11 thg 10, 2021

10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Nhóm bất động sản hút dòng tiền, 'hệ sinh thái Louis' tiếp tục lao dốc

Nhiều cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ tăng giá tốt trong tuần từ 4-8/10. Các cổ phiếu liên quan đến "hệ sinh thái Louis" vẫn đồng loạt lao dốc.


Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đứng ở mức 1.372,73 điểm, tương ứng tăng 37,84 điểm (2,83%) so với tuần trước đó. HNX-Index tăng 15,43 điểm (4,33%) lên 371,92 điểm. UPCoM-Index cũng tăng 2,32 điểm (2,4%) lên 98,3 điểm. 

Thanh khoản thị trường cải thiện hơn so với tuần trước đó. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 24.383 tỷ đồng/phiên, tăng 3,5%. Trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân tăng 10,5% lên mức 22.593 tỷ đồng/phiên.

Tất cả các nhóm ngành cổ phiếu đều có sự tăng trưởng trong tuần qua. Trong top 30 vốn hóa lớn, ở tuần qua chỉ có 3 mã giảm giá gồm CTG của VietinBank (HoSE: CTG) giảm 1%, ACB của Ngân hàng Á Châu (HoSE: ACB) giảm 0,2% và VNM của Vinamilk (HoSE: VNM) giảm 0,2%.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu GAS của PV GAS (HoSE: GAS) tăng mạnh nhất nhóm này với 8,6%. Giá khí đốt tại châu Âu cao kỷ lục vào ngày 6/10 bởi lo ngại nhu cầu tăng cao trong mùa đông lạnh giá ở Bắc bán cầu. Cụ thể, giá khí đốt trên sàn TTF của Hà Lan đạt 162,1 euro/mwh (tương đương 187 USD/mwh), cao nhất từ trước đến nay. Sau khi tăng cao, giá khí đốt đảo chiều vì lo ngại về nguồn cung dịu bớt. Tương tự, giá dầu WTI tương lai ngày 8/10 tăng 1,05 USD, tương đương 1,3%, lên 79,35 USD/thùng, cao nhất kể từ 31/10/2014.

Hai cổ phiếu công nghệ là VGI của Viettel Global (UPCoM: VGI) và FPT của CTCP FPT (HoSE: FPT) cũng tăng mạnh với lần lượt 7% và 6,5%.


Tăng giá

Dòng tiền vẫn tập trung mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trong đó, rất nhiều mã có mức tăng mạnh. Đứng đầu danh sách tăng giá sàn HoSE là DLG của Đức Long Gia Lai (HoSE: DLG) với 32,2%. Cổ phiếu DLG tiếp tục bị giữ nguyên diện kiểm soát. Được biết, mã DLG chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát từ ngày 23/4/2021 do Công ty lỗ ròng trong 2 năm liên tiếp 2019 và 2020 lần lượt hơn 1 tỷ đồng và 907 tỷ đồng. Ngoài ra, DLG còn ghi nhận khoản lỗ sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2021 gần 867 tỷ đồng. Sang nửa đầu năm 2021 DLG có lãi ròng trở lại với gần 25 tỷ đồng.

Mới đây, ông Trần Cao Châu - Tổng Giám đốc, kiêm người đại diện pháp luật đã bất ngờ nộp đơn từ nhiệm với lý do bận công việc gia đình.

10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HoSE.

Nhóm cổ phiếu bất động sản có một tuần giao dịch tích cực. Trong top 10 tăng giá sàn HoSE tuần vừa qua có đến 4 mã thuộc nhóm bất động sản. NBB của Đầu tư Năm Bảy Bảy tăng 21,4%. NBB tăng dù không có thông tin hỗ trợ, tuy nhiên, thanh khoản của cổ phiếu này tăng vọt. Tổng giá trị khớp lệnh bình quân đạt hơn 383.000 cổ phiếu/phiên, gấp 2,5 lần so với tuần trước đó.

