4 thg 10, 2021

Siêu thị đông như hội, bất an với mua bán tự phát

Khi TP.HCM mở cửa dần từ 1-10, nhiều nơi tổ chức mua bán chưa đúng hướng dẫn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn dịch bệnh. Tuy vậy, nhiều nơi cho biết việc xử lý gặp khó do TP chưa có quy định cụ thể.

Mua bán nhộn nhịp, không đảm bảo giãn cách tại một chợ tự phát trên đường Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh) vào trưa 3-10

"Không ai nhắc nhở gì nên cứ mua bán thoải mái thôi"

Ghi nhận sáng 3-10, không khí mua bán tại một con hẻm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường 26, quận Bình Thạnh) trở nên sôi động, đông đúc với hàng chục điểm bán tự phát. Đặc biệt, bên cạnh các điểm bán rau củ, thịt cá, các quán cơm mở lại thu hút khá đông khách mua.

Lựa mua hàng ở một điểm bán tại đây, bà Cúc (quận Bình Thạnh) cho biết từ khi TP.HCM "cởi trói" dần kể từ 1-10, ngày nào con hẻm này cũng đông đúc người mua kẻ bán, nhưng ít ai nhắc nhở phải giãn cách tối thiểu từ 2m trở lên như quy định, và đông nhất là vào buổi sáng, khi nhiều bà nội trợ đi chợ.

"Người dân nghĩ TP đã gỡ bỏ các chốt, không bị kiểm soát, không ai nhắc nhở gì nên cứ mua bán thoải mái thôi. Mua hàng tại những điểm bán lẻ, bán chui lại thuận tiện, không bị yêu cầu nên thu hút đông đảo người mua", bà Cúc nói.

Trong khi đó, sáng 3-10, dọc cung đường Chu Văn An (quận Bình Thạnh), đường Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh và Gò Vấp), các điểm bán hàng và chợ tự phát mọc lên như "nấm sau mưa" ở hai vỉa hè thu hút nhiều khách mua sắm, không đảm bảo giãn cách. Tuy vậy, rất ít khi thấy lực lượng chức năng đi kiểm tra, nhắc nhở, xử lý.

Bán rau, củ ngay sát vỉa hè tại khu vực trên, một người bán thừa nhận các điểm bán tự phát "bùng nổ" từ sau ngày 1-10, bán mua tự do, công khai nên không đảm bảo phòng chống dịch. 

"Thấy không ai kiểm tra, nhắc nhở. Đâu đâu người ta cũng mua bán như mở hội nên tôi bán theo, có cung thì có cầu thôi", người này nhận định.

Khi được hỏi có quy định "khách hàng có thẻ xanh mới bán không?", người này cho biết người bán tự phát, bán chui nên ít ai yêu cầu khách hàng phải có thẻ xanh, yêu cầu giãn cách, mà có yêu cầu thì khách hàng cũng không nghe, hoặc họ sẽ đi chỗ khác để mua.

Tượng tự, dù đã gần trưa 3-10 nhưng tại một chợ tự phát trên đường Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh) vẫn còn nhộn nhịp. Đoạn đường này dù chưa hoàn thành sửa chữa, nhưng các quầy sạp đã mọc lên từ nhiều ngày qua, người bán kẻ mua tấp nập.

Trưa 3-10, dù chủ của một quán ăn trên đường Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh) liên tục nhắc nhở khách giãn cách tối thiểu 2m nhưng có hàng chục khách vẫn xếp hàng đứng gần nhau.

Theo ghi nhận, khoảng 10h30 sáng 3-10, trước cửa vào siêu thị Emart (đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp) có khá đông khách hàng làm thủ tục khai báo y tế, sát khuẩn theo yêu cầu của nhân viên bảo vệ. Tuy nhiên, do không được nhắc nhở giãn cách nên khách hàng dồn lại trong không gian chật chội. Thời điểm trên, siêu thị cũng không giới hạn số lượng khách vào mua dù bên trong đã khá đông đúc.

Trong siêu thị, các quầy hàng như bánh mì, thực phẩm tươi sống, quầy tính tiền... nhiều thời điểm "không có lối đi".

Hì hục đẩy xe hàng lách qua từng chút một khi lối đi chật chội, bà Bích (quận Gò Vấp) cho biết nửa tháng rồi bà mới đi mua sắm, nên bà mất hơn 1 tiếng đồng hồ để mua đầy một xe. Theo bà Bích, siêu thị có phát loa thông báo yêu cầu giữ khoảng cách tối thiểu 2m nhưng lại cho khách vào đông quá, hầu như không thấy giới hạn số lượng, nên bên trong không thể nào giãn cách theo quy định được.

