

Trong tiểu phẩm "Đôi điều bạn nói", Quách Tử là một người đàn ông trung niên, làm việc trong bộ phận đường sắt. Để người khác đánh giá cao về mình, anh ta thường tự khoác lác và phóng đại khả năng của mình lên tận trời. Anh ta không chỉ nói dối rằng mình có quan hệ ở bộ phận đường sắt mà còn khoe mẽ rằng mình có bản lĩnh, có thể mua được vé mà người khác không mua được. Bạn bè nghe nói anh ta có quan hệ rộng nên nhờ anh ta mua giúp hai vé giường nằm trong dịp Tết nguyên đán. Để lời nói dối của mình không bị phát giác, anh ta chỉ đành gật đầu đồng ý. Giữa trời đông giá rét, anh ta xếp hàng mua vé trong đêm, đợi cả một đêm vẫn không mua được, anh ta chỉ đành bỏ tiền túi mua vé với giá cao. Sau khi người vợ biết chuyện đã cãi nhau với anh ta một trận, còn tức giận nói rằng không thể sống với anh ta thêm được nữa. Nhìn vẻ mặt tức giận của vợ, anh mới hiểu ra rằng, việc nói khoác không những không khiến người khác đề cao mình mà ngược lại còn hại chính mình.

Dù là thái độ làm người hay đối nhân xử thế đều phải biết giữ khiêm tốn, hành động thận trọng và chú ý phát ngôn, đó mới gọi là trí tuệ.

Khổng Tử có một đệ tử tên Tế Dữ, thường ngày tính cách bộp chộp, thích khoe mẽ. Lúc đầu Khổng Tử đánh giá cao anh ta vì nghĩ rằng anh ta có ý chí cao cả, nhưng sau khi tiếp xúc mới phát hiện anh ta chỉ đơn giản là thích thể hiện. Vì vậy Khổng Tử đã ra mặt khiển trách rất nặng nề.

Ông cũng đặt ra một quy tắc: Tất cả các đệ tử của ông phải nhất quán giữa lời nói và hành động, không được nói lời sáo rỗng, khoe khoang. Nhờ sự phê bình của thầy, Tế Dữ nhanh chóng nhận ra sai lầm của mình, từ đó nói năng và hành động một cách thận trọng hơn. Tế Dữ chữa khỏi bệnh khoác lác, được Khổng Tử nhìn nhận lại, sau này xếp thứ mười trong số ba nghìn đệ tử, trở thành một hiền nhân chân chính.

Tằng Quốc Phan nói: "Phát triển bản thân lấy việc không phát ngôn bừa bãi làm cốt". Giữ mồm giữ miệng, khiêm tốn làm người, trầm ổn hành sự chính là tu thân, dưỡng tính.


03. Bệnh đến chết vẫn sĩ

Dịch Trung Thiên từng nói: "Sĩ diện là một loại tài sản của người Trung Quốc, nó gần như chi phối cuộc sống hàng ngày của chúng tôi". Yêu thể diện là lẽ thường tình, nhưng đến chết vẫn đòi sĩ diện lại là một tai họa.

Lỗ Tấn từng viết lại câu chuyện thế này trong một tạp văn: Một người đi dự đám tang, đến nơi thấy những người khác đều đã nhận khăn trắng từ gia đình của người quá cố, nhưng anh ta thì không có. Anh ta cảm thấy mình bị phân biệt đối xử, quá mất mặt nên đã tập trung một số bạn bè làm náo loạn một trận. Kết quả là linh đường để tổ chức tang lễ biến thành một bãi chiến trường. Sau đó, sự việc bị người ta bàn luận sôi nổi, khiến anh ta mất hết mặt mũi với cả làng.

Như Trịnh Uyên Khiết đã nói: "Kết quả của việc sĩ diện thường là mất hết sĩ diện". Làm người, hãy bỏ đi những hư vinh phù phiếm, đừng để sĩ diện trói buộc.

Quê tôi có doanh nhân nọ phá sản ở tuổi trung niên, nợ nần chồng chất, đến nuôi gia đình sống qua ngày cũng còn khó. Đối thủ cạnh tranh cũ của anh ấy nói: "Tôi có thể cho anh một công việc, đến công ty tôi làm việc đi."

