29 thg 5, 2021

Ổ dịch lớn nhất ở TP HCM

58 ca dương tính sau hai ngày, ổ dịch liên quan Hội thánh Truyền giáo Phục hưng được xem lớn nhất, bùng phát nhanh nhất trong các ổ dịch đã xảy ra ở thành phố.

Trụ sở Hội thánh Truyền giáo Phục hưng ở đường Nguyễn Văn Công, phường 3, quận Gò Vấp. Ảnh: Hữu Khoa.

Với hơn 12.300 ca F1 và F2, số ca nhiễm tại điểm sinh hoạt của Hội thánh Truyền giáo Phục hưng, số 415/8/4 đường Nguyễn Văn Công, quận Gò Vấp, dự báo còn tăng thêm. Ngành y tế đã truy vết được 708 F1 (639 mẫu âm tính; 69 mẫu chờ kết quả); số F2 là 11.644, (5658 mẫu âm tính, còn lại chờ kết quả). Trong khi đó, ổ dịch bar Buddha ở TP Thủ Đức hồi tháng 3/2020 ghi nhận 18 ca nhiễm, 4.448 người liên quan; còn ổ dịch ở sân bay Tân Sơn Nhất bùng phát vào tháng 1/2021 chỉ ghi nhận 36 ca với hơn 5.000 người ảnh hưởng.

Thành phố đang phong toả 44 khu vực ở 16 quận huyện, phần lớn liên quan ổ dịch Hội thánh Truyền giáo Phục hưng. Trong đó, 3 bệnh viện Gia Định, Hoàn Mỹ và Tân Phú phải phong toả do các ca nhiễm từng đến khám. Điển hình ngày 28/5, Bệnh viện Tân Phú phải khẩn cấp phong toả sau khi phát hiện 3 ca nghi nhiễm (cùng gia đình ở phường Tây Thạnh) từng đến khám tại đây. Qua điều tra sơ bộ, ba người này đều là hội viên của Hội Thánh Truyền giáo Phục Hưng, cùng sinh hoạt vào ngày 16/5/2021 ở Gò Vấp.

Đáng chú ý, khi đi khám bệnh, ba người này khai báo không trung thực. Sau khi nhân viên y tế khai thác thêm thông tin mới biết 3 người là hội viên Hội thánh Truyền giáo Phục hưng nên đã chuyển xuống phòng cách ly tạm thời, lấy mẫu xét nghiệm. Bệnh viện Tân Phú sau đó đưa 9 nhân viên y tế đi cách ly tập trung; xét nghiệm toàn bộ nhân viên, người bệnh và nhân nhân có mặt tại bệnh viện trong ngày 27 và 28/5 để tầm soát.

Kết quả giải trình tự gene virus 5 bệnh nhân liên quan Hội thánh Truyền giáo Phục hưng được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM công bố chiều 28/5 cho thấy mẫu bệnh phẩm của cả 5 người thuộc nhóm lây nhiễm này đều thuộc biến chủng B.1.617.2 từ Ấn Độ. Biến chủng này được đánh giá khả năng, lây nhiễm nhanh hơn 1,7 lần so những chủng nCoV khác, có thể lây lan nhanh trong không khí ở môi trường kín.

Người dân khu vực Thanh Đa, quận Bình Thạnh, nơi có ca nhiễm liên quan Hội thánh Truyền giáo Phục hưng, phải đi xét nghiệm, ngày 27/5. Ảnh: Hữu Khoa.

Theo Sở Y tế thành phố, vợ mục sư Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng đi Hà Nội từ ngày 23/4 đến ngày 29/4 về TP HCM và ngày 13/5 có triệu chứng. Quá trình điều tra dịch tễ của HCDC, trong lúc sinh hoạt, hội viên hội thánh ngồi trong phòng kín, chật hẹp, không đeo khẩu trang, chưa đảm bảo nguyên tắc phòng dịch. Những yếu tố trên tạo điều kiện virus lây lan nhanh, làm tăng số ca nhiễm.

Cùng với chuỗi lây nhiễm nói trên, hiện TP HCM ghi nhận 4 chuỗi lây nhiễm khác: chuỗi liên quan quán ăn O Thanh, quận 3 (5 ca); chuỗi nữ nhân viên ngân hàng ở Tân Phú (4 ca); chuỗi hai nhân viên kiểm toán ở TP Thủ Đức và quận 7 (2 ca), và chuỗi từ "bệnh nhân 2910" lây ở Hà Nam. Tổng cộng là 70 ca.

Diễn biến dịch phức tạp, UBND TP HCM yêu cầu từ ngày 28/5 tất cả các cơ sơ sở ăn, uống trên địa bàn không được bán tại chỗ, chỉ được bán mang về. Tất cả nghi lễ tôn giáo; hoạt động tôn giáo tập trung từ 10 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự cũng phải tạm ngưng để phòng dịch lây lan.

Trong ngày 28/5, Việt Nam công bố 254 ca, gồm 253 ca trong nước, điểm nóng vẫn ở Bắc Giang với 176 ca. Hôm nay là ngày thứ 15 liên tiếp cả nước công bố hơn 100 ca nhiễm trong một ngày. Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay là 3.508. Dịch đã xuất hiện ở 31 tỉnh thành.

Xe đưa công nhân trọ ở thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu, huyện Việt Yên, Bắc Giang đi cách ly tập trung, đêm 27/5. Ảnh: Trần Khánh Hoà.

Bắc Giang và Bắc Ninh vẫn là 2 địa phương có số ca nhiễm nhiều nhất trong đợt dịch thứ 4 với 1.824 và 709 ca. Dịch bùng phát mạnh ở 2 tỉnh này do các ca nhiễm xuất hiện ở các khu công nghiệp đông công nhân.

Theo công văn khẩn của Bộ Y tế gửi các địa phương ngày 28/5, 2 tỉnh này có thể thí điểm cách ly F1 tại ký túc xá, nhà trọ có nhiều công nhân. Những nơi này phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định: lắp camera giám sát; người cách ly không ra khỏi nơi lưu trú; xử lý người không tuân thủ quy định, để lây nhiễm chéo trong khu vực phong tỏa và lây ra cộng đồng.

Nguồn VNEXPRESS

0 comments:

Đăng nhận xét