9 thg 9, 2021

Ấn Độ đối phó đợt bùng phát virus Nipah

Giới chức bang Kerala miền nam Ấn Độ đang gấp rút kiểm soát đợt lây lan virus Nipah, loại virus khiến 75% ca nhiễm tử vong.

Nhân viên y tế Ấn Độ chôn thi thể một người nhiễm virus Nipah ở bang Kerala tháng 5/2018. Ảnh: AP.

Một cậu bé 12 tuổi ở Kerala nhập viện vì sốt cao hồi đầu tuần trước. Khi tình trạng của cậu bé trở nên tồi tệ hơn, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị viêm não và gửi mẫu máu tới Viện Virus học Quốc gia Ấn Độ. Xét nghiệm cho thấy cậu bé nhiễm virus Nipah. Cậu bé này qua đời ngày 4/9, chưa đầy một tuần sau khi nhập viện.

Nipah là loại virus truyền từ động vật sang người, chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với động vật hoặc sử dụng thực phẩm nhiễm bẩn. Tuy nhiên, lượng lớn ca nhiễm virus Nipah theo đường từ người sang người đã được báo cáo.

Người nhiễm virus Nipah thường có các triệu chứng gồm sốt và đau đầu trong ba ngày tới hai tuần, ho, đau họng và các vấn đề hô hấp. Người bệnh sau đó bị phù não, dẫn đến buồn ngủ, lú lẫn, có thể hôn mê và tử vong. Chưa có thuốc chữa hoặc vaccine đối phó với virus Nipah và bệnh nhân chỉ được chăm sóc y tế hỗ trợ.

Giới chức bang Kerala đã mở chiến dịch truy vết, xác định, cách ly và xét nghiệm những người có thể tiếp xúc với cậu bé 12 tuổi. Veena George, lãnh đạo cơ quan y tế bang Kerala, cho biết đã xác định được 188 người tiếp xúc với cậu bé, trong đó 20 người thuộc diện nguy cơ cao chủ yếu là người trong gia đình. Tất cả đều bị cách ly nghiêm ngặt hoặc đã nhập viện.

Hai nhân viên y tế tiếp xúc với cậu bé 12 tuổi xuất hiện các triệu chứng nhiễm virus Nipah vào ngày 6/9. Họ đã nhập viện và được lấy mẫu máu để xét nghiệm. Giới chức phong tỏa khu vực trong bán kính khoảng ba km từ nhà cậu bé và khám sàng lọc những người có triệu chứng ở các quân huyện lân cận tại Kerala.

Đây là lần thứ hai trong vòng ba năm một đợt bùng phát virus Nipah được báo cáo ở bang Kerala của Ấn Độ, nơi đang đối phó với đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng. Số ca nCoV tại Kerala chiếm trung bình 68% trong khoảng 40.000 ca nhiễm mới ở Ấn Độ mỗi ngày.

Loài dơi ăn quả thuộc họ Pteropodidae, thường được gọi là cáo bay, là vật chủ tự nhiên của virus Nipah. Chúng có thể truyền virus cho nhiều loài động vật khác như lợn, chó, mèo, dê, ngựa và cừu.

Virus Nipah được phát hiện lần đầu tại Malaysia năm 1999 khi một đợt bùng phát xảy ra ở cộng đồng người chăn nuôi lợn. Các đợt bùng phát chủ yếu diễn ra ở Đông Nam Á và Nam Á, khiến hơn 260 người chết. Một đợt bùng phát xảy ra ở Bangladesh năm 2004 liên quan đến việc người nhiễm sử dụng nhựa cây chà là chứa virus Nipah từ những con dơi ăn quả mang virus.

Đợt bùng phát gần nhất ở Ấn Độ là vào năm 2018 tại bang Kerala, khiến 17 trong số 18 người nhiễm tử vong. Các ca nhiễm đều liên quan đến những con dơi ăn quả chết trong giếng nước của một gia đình.

Virus Nipah được coi là ít lây lan hơn nCoV, song tỉ lệ tử vong cao hơn nhiều. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết có tới 75% ca nhiễm virus Nipah tử vong, trong khi đó tỉ lệ này đối với nCoV là 2%. Khoảng 20% người sống sót có thể gặp các triệu chứng thần kinh kéo dài như co giật và thay đổi tính cách.

Thời gian ủ bệnh lên tới 45 ngày cùng khả năng lây sang nhiều loài động vật khác nhau khiến Nipah trở thành một mối lo ngại đáng kể với các chuyên gia dịch tễ học đang cố dự đoán và ngăn chặn đại dịch tiếp theo.

Trong ghi chú về virus Nipah, WHO cảnh báo nguy cơ lây lan ra các nước khác thông qua trái cây và các sản phẩm trái cây, như nước ép chà là tươi, bị nhiễm nước tiểu hoặc nước bọt từ dơi ăn quả mang virus. WHO cũng khuyến cáo rửa kỹ, gọt vỏ hoa quả và không sử dụng những quả có dấu hiệu bị dơi cắn để phòng tránh.

Nguồn VNEXPRESS

0 comments:

Đăng nhận xét