Những người xung quanh đều khuyên anh đừng đi, làm việc cho đối thủ cũ rất mất mặt. Nhưng anh ấy lại vui vẻ nhận công việc này, còn vì nó mà nỗ lực hết sức. Dần dần, mối quan hệ của anh với sếp ngày càng tốt, anh được sếp đánh giá cao. Sau đó, anh hợp tác với đối thủ cạnh tranh cũ, cũng là ông chủ hiện tại của mình mở một công ty mới, sự nghiệp lại một lần nữa thành công rực rỡ.

Diệc Thư nói: "Sĩ diện là thứ khó bỏ xuống nhất, cũng là thứ vô dụng nhất. Khi bạn càng chú ý đến nó, nó sẽ càng trở nên nặng nề, khiến bạn càng khó tiến bước". Quá để ý thể diện sẽ chỉ cản trở sự tiến bộ của chính mình. Những người càng ít coi trọng sĩ diện sẽ càng có ít gánh nặng, cuối cùng mới càng có được thể diện.

Đến tuổi trung niên, sửa được căn bệnh thích sĩ diện thì đường đời mới càng bước càng rộng.


04. Bệnh màu mè

Ở tuổi trung niên, điều đáng sợ hơn cả một hình tượng bóng bẩy là sự màu mè trong nội tâm. Đánh mất sự đơn thuần và sơ tâm của tuổi trẻ, trở nên khôn lỏi, lõi đời, phức tạp và dung tục.

Vào thời Ngũ Đại, có một quan lớn tên Phùng Đạo chuyên ức hiếp kẻ dưới nhưng luôn vồn vã, nịnh bợ với người trên. Ông ta làm quan dưới 5 triều đại và 11 đời hoàng đế, mỗi khi tân vương lên nắm quyền, ông ta lập tức đến xun xoe, nói những lời hoa mỹ nhất, nhằm giành được sự ân sủng của quân vương.

Một lần, Chu Thế Tông muốn noi gương Đường Thái Tông đích thân dẫn quân xuất chinh. Lúc này, Phùng Đạo quen thói nịnh hót, lập tức tươi cười nịnh nọt vua: "Hoàng thượng là hoàng thượng, Đường Thái Tông là Đường Thái Tông, sao có thể so sánh được chứ?"

Thực tế điều ông ta muốn bày tỏ là hoàng thượng anh minh hơn Đường Thái Tông. Nhưng danh tiếng vua Đường Thái Tông trong lịch sử quả thật là quá oanh liệt. Ngay khi Phùng Đạo nói ra câu này, Chu Thế Tông lập tức nổi cơn lôi đình, cho rằng Phùng Đạo đang chế giễu mình. Sau sự việc này, Chu Thế Tông rất chán ghét Phùng Đạo, điều ông ta đi quản lý việc trùng tu lăng mộ của Chu Thái Tổ. Xôi hỏng bỏng không, Phùng Đạo trong lòng hoảng sợ, ngày ngày sống trong hoang mang, không lâu sau đó sinh bệnh mà chết.

Đến tuổi trung niên, nếu không giữ được nội tâm thanh tịnh, trở nên phô trương thì sẽ chỉ nhận được sự phản cảm và chán ghét của người khác. Người dẫn chương trình Mã Đằng từng nói: "Sự màu mè thực chất là sự đày ải với bản thân".

Nhà văn Phùng Đường từng viết bài "Làm thế nào để không trở thành một người đàn ông trung niên dung tục" khi ông 47 tuổi. Trong bài viết, ông liệt kê rõ ràng 10 nguyên tắc để cảnh giác bản thân, nhất định không được trở thành một người đàn ông "bóng lộn" ở tuổi trung niên. Sau nửa đời người, ông hiểu được rằng tư tưởng không lố lăng, nội tâm không sa đọa thì mới có thể thấy được viễn cảnh tươi đẹp hơn.

Nửa đời sau, cảnh giới cao nhất của con người chính là hiểu đời mà không sành đời, khôn khéo nhưng vẫn dại khờ. Phần lớn các căn bệnh trên thế giới này đều là tâm bệnh, liều thuốc tốt nhất nằm ở chính bản thân mình.

Khi bước vào tuổi trung niên, đi qua nửa con dốc đời người, điều chúng ta khó làm được nhất chính là nhìn thấy được căn bệnh của mình, học cách tự chữa, tự lành. Giáo sư Hồng Chiêu Quang đã nói, bạn luôn luôn là bác sỹ tốt nhất của chính mình, không ai hiểu rõ bản thân ta hơn ta, vì vậy, hãy biết cách nhìn nhận và khám bệnh cho chính mình!

Nguồn Tri Thức Trẻ

0 comments:

Đăng nhận xét