15 thg 8, 2021

10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Nhóm phân bón, VLXD, cảng biển tăng mạnh

Cổ phiếu SSH tăng mạnh nhất thị trường với mức tăng 100% chỉ sau một tuần giao dịch. Các cổ phiếu thuộc nhóm phân bón, vật liệu xây dựng, vận tải - cảng biển đua nhau tăng giá mạnh. Nhóm cổ phiếu lớn phân hóa mạnh và có biến động hẹp.


Kết thúc tuần giao dịch từ 9-13/8, VN-Index đứng ở mức 1.357,05 điểm, tương ứng tăng 15,6 điểm (1,16%) so với tuần trước. Bên cạnh đó, HNX-Index cũng tăng 11,5 điểm (3,53%) lên 336,96 điểm. UPCoM-Index tăng 3,89 điểm (4,41%) lên 92,17 điểm.

Thanh khoản thị trường chứng khoán tiếp tục tăng so với tuần trước đó, với khối lượng giao dịch bình quân đạt 995 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 17% so với tuần đầu tháng 8, tương ứng giá trị giao dịch bình quân là 29.386 tỷ đồng/phiên, tăng 16,8%. Giá trị khớp lệnh bình quân cũng tăng 17,7% lên 27.474 tỷ đồng.

Dòng tiền trong tuần vừa qua tập trung mạnh vào nhiều nhóm ngành cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, trong khi đó, các cổ phiếu vốn hóa lớn lại có biến động không mạnh và phân hóa rõ nét. Trong top 30 vốn hóa toàn thị trường chứng khoán có 15 mã tăng và 13 mã giảm. Bên cạnh đó, mức tăng, giảm của các cổ phiếu này đều dưới 6%.

VHM của Vinhomes (HoSE: VHM) là nhân tố lớn nhất giúp VN-Index đi lên khi tăng 5,4%. Vinhomes mới thông báo đã bán xong 60 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 1,79% vốn điều lệ. Với giá bình bán quân 108.637 đồng/cp, doanh nghiệp thu về tổng cộng 6.518 tỷ đồng. Thời gian giao dịch từ 26/7 đến 11/8.

Tương tự, VPB của VPBank (HoSE: VPB) cũng tăng 5%, VGI của Viettel Global (UPCoM: VGI) tăng 4,1%...

Ở chiều ngược lại, BSR của Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) giảm mạnh nhất nhóm này với 3,9%. NVL của Novaland (HoSE: NVL) giảm 3,7%.


Tăng giá

Dòng tiền trong tuần từ 9-13/8 tập trung mạnh vào nhóm cổ phiếu phân bón, vật liệu xây dựng, vận tải - cảng biển. Rất nhiều cổ phiếu thuộc các nhóm ngành này đều lọt vào top tăng giá mạnh nhất trên 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM.

Tại sàn HoSE, các cổ phiếu như VOS của Vận tải Biển Việt Nam (HoSE: VOS), SFG của Phân bón Miền Nam (HoSE: SFG), STG của Kho Vận Miền Nam (HoSE: STG), DPM của Đạm Phú Mỹ (HoSE: DPM) đều nằm trong danh sách các mã tăng mạnh nhất sàn HoSE. Trong đó, VOS tăng 32,2%, SFG tăng 26%, STG tăng 23,5% và DPM tăng 19,8%.

Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HoSE.

Mã tăng mạnh nhất sàn này là VMD của Y Dược phẩm Vimedimex (HoSE: VMD) với 39,7%. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì hỗ trợ Y Dược phẩm Vimedimex trong việc nhập khẩu vaccine Sputnik V về Việt Nam.

Ở sàn HNX, có đến 9 cổ phiếu thuộc nhóm vật liệu xây dựng, phân bón và cảng biển nằm trong top 10 tăng giá. Cổ phiếu PMB của Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Bắc (HNX: PMB) tăng mạnh nhất với 38,9%. Thanh khoản của PMB tăng đột biến với khối lượng khớp lệnh bình quân đạt 381.082 cổ phiếu/phiên, gấp 6,5 lần tuần trước đó.

Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HNX.

Tại sàn UPCoM, cổ phiếu SSH của Phát triển Sunshine Homes (UPCoM: SSH) là mã tăng mạnh nhất lên đến 100%. Như vậy, SSH đã tăng trần 8 phiên liên tiếp kể từ khi chào sàn UPCoM hôm 4/8. Chốt phiên 13/8, SSH đứng ở mức 79.800 đồng/cp tương ứng gấp 3,7 lần giá chào sàn.

Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất UPCoM.

Tiếp sau đó là cổ phiếu CCP của Cảng Cửa Cấm (UPCoM: CCP) với 55,1%. CCP thuộc diện cổ phiếu luôn có thanh khoản thấp, nhưng trước sự bứt phá của dòng cảng biển nói chung, cổ phiếu này cũng bứt phá và thanh khoản cải thiện hơn. Khối lượng khớp lệnh bình quân đạt 3.986 cổ phiếu/phiên trong khi tuần trước đó chỉ vỏn vẹn 61 cổ phiếu/phiên.


Giảm giá

Cổ phiếu giảm giá mạnh nhất sàn HoSE là PTL của Petroland với 14,6%. Mới đây, Bà Trần Thị Ngọc Cư và ông Đoàn Văn Đức, 2 cổ đông lớn của công ty này thông báo mỗi cá nhân đều đã bán ra toàn bộ 5,5 triệu cổ phiếu PTL (tỷ lệ 5,5%) và không còn là cổ đông lớn. Các giao dịch này đều thực hiện ngày 5/8. Ngoại trừ chứng chỉ quỹ ETF FUESSV30 thì một cổ phiếu khác cũng giảm giá trên 10% là TNC của Cao su Thống Nhất (HoSE: TNC).

Top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HoSE.

Tại sàn HNX, cổ phiếu duy nhất giảm giá trên 20% là EVS của Chứng khoán Everest (HNX: EVS) với mức giảm 23,4%. Tiếp sau đó là BTW của Cấp nước Bến Thành (HNX: BTW) với mức giảm 18,3%. Tuy nhiên, thanh khoản của BTW luôn duy trì ở mức rất thấp.

Top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HNX.

Ở sàn UPCoM, đa số các mã giảm sâu sàn này đều thuộc nhóm thanh khoản rất thấp và không có nhiều điểm nổi bật.

Top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất UPCoM.

Nguồn NDH


0 comments:

Đăng nhận xét