6 thg 10, 2021

Vụ TGDĐ xin giảm tiền thuê, LS Trương Thanh Đức: ‘Không trả tiền thuê vì bất khả kháng khác gì bảo chủ nhà vì thất nghiệp nên khỏi phải trả tiền nhà?"

"Nếu nói vì bất khả kháng mà không trả tiền thuê nhà, thì khác gì bạn bảo với chủ nhà rằng, vì tôi thất nghiệp nên đương nhiên không phải trả tiền nhà? Hay nói với ngân hàng rằng, vì tôi thua lỗ nên khỏi thực hiện nghĩa vụ trả tiền vay ngân hàng?", Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI - ví von.


Mới đây, câu chuyện Thế giới Di động đề nghị các chủ mặt bằng "tiếp sức", giảm 70% - 100% tiền thuê mặt bằng trong trường hợp phải hạn chế bán hàng hoặc đóng cửa chống Covid-19 một lần nữa trở nên ồn ào, khi một số chủ nhà phản ánh doanh nghiệp bán lẻ lớn nhất Việt Nam này đã đơn phương giảm tiền thuê mặt bằng khi chưa được sự đồng ý của họ.

Với câu hỏi liệu Thế giới Di động có thể dùng điều kiện bất khả kháng để đơn phương không trả hoặc giảm tiền thuê như họ đang thực hiện không, Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI - cho biết: Khoản 2, Điều 351 về "Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ", Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định rõ "Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác".

Tức là, khi xảy ra sự kiện bất khả kháng thì được miễn trách nhiệm nếu không giao được hàng đúng thời hạn hay không hoàn thành công việc đúng tiến độ, không kịp trả tiền đúng ngày giờ, chứ không phải là được miễn trừ nghĩa vụ trả tiền mua hàng, tiền thuê nhà hay tiền lương, tiền công, tiền thuế,...

"Dịch bệnh là sự kiện bất khả kháng theo quy định của pháp luật, nhưng có được áp dụng miễn trách vào hợp đồng và áp dụng vào nghĩa vụ nào, mức độ nào mới là quan trọng. Nếu nói vì bất khả kháng mà không trả tiền thuê nhà, thì khác gì bạn bảo với chủ nhà rằng, vì tôi thất nghiệp nên đương nhiên không phải trả tiền nhà, hay nói với ngân hàng rằng, vì tôi thua lỗ nên khỏi thực hiện nghĩa vụ trả tiền vay ngân hàng".

"Khi xảy ra sự kiện bất khả kháng thì chỉ cho phép trả chậm mà không bị phạt quá hạn, chứ vẫn có nghĩa vụ trả đủ tiền, trừ trường hợp có thoả thuận cụ thể về việc được miễn giảm số tiền phải trả", Luật sư Đức nói.

Luật sư Đức cũng cho biết, trên thực tế, nếu vì bất khả kháng mà không sử dụng được nhà thuê trong một thời gian dài, thì gần như 100% các trường hợp chủ nhà sẽ xem xét giảm giá ít nhiều, nhất là với hợp đồng lâu dài và số tiền thuê lớn.

Còn khi chủ nhà kiên quyết không giảm cho đồng nào thì cũng đành chịu hoặc tìm cách chấm dứt hợp đồng và cuối cùng dẫn nhau ra toà, nếu như không có tiếng nói chung.

"Cách làm của Thế giới Di động là không đúng luật, không đúng thoả thuận và cũng không đúng theo cách ứng xử với thị trường, với khách hàng".

"Thế giới Di động là một thương hiệu lớn, làm ăn bài bản và hiệu quả như thế cũng nhờ vào đối tác và người tiêu dùng, nhờ vào lòng tin của mọi người thì phải giữ gìn. Còn tất nhiên, khó khăn hay kể cả không khó khăn, mà anh thấy giá thuê đắt, mong muốn giảm giá thì phải làm việc, trao đổi, thương lượng một cách thiện chí", Giám đốc Công ty Luật ANVI nhìn nhận.

8 tháng đầu năm 2021, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất là 78.495 tỷ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế (LNST) là 3.006 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ), hoàn thành 63% kế hoạch doanh thu và 63% kế hoạch LNST cả năm.

Trong một sự kiện cuối năm ngoái, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) Nguyễn Đức Tài “khoe” đã biến khoản tiền thuê mặt bằng mà mọi người mặc định là chi phí cố định (Fixed Cost) thành chi phí biến đổi (Variable Cost). Ông đã "đi một vòng và lấy về 200 tỷ tiền thuê" mặt bằng trong bối cảnh đại dịch năm 2020.

Nguồn Doanh Nghiệp Và Tiếp Thị 

0 comments:

Đăng nhận xét