21 thg 4, 2021

‘Vẽ dự án’ trên đất công để huy động vốn

"Đến nay, hiện trạng mảnh đất vẫn là vườn cao su. Do đó, đây có thể là dự án ma, vẽ trên giấy chứ không tồn tại dự án", lãnh đạo UBND phường Tam Phước (Biên Hòa, Đồng Nai) nói về khu đất mà Công ty Trường Tiền dùng để huy động vốn trái phép.

Khu đất trồng cao su được dùng để huy động vốn - Ảnh: NNCC

Sau bài viết "Bị dụ bằng lãi suất cao, hàng trăm người 'ủy quyền đầu tư' mất tiền tỉ" trên Tuổi Trẻ Online, nhiều người dân tiếp tục tố cáo ông Lê Khánh Trình - chủ tịch HĐQT Công ty CP Trường Tiền Holdings (Công ty Trường Tiền, P.Linh Chiểu, TP Thủ Đức) - và ông Khiếu Xuân Khương - tổng giám đốc Công ty Trường Tiền, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Gold Garden (Công ty Gold Garden, P.9, Q. Phú Nhuận) - có dấu hiệu huy động vốn trái phép bằng đất công.

Đầu tư tiền tỉ dù chưa biết "mặt mũi" khu đất 

Ông T.K. (82 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) cho biết thông qua sự giới thiệu của bạn bè, cuối năm 2018 ông gom 1 tỉ đồng tiền dành dụm đầu tư vào Công ty Truờng Tiền.

Cũng như hàng trăm trường hợp khác, các "hợp đồng tự nguyện góp vốn đầu tư vào các dự án Tập đoàn Trường Tiền" được ký 3 bên giữa ông K. với Công ty Gold Garden (tư vấn và nhận góp vốn đầu tư) và Công ty Trường Tiền (đại diện chủ đầu tư dự án).

Ông T. cho biết theo thỏa thuận hợp đồng, mỗi tháng ông được trả lợi nhuận 35 triệu đồng. Tuy nhiên đến tháng 11-2019, Công ty Trường Tiền lấy cớ khó khăn tài chính để chây ì rồi dừng hẳn việc trả lợi nhuận cho ông.

"Tôi thấy Công ty Trường Tiền không thực hiện đúng theo cam kết trên hợp đồng nên yêu cầu thanh lý nhưng họ liên tục hứa hẹn, kéo dài thời gian. Sau đó họ đề nghị chuyển số tiền đã đầu tư vào dự án đất ở phường Tam Phước, TP  Biên Hòa, Đồng Nai bằng một hợp đồng hợp tác mới. Họ nói sau 1 năm tôi có thể nhượng lại thửa đất lại cho họ với giá 1,2 tỉ đồng", ông K. trình bày.

Một "hợp đồng hợp tác đầu tư" mới được vẽ ra và với điều khoản "Sau thời gian 12 tháng kể từ ngày ký kết hợp đồng, bên C (Công ty Trường Tiền) cam kết: khách hàng có thể nhượng lại quyền sử dụng thửa đất trên với giá 1,2 tỉ đồng và lợi nhuận mỗi tháng 20 triệu đồng". Những điều khoản đầy hứa hẹn này khiến ông K. tự huyễn rằng thửa đất thuộc sở hữu của mình nên liền đặt bút ký hợp đồng mà chưa hề bước chân tới vị trí thửa đất trên.

Thế nhưng từ đó đến nay, ông K. không nhận được bất kỳ khoản lợi nhuận nào, trong khi "đối tác" thì lặn mất tâm.

Với hình thức tương tự, bà P.T.Y. (60 tuổi, ngụ quận Tân Bình) cũng trót "hợp tác đầu tư" 1 tỉ đồng vào 2 công ty trên thông qua dự án đất ở phường Tam Phước, TP Biên Hòa.

"Đắng" hơn là trường hợp của ông P.V.T. (56 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương). Bằng cách nào đó, Công ty Trường Tiền và Gold Garden đã thuyết phục được ông lôi kéo 6 người trong gia đình "đầu tư" vào dự án đất nói trên với tổng số tiền bỏ ra là 6 tỉ đồng.

Điều kỳ lạ là trên tất cả các "hợp đồng hợp tác đầu tư" mà các nạn nhân cung cấp đều ghi cùng thông tin dự án là thửa đất số 35, tờ bản đồ số 71 và diện tích cùng là 3,1ha ở phường Tam Phước, Biên Hòa, Đồng Nai. 

Không chỉ ký các hợp đồng giống hệt nhau (chỉ khác thông tin người đầu tư), các nạn nhân còn cùng chung nguy cơ mất trắng tiền tỉ khi mà số tiền đầu tư vẫn biệt vô âm tính giống như lãnh đạo 2 công ty nói trên.

Lãnh đạo địa phương: đất công, không tồn tại dự án!

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, Công ty Thanh Ngọc (trụ sở tại TP Thủ Đức) dù không liên quan gì đến quyền sở hữu của khu đất nhưng vẫn ký hợp đồng thỏa thuận với Công ty Trường Tiền ngày 19-8-2019. Cụ thể, Công ty Thanh Ngọc cam kết cung cấp quyết định thu hồi và giao thửa đất số 35, tờ bản đồ số 71 của Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Đồng Nai cho Công ty Trường Tiền.

Từ thỏa thuận này đã "biến" Công ty Trường Tiền thành chủ đầu tư dự án. Và từ đây, Công ty Trường Tiền đã huy động vốn với rất nhiều khách hàng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo UBND phường Tam Phước (TP Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết khu đất trên là khu đất công, hiện vẫn là mảnh đất trồng cao su và không hề có dự án nào. 

"Sau khi nhận được thông tin của cơ quan điều tra, đơn vị đã có báo cáo về mảnh đất này. Đến nay, hiện trạng mảnh đất vẫn là vườn cao su. Do đó, đây có thể là dự án ma, vẽ trên giấy chứ không tồn tại dự án", lãnh đạo UBND phường Tam Phước khẳng định.

Trước đó, nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết Cơ quan điều tra Công an TP.HCM đang thụ lý điều tra tố giác về tội phạm của nhiều cá nhân ngụ tại TP.HCM và các tỉnh, tố cáo ông Lê Khánh Trình và ông Khiếu Xuân Khương có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức "hợp tác đầu tư".

Nguồn TTO

0 comments:

Đăng nhận xét