Sáng 3-10, trước cổng siêu thị Emart (quận Gò Vấp) có khá đông người dân đứng chen chúc nhau khai báo y tế để vào mua sắm. Do khu vực này nhỏ hẹp nhưng đông người nên có khách hàng phải ngồi bệt xuống đất để khai báo

Trong khi đó, bà Chung (quận Bình Thạnh) cũng mất hơn 1 tiếng đồng hồ để mua đầy 1 xe hàng. Theo bà Chung, bên trong ít khi thấy lực lượng bảo vệ nhắc nhở khách hàng giãn cách, thời gian mua sắm.

"Thấy đông người quá cũng sợ dịch bệnh, nhưng giờ lỡ vào rồi không mua cũng tiếc, lâu rồi mới đi siêu thị lại", bà Chung suy nghĩ.


Việc xử lý gặp khó do chưa có quy định cụ thể

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online mới đây, bà Phạm Khánh Phong Lan, trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết mua bán chui là hành vi vi phạm nên các địa phương có thể dựa vào bộ tiêu chí, quy định kinh doanh để xử lý.

Tuy vậy, bà Lan thừa nhận các quy định trong hoạt động mua bán hiện vẫn chưa được cụ thể, nhiều điểm còn chung chung, gây khó cho cơ quan chức năng lẫn người kinh doanh.

"Dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp, đặc biệt trong môi trường kín như siêu thị, phòng lạnh... nguy cơ lây nhiễm sẽ ở mức cao hơn. Do đó, người dân cần ý thức, chấp hành các quy định như giãn cách, tổ chức, quản lý, và kiểm soát an toàn dịch bệnh trong mua bán", bà Lan lưu ý.

Đại diện Phòng Kinh tế quận 11 thừa nhận tình trạng mua bán tự phát đang diễn ra phổ biến nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Tuy nhiên không dễ để xử phạt vì các quy định còn chung chung.

"Theo bộ quy tắc được TP ban hành, phần lớn nói đến nhóm nghề được hoạt động, còn lại ai được mua, mua bán thế nào, chỉ bán cho khách có thẻ xanh hay không... lại không được nhắc cụ thể nên gây khó cho quản lý", vị này nhận định.

Gần 11h ngày 3-10, khu thực phẩm tươi sống tại siêu thị Emart (quận Gò Vấp) trở nên chật chội vì lượng khách hàng đông đảo

Ngoài ra, theo một số địa phương, hiện TP chưa có văn bản mang tính quy phạm pháp luật, nghị định... về hoạt động mua bán kể từ ngày 1-10 nên không dễ để chính quyền áp dụng chế tài, xử phạt hành chính.


Chợ đầu mối "kêu cứu" vì chợ tự phát tràn lan

Thông tin đến báo Tuổi Trẻ Online ngày 2-10, đại diện chợ đầu mối Hóc Môn cho biết sau khi TP "cởi trói" dần từ ngày 1-10, các chợ tự phát, bán chui xung quanh chợ diễn ra ngày càng nhộn nhịp khiến cho hàng trong điểm tập kết tại chợ bị "ế". Lượng hàng nhập điểm tập kết ngày 1-10 chỉ 27 tấn (giảm hơn 100 tấn so với ngày đầu), và lượng xuất bán chỉ hơn 7 tấn.

"Chợ đưa ra các quy định chặt chẽ đối với hoạt động mua bán để phòng chống dịch theo yêu cầu của chính quyền, ngược lại bên ngoài lại mua bán, họp chợ thoải mái nên không ai vào chợ để mua hàng. Việc thiếu công bằng trong quản lý nếu tiếp diễn sẽ khiến thương nhân nản, điểm tập kết nguy cơ chết yểu", vị này nhận định.

Tương tự, đại diện chợ đầu mối Bình Điền và Thủ Đức cũng cho biết hoạt động mua bán chui, chợ tự phát xung quanh chợ đầu mối hoạt động sôi nổi dẫn đến việc tiêu thụ hàng hóa tại điểm tập kết trong chợ gặp khó.

Khách đứng chen chúc nhau tại khu vực tính tiền của siêu thị Emart vào trưa 3-10

Khu vực khai báo y tế tại nhiều điểm mua sắm hiện nay chưa đảm bảo khi không gian chật hẹp, không giới hạn người ra vào.

Nguồn TTO


0 comments:

Đăng nhận xét