17 thg 12, 2021

Khách sạn, hàng không lao đao với Omicron

Những tưởng ngành du lịch sẽ hồi sinh sau 2 năm chống chọi dịch bệnh, sự xuất hiện của biến thể Omicron lại gây ra những lo ngại mới và các khuyến cáo hạn chế đi lại ở nhiều nước tiếp tục thách thức khối kinh doanh khách sạn và hàng không.

Thành phố Bethlehem, một điểm du lịch nổi tiếng của Palestine, vắng lặng trong bức hình chụp ngày 15-12 - Ảnh: AFP

Chỉ mới xuất hiện vài tuần qua song biến thể Omicron đã gây thiệt hại đáng kể cho ngành du lịch. Hãng nghiên cứu thị trường Travigo cho biết "làn sóng" hủy phòng đang ập đến các khách sạn trên toàn cầu ngay trong mùa nghỉ lễ cuối năm. Trong khi đó, các hãng hàng không cũng nín thở theo dõi những chính sách thay đổi liên tục về thủ tục nhập cảnh của mỗi nước.

Làn sóng hủy phòng

Sau khi phủi bụi suốt 2 năm, 228 phòng của khách sạn Ararat ở thành phố Bethlehem (Palestine), nơi Kinh Thánh ghi rằng Thiên Chúa đã ra đời, kỳ vọng việc kinh doanh sẽ khởi sắc trong mùa Giáng sinh năm nay. Ánh đèn lấp lánh và cây thông được trang trí đẹp đẽ như thắp lên hy vọng. Nhưng rồi, cũng như nhiều chỗ khác, chẳng khách nào đến cả. Chỉ có 7 trong số 105 nhân viên chưa bị sa thải của Ararat ngồi buồn bã ngắm nhìn ánh đèn trang trí.

"Chúng tôi ước tính sẽ đầy tới 70% số phòng trong dịp Giáng sinh này, nhưng tất cả các đơn đặt phòng từ nước ngoài đã bị hủy" - Hãng tin AFP dẫn lời viên quản lý Augustine Shomali của khách sạn nói.

Tình cảnh ảm đạm không chỉ xảy ra ở Bethlehem khi các biện pháp xét nghiệm, đóng cửa biên giới liên quan tới Omicron tại nhiều nước đã khiến hàng loạt sự kiện, từ thể thao, chương trình thương mại, tiệc tùng, bị hủy, và dĩ nhiên số phòng bị hủy cũng tăng theo.

Theo số liệu thống kê đến ngày 14-12 của Travigo, tỉ lệ hủy phòng tại các khách sạn trên toàn cầu đã tăng 35% kể từ tháng 11-2021 trong khi hoạt động du lịch giảm 10%. Hầu hết du khách đều chọn du lịch trong nước.

Để so sánh, kể từ khi Nam Phi cảnh báo về biến thể mới Omicron, các hoạt động du lịch chỉ tăng 4%, rất thấp so với mức tăng 34,7% cùng giai đoạn năm 2019. Travigo cho biết thêm trong tuần trước lễ Tạ ơn năm nay (trước 25-11), lượng tìm kiếm thông tin du lịch trên toàn cầu đã tăng 35%.


Phản ứng thái quá

Nhiều hãng lữ hành và du khách đã la làng vì quyết định đột ngột của nhiều nước từ châu Âu đến châu Á. Trong đó, một số quốc gia như Israel, Nhật Bản đóng cửa biên giới hoàn toàn. "Đây là phản ứng rất thái quá" - lãnh đạo Hãng hàng không Air Asia, ông Tony Fernandes nói.

Trong khi đó, các du khách "bơi" trong hàng loạt quy định rối rắm và thay đổi từng ngày, từ cấm đi lại, bổ sung xét nghiệm PCR đến quy định thời gian cách ly khi trở về.

"Tôi nghe nói một số du khách ở Hàn Quốc đã trở tay không kịp với quy định thay đổi khiến họ không được vào nhà hàng và các nơi khác. Tôi không muốn bị như vậy trong chuyến đi của mình" - chị Wrisney Tan, giám đốc một công ty ở Singapore, nói.

Đối với các hãng bay, tin tức xấu xuất hiện ngày càng nhiều, trong đó mới nhất là Canada đã khuyến cáo người dân không đi lại trong mùa lễ nếu không quá cấp thiết. "Với những ai đang lên kế hoạch du lịch, tôi xin nói rất rõ là bây giờ không phải lúc. Sự lây lan nhanh của biến thể Omicron trên toàn cầu khiến chúng tôi lo sợ sẽ xảy ra điều tồi tệ nhất" - Đài CBC dẫn lời Bộ trưởng Y tế Canada Jean-Yves Duclos nói ngày 15-12. Tại Anh, các hãng bay đang cố thuyết phục chính quyền bỏ quy định xét nghiệm với du khách đã tiêm ngừa đủ.

Ngày 15-12, báo Wall Street Journal dẫn các thống kê cho thấy hoạt động du lịch đường không đã phục hồi phần nào sau cơn hoảng loạn do Omicron, nhưng có thể tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các biện pháp liên quan trong thời gian tới. Đáng nói là nó sẽ làm chậm quá trình hồi phục của du lịch.

Một vấn đề vẫn bỏ lửng hiện nay là liệu lần này các nước có tiếp tục đóng cửa biên giới để ngăn virus? Đến nay, thông tin về Omicron vẫn chưa rõ ràng dù các dữ liệu ban đầu cho thấy biến thể này lây lan nhanh và có thể lẩn trốn vắc xin. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định vắc xin, chứ không phải các biện pháp hạn chế đi lại, mới là mấu chốt để ngăn Omicron.


Chỉ 1 khách hàng

Trước dịch COVID-19, mỗi năm có trên 3 triệu du khách đến thành cổ Bethlehem và hơn 20% dân số tại đây làm du lịch. Nhưng nay, người dân chỉ còn biết chờ đợi, hy vọng, và nhận khoản hỗ trợ hơn 200 USD của chính phủ cho lao động du lịch.

Anh Afram Shaheen - chủ một cửa hàng bán gốm ở Bethlehem - cho biết mỗi ngày bây giờ anh chỉ đến mở cửa hàng, uống tách cà phê rồi... đi về. Kể từ khi thành phố này phong tỏa vào tháng 3-2021, anh Shaheen chỉ có một khách hàng. Nhưng dù sao anh vẫn lay lắt tồn tại, trong khi các cửa hàng bán đồ trang trí, trang sức gần đó đã dẹp tiệm hoàn toàn.

Nguồn TTO

0 comments:

Đăng nhận xét