31 thg 3, 2021

Vì sao khối ngoại bán ròng giá trị hàng tỷ USD tại Việt Nam trong hơn một năm qua?

Nhiều ý kiến đồng quan điểm cho rằng dòng vốn nước ngoài đang tìm đến các thị trường có sức bật hồi phục kinh tế mạnh mẽ hơn Việt Nam nhờ kích thích chính phủ.


Hiện tượng các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hàng tỷ USD thị trường chứng khoán Việt Nam trong vòng hơn một năm qua đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Tại tọa đàm "Thị trường chứng khoán: Cơ hội, rủi ro và giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững", các chuyên gia đã đưa quan điểm của mình về vấn đề này.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng các nhà đầu tư ngoại đang tìm đến các thị trường mà sức bật trở lại của nền kinh tế sau đại dịch mạnh. Tại Mỹ và Nhật Bản, các gói kích thích kinh tế của chính phủ rất lớn, nhưng Việt Nam lại không có nhiều tài trợ.

"Trong năm vừa qua, các doanh nghiệp phải gồng mình để tồn tại, trong khi Chính phủ không đưa vào viên thuốc bổ nào", ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa dự báo kinh tế Việt Nam sẽ bật dậy chậm chạp hơn nhiều so với thế giới, vì thế mà thị trường chứng khoán của Việt Nam cũng bật chậm như vậy.

"Chúng ta chưa có thế năng kinh tế nào để tạo sức bật lớn. Các mô hình của chúng tôi dự báo tăng trưởng nền kinh tế không vượt quá 5,5%". Dự báo này của ông Nghĩa là thấp hơn nhiều kế hoạch tăng trưởng của Chính phủ đề ra cũng như thấp hơn dự báo của các tổ chức quốc tế lớn.

Ông Nghĩa đưa ra nhận định rằng tình trạng nước ngoài bán ròng có thể kéo dài đến hết quý 2 năm nay, sau đó quay trở lại mua ròng vào cuối năm.

Ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc chiến lược thị trường CTCK MBS cho biết nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên từ năm 2020, quay trở lại thị trường Trung Quốc.

Ông Sơn thông tin rằng nước ngoài bán ròng mạnh tại thị trường Việt Nam trong năm ngoái, cao nhất 10 năm. Đầu năm 2021, nước ngoài tiếp tục bán, đợt gần nhất do lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng nhanh. Đồng tiền của các thị trường mới nổi mất giá nhanh, USD tăng cao trở lại. Các nhà đầu tư nước ngoài bảo toàn vốn và nhanh chóng rút ra.

"Chúng tôi biết rằng quỹ KIM của Hàn Quốc đã rút khỏi thị trường Việt Nam hơn 60 triệu USD", ông Sơn nói.

Ông Trần Hoàng Sơn

"Lạm phát của một số quốc gia có dấu hiệu nhích lên khi nền kinh tế phục hồi. Gói kích thích của chính phủ Mỹ đang khiến thị trường chứng khoán tăng mạnh trở lại. Tại Việt Nam, các yếu tố hỗ trợ tài khóa chưa rõ ràng. Các thị trường chứng khoán Mỹ, Nhật Bản đang tăng tốt hơn chúng ta".

Phân tích thêm, ông Sơn cho biết thị trường Trung Quốc có xu hướng hạ đòn bẩy, cung tiền sụt giảm nhanh, vỡ nợ trái phiếu đang gia tăng. Rủi ro tín dụng xuất hiện ở Trung Quốc khi đã kích thích tăng trưởng nóng trong thời gian qua. Đây là các yếu tố tác động ngắn hạn, cụ thể hóa bằng động thái bán ròng.

Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta có góc nhìn hai chiều. Ông Minh cho biết, việc nước ngoài bán ròng không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà còn ở thị trường như Đài Loan.

"Làn sóng dịch chuyển dòng vốn ra khỏi thị trường châu Á đang rất rõ ràng, ngoại trừ 3 thị trường Indonesia, Ấn Độ và Nhật Bản. Hai thị trường bị rút ròng lớn nhất là Hàn Quốc và Đài Loan. Năm 2018, quỹ KIM huy động vốn từ thị trường Hàn Quốc", đại diện Yuanta nói.

Ông Nguyễn Thế Minh

Ở chiều hướng bán ròng, dòng tiền tìm đến thị trường tốt hơn, vì thế xu hướng dịch chuyển ra khỏi thị trường Việt Nam. Ngoài ra, việc quản lý không hiệu quả của các quỹ truyền thống hiện nay cũng là một nguyên nhân. Dòng vốn từ các quỹ truyền thống chuyển sang các quỹ ETF hiệu quả hơn, phí quản lý thấp hơn. Ông Minh cho biết các quỹ truyền thống đang bị rút khá mạnh.

Ở chiều mua, xếp hạng tín nhiệm của nhiều doanh nghiệp Việt Nam ở mức dưới chuẩn. Thường vào đầu năm, các quỹ đầu tư sẽ tổ chức tour tham quan các doanh nghiệp để xem xét đánh giá, nhưng do COVID-19 các quỹ đang không làm được điều này.

"Có thể đây là nguyên nhân khiến họ đang chưa mạnh giải ngân. Giá trị chiều mua đã sụt giảm đáng kể", ông Minh nói.

Ông Nguyễn Sơn – Chủ tịch Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) bổ sung thêm:

"Tôi đã đặt nhiều câu hỏi với nhà đầu tư nước ngoài. Sau khi Mỹ liệt kê Việt Nam vào danh sách theo dõi quốc gia thao túng tiền tệ và ảnh hưởng đến tỷ giá đồng Việt Nam. Nếu điều này đúng, Việt Nam sẽ bị trừng phạt và các nhà đầu tư nước ngoài phải hành động sớm", ông Sơn mở đầu.

Ông Nguyễn Sơn.

"Họ cũng đánh giá năm 2021, khả năng Chính phủ Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp không nhiều. Các chính sách đang là giãn, hoãn thuế, chứ không phải miễn. Điều này có nghĩa đến thời điểm doanh nghiệp sẽ phải làm nghĩa vụ, khó khăn sẽ quay trở lại.

Mặt khác, danh mục của các nhà đầu tư nước ngoài từ 10 - 20 cổ phiếu, họ đã vào từ khi thị trường 600 - 700 điểm, hiện P/E cao, đây là thời điểm tốt để rút ra. Các quỹ ngoại cơ cấu khoản đầu tư, đảo danh mục.

Tỷ trọng nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài đã giảm xuống 18,5%, giảm gần 3% so với mức đỉnh, đây thực ra không phải con số quá lớn. Họ chuyển sang trạng thái nắm giữ tiền mặt, nhưng chưa hẳn là rút khỏi thị trường Việt Nam.

Quỹ KIM tôi đã biết từ lâu, họ đầu tư rất tốt, việc đảo danh mục cũng là chuyện bình thường.

Quan điểm của tôi là đừng quá quan ngại về việc bán ròng của nước ngoài trong những phiên vừa rồi. Tôi quan sát thấy rằng họ có mua lại một số. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng chỉ là một trường hợp để tham khảo, chưa chắc họ đầu tư đã thành công. Thanh khoản của thị trường chúng ta hiện nay rất tốt, nhưng quan điểm của tôi là thận trọng".

Theo dữ liệu tổng hợp của FiinTrade (thuộc FiinGroup), sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên HOSE đã về mức thấp hơn hồi đầu năm 2018, còn khoảng 18,5% (tỷ lệ số cổ phiếu). Mức đỉnh giữa hai thời điểm được ghi nhận là 21% đầu năm 2020. Kể từ đó, tỷ lệ sở hữu nước ngoài giảm mạnh và liên tục cho đến nay.

Nhà đầu tư nước ngoài bán chủ yếu theo phương thức khớp lệnh; ở chiều ngược lại, họ bổ sung cổ phiếu thông qua mua thỏa thuận.

Đỡ lực bán của khối ngoại là các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Từ đầu năm 2021, họ đã mua ròng khớp lệnh 19.800 tỷ đồng, dòng tiền mua mạnh kể từ sau Tết Nguyên Đán Tân Sửu (16.300 tỷ đồng).

FiinTrade cho biết, khoảng 60% lượng tiền mua ròng của nhà đầu tư cá nhân là để đối ứng lượng bán ra top 5 cổ phiếu bị nước ngoài bán (gồm HPG, VNM, CTG, POW, VCB).

Trong top 5 này, nhóm tự doanh không tham gia đáng kể (chỉ mua ròng hơn 81 tỷ đồng), tổ chức trong nước thậm chí còn bán theo khối ngoại (bán ròng 400 tỷ đồng).

Theo Nhịp sống kinh tế

0 comments:

Đăng nhận xét