8 thg 6, 2021

SHS vừa vay 1.800 tỷ từ SHB để bổ sung nguồn vốn

Quy định hiện nay, CTCK chỉ có thể cho vay tối đa gấp 2 lần vốn chủ sở hữu, như vậy dư địa cho vay margin tại SHS vẫn còn khá nhiều.


CTCP Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (mã SHS) vừa ra thông báo về vay hạn mức tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB).

Theo đó, ngày 03/06/2021, Hội đồng quản trị SHS đã ban hành quyết định số 08-2021/QĐ-HĐQT thông qua phương án vay vốn theo hạn mức tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB Hà Nội) với tổng hạn mức 1.800 tỷ đồng, thời hạn 12 tháng. 

Theo bản công bố, mục đích vay lần này của SHS nhằm bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh trái phiếu Chính phủ.

Quý 1/2021, SHS lãi sau thuế 270 tỷ đồng, gấp 5,8 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tại thời điểm 31/3/2021, tổng tài sản của SHS đạt 6.734 tỷ đồng, giảm gần 200 tỷ so với đầu năm. Trong đó tiền và tương đương tiền đạt 465,8 tỷ đồng (giảm 187 tỷ so với đầu năm), Danh mục các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) giảm từ 2.200 tỷ còn 1.700 tỷ. SHS cho vay margin khoảng 2.900 tỷ đồng. Công ty có vốn góp của chủ sở hữu 2.072 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối 1.031 tỷ, tăng 35% so với đầu năm.

Quy định hiện nay, CTCK chỉ có thể cho vay tối đa gấp 2 lần vốn chủ sở hữu, như vậy dư địa cho vay margin tại SHS vẫn còn khá nhiều.

Dư nợ cho vay margin tại các CTCK (nguồn: NDH)

Cuối tuần trước, Phó Chủ tịch UBCK Nguyễn Hồng Sơn lên tiếng về việc dư nợ margin toàn thị trường tại ngày 31/5/2021 đã đạt 112,1 nghìn tỷ đồng, tăng 31,2 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2020 và tăng 10,7 nghìn tỷ so với cuối quý I/2021. Thời gian gần đây, một số công ty chứng khoán đã có dấu hiệu cho vay margin chạm trần (gấp 2 lần vốn chủ sở hữu). Nhiều công ty chứng khoán cũng đã chủ động và đang triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ, phát hành tăng vốn để có nguồn phục vụ như cầu cho vay thời gian tới.

Thị trường chứng khoán Việt Nam sôi động trong nửa đầu năm 2021 tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của các CTCK.

Tính đến ngày 31/5/2021, chỉ số VN-Index đạt 1.328,05 điểm, tăng 7,2% so với cuối tháng trước và tăng 20,3% so với cuối năm 2020. Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 317,85 điểm, tăng 12,8% so với cuối tháng trước và tăng 56,5% so với cuối năm 2020.

Về quy mô giao dịch, trong tháng 5/2021, giá trị giao dịch bình quân đạt 26.178 tỷ đồng/phiên, tăng 16% so với tháng kế trước. Tính chung từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 21.214 tỷ đồng/phiên, tăng 185,9% so với bình quân năm trước. Tính đến cuối tháng 5/2021, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6.440 nghìn tỷ đồng, tăng 21,7% so với cuối năm 2020, tương đương 102,3% GDP.

TTCK hấp dẫn đã thu hút sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư mới. Trong tháng 5, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 113.674 tài khoản chứng khoán – đây là con số mở mới kỷ lục từ trước tới nay. Lũy kế 5 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới 480.490 tài khoản chứng khoán, vượt 20% số lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020. Tới cuối tháng 5, số tài khoản chứng khoán trên thị trường Việt Nam ở mức hơn 3,25 triệu tài khoản, tương đương 3,2% tổng dân số.

Tuy nhiên, sau 5 tháng tăng nóng, TTCK đang bước vào đợt điều chỉnh mạnh, hôm nay, VN-Index giảm hơn 40 điểm xuống dưới 1.320 điểm.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

0 comments:

Đăng nhận xét