7 thg 4, 2021

Âm thầm bán trước 5 tỷ USD cổ phiếu, Morgan Stanley 'thoát hiểm cảnh' trong vụ Archegos bị margin call

Morgan Stanley bán khoảng 5 tỷ USD cổ phiếu liên quan vụ quỹ Archegos Capital Management vi phạm tỷ lệ ký quỹ từ cuối ngày 25/3, theo các nguồn thạo tin. Morgan Stanley nhận được sự chấp thuận từ quỹ Archegos của Bill Hwang trước khi thực hiện.  Ngân hàng này chào bán cổ phiếu với giá chiết khấu, thông báo với các quỹ phòng hộ rằng việc này có thể ngăn một khách hàng giấu tên sụp đổ. Tuy nhiên, Morgan Stanley không chia sẻ thông tin rổ cổ phiếu đang bán chỉ là sự khởi đầu cho đợt "xả hàng" lớn chưa từng có bởi họ và 5 ngân hàng đầu tư khác vào phiên sau đó.

Morgan Stanley "thoát hiểm" thành công trong vụ margin call của Archegos. Ảnh: Reuters.

Morgan Stanley bán ra khối lượng cổ phiếu trị giá lên tới khoảng 5 tỷ USD liên quan Archegos Capital Management, phần lớn là cổ phiếu công ty truyền thông Mỹ và công ty công nghệ của Trung Quốc, cho một nhóm các quỹ phòng hộ cuối ngày 25/3, theo các nguồn thạo tin.

Động thái trên không được công khai, cho thấy những bước đi nhanh nhạy của một số ngân hàng nhằm tránh thua lỗ khi một trong những khách hàng của họ thất thế, mang lại lợi ích cho Morgan Stanley cùng các cổ đông của họ.

Trong khi Morgan Stanley nhanh chóng “rút chân” ra khỏi vũng lầy với khoản thiệt hại không đáng kể, một số bên khác lại không may mắn như vậy. Credit Suisse cho biết họ lỗ khoảng 4,7 tỷ USD sau khi thoát các vị thế liên quan Archegos. Ngân hàng này hiện phải cắt giảm cổ tức của cổ đông, đồng thời, ngưng mua cổ phiếu quỹ.

Morgan Stanley nhận được sự chấp thuận từ Archegos, điều hành bởi cựu chuyên gia phân tích Bill Hwang của Tiger Management, bán các cổ phiếu đang nắm giữ vào tối muộn 25/3, các nguồn tin cho biết. Morgan Stanley bán các cổ phiếu đó với giá chiết khấu cho các quỹ phòng hộ, thông báo rằng việc này có thể ngăn một khách hàng giấu tên sụp đổ.

Tuy nhiên, Morgan Stanley không chia sẻ toàn bộ sự thật đối với các bên mua. Rổ cổ phiếu họ chào bán, bao gồm 8 mã, trong đó bao gồm Baidu và Tencent Music, đơn thuần là "phát súng" đầu tiên cho làn sóng bán khống chưa từng có trong tiền lệ, có giá trị lên tới hàng chục tỷ USD thực hiện bởi chính Morgan Stanley và các ngân hàng đầu tư khác, diễn ra ngay ngày hôm sau.

Một số khách hàng cảm thấy họ bị phản bội bởi Morgan Stanley vì không nắm được tình hình chung lúc đó, theo một nguồn thạo tin. Một vài quỹ phòng hộ chỉ biết tới sự việc thông qua các bài viết trên một số trang truyền thông rằng Hwang và các đơn vị môi giới ngồi lại với nhau ngay trong tối 25/3 nhằm lần lượt bán tháo các khoản đầu tư của Archegos - nhiệm vụ khó khăn nếu như thông tin không được giữ kín.

Điều đó có nghĩa rằng ít nhất vài nhân viên của Morgan Stanley biết kế hoạch bán tháo này, và chắc chắn công ty của Hwang sẽ “vô phương cứu chữa”. Chính những thông tin trong cuộc đã giúp Morgan Stanley và đối thủ như Goldman Sachs tránh được những khoản thua lỗ nhờ nhanh chóng bán đi những cổ phiếu được Archegos đầu tư.

Morgan Stanley và Goldman đã từ chối đưa ra bình luận.

Morgan Stanley chính là bên nắm giữ lớn nhất đối với 10 cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất bởi Archegos tính đến cuối năm 2020, với tổng giá trị lên tới 18 tỷ USD, theo thông tin từ các đơn vị phân tích thị trường. Credit Suisse đứng thứ hai, với giá trị nắm giữ khoảng 10 tỷ USD. Điều đó có nghĩa Morgan Stanley có thể phải đối mặt với khoản thua lỗ lên tới gần 10 tỷ USD nếu như không hành đông kịp thời.

“Morgan chắc hẳn sẽ rất đau đầu với khoản lỗ lên tới 10 tỷ USD, và họ buộc phải hành động mau lẹ”.

Trong khi loạt giao dịch trị giá 10,5 tỷ USD của Goldman Sachs liên quan Archegos tính đến cuối phiên 26/3 được công bố rộng rãi khi ngân hàng gửi thư điện tử đến khách hàng thì sự việc tối 25/3 của Morgan hiện vẫn chưa được tiết lộ. Nguyên nhân là Morgan Stanley đã đàm phán với các quỹ phòng hộ, yêu cầu giữ kín thông tin giao dịch.

Các quỹ phòng hộ thường không quá để ý tới các cổ phiếu riêng lẻ. Thay vào đó, họ thường mua các lô cổ phiếu từ những đơn vị môi giới lớn như Morgan Stanley, khi mức chiết khấu được coi là chấp nhận được, và thường sẽ không công bố ngay các thương vụ.

Sau khi Morgan Stanley và Goldman Sachs bán lô cổ phiếu đầu tiên của Archegos, “cửa cống” được tháo.

Phiên giao dịch ngày 26/3 cũng mang tới một bất ngờ khác. Một vài quỹ phòng hộ, đã mua cổ phiếu chào bán bởi Morgan Stanley tối hôm trước, lại mua thêm cổ phiếu của Goldman Sachs, được chào bán sau với mức giá thấp hơn 5 - 20% so với giá bán của Morgan. Trong khi có cổ phiếu lao dốc phiên cùng ngày, một vài cái tên như Baidu và Tencent lại bật tăng, cho phép các quỹ phòng hộ có thể bán chúng đi nhằm tìm kiếm lợi nhuận.

“Tình hình thực sự hỗn loạn khi 5 ngân hàng cùng lúc muốn bán ra lượng cổ phiếu trị giá hàng tỷ USD, giao dịch tại bất kỳ mức giá nào họ cảm thấy có lợi”, theo một nguồn tin trong ngành.

Morgan Stanley gần như bán hết các cổ phiếu liên quan Archegos vào ngày 26/3, nhưng vẫn nắm giữ 45 triệu cổ phiếu của ViacomCBS rồi bán nốt cho khách hàng hai ngày sau đó. Sự trì hoãn trong việc bán cổ phiếu của ViacomCBS làm dấy lên những câu hỏi và suy đoán về việc Morgan Stanley muốn nắm giữ để chờ cho phiên phát hành cổ phiếu mới của ViacomCBS, do ngân hàng này đảm nhiệm, kết thúc trước.

Dù khiến cho một số khách hàng không hài lòng, sau vụ việc của Archegos, các quỹ phòng hộ này vẫn sẽ không quay mặt lại với Morgan Stanley. Nguyên nhân là họ muốn tiếp cận các cổ phiếu được chào bán thông qua các phiên IPO đáng chú ý, mà chỉ có Morgan Stanley, một trong những ngân hàng uy tín nhất của Mỹ, mới có thể giúp họ làm được điều đó.

Nguồn NDH

0 comments:

Đăng nhận xét