Cổ phiếu DRH của DRH Holdings (HoSE: DRH) cũng tăng 21,2%. 15/10 tới đây sẽ là ngày giao dịch không hưởng quyền để DRH thực hiện quyền tham dự ĐHĐCĐ bất thường lần 1 năm 2021.

Tại sàn HNX, cổ phiếu CLM của Xuất nhập khẩu Than - Vinacomin (HNX: CLM) tăng giá mạnh nhất với 59,5%. Cổ phiếu này hiện có 8 phiên tăng trần liên tiếp.

10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HNX.

"Tân binh" nhóm bất động sản là KSF của Tập đoàn KSFinance (HNX: KSF) tăng gần 57% chỉ sau 3 phiên chào sàn HNX. Cổ phiếu KSF lên giao dịch trên HNX từ hôm 6/10 với giá tham chiếu 36.000 đồng/cp. Thành lập từ tháng 2/2015, đến nay, vốn điều lệ của KSF Group là 3.000 tỷ đồng. KSF Group được biết đến với vai trò là chủ đầu tư, phát triển và phân phối hàng loạt các dự án bất động sản. 

Theo báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất của KSF ghi nhận 689 tỷ đồng (tăng 5,8 lần so với cùng kỳ năm trước), trong đó hoạt động cho thuê bất động sản đem về 368,5 tỷ đồng, tương ứng hơn 53% tổng doanh thu. Ngoài ra, doanh thu hoạt động chuyển nhượng bất động sản đạt 290 tỷ đồng chiếm 42% tổng doanh thu. Lợi nhuận sau thuế đạt 225 tỷ đồng, tổng tài sản hợp nhất là 9.406 tỷ đồng. Năm 2021, KSF Group đặt mục tiêu doanh thu đạt 2.060 tỷ đồng và 385 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương đương tăng lần lượt là 42% và 91% so với năm trước.

Ở sàn UPCoM, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất là MIC của Khoáng sản Quảng Nam (UPCoM: MIC) với 67,6%. Đứng thứ 2 trong danh sách tăng giá sàn này là CBS của Mía đường Cao Bằng (UPCoM: CBS) với 48%.

10 cổ phiếu tăng mạnh nhất UPCoM.


Giảm giá

Nhóm cổ phiếu liên quan đến "hệ sinh thái Louis" vẫn chiếm những vị trí cao trong danh sách giảm giá ở tuần từ 4-8/10. Trong đó, TGG của Louis Capital (HoSE: TGG) giảm giá mạnh nhất sàn HoSE với 30%. Mới đây, HĐQT Louis Capital ra nghị quyết sẽ tạm hoãn việc thực hiện nội dung phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ bằng hình thức chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Trước đó, ĐHĐCĐ bất thường lần I/2021 hồi đầu tháng 9 đã thống nhất phương án chào bán tối đa 30 triệu cổ phiếu với giá 15.000 đồng, số tiền thu về đạt 450 tỷ đồng. Nếu chào bán thành công, vốn điều lệ của TGG dự kiến tăng gấp đôi lên mức gần 573 tỷ đồng.

10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HoSE.

Cổ phiếu VMD của Y Dược phẩm Vimedimex (HoSE: VMD) tiếp tục lao dốc và giảm 11,2% trong tuần qua. Hiện thị giá của VMD chỉ còn 41.450 đồng/cp, tương ứng mất gần 50% so với mức 82.400 đồng/cp hồi 1/9.

Hai cổ phiếu giảm giá mạnh nhất sàn HNX đều liên quan đến "hệ sinh thái Louis" là SMT của SAMETEL (HNX: SMT) và VKC của Cáp nhựa Vĩnh Khánh (HNX: VKC) với mức giảm lần lượt 31,3% và 23,6%.

10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HNX.

Trong khi đó, đa số các cổ phiếu giảm giá mạnh sàn UPCoM đều thuộc nhóm thanh khoản rất thấp. Đứng đầu danh sách giảm giá là SPA của Bao bì Sài Gòn (UPCoM: SPA) với 27%.

10 cổ phiếu giảm mạnh nhất UPCoM.

Nguồn NDH


0 comments:

Đăng nhận xét