6 thg 1, 2021

FLC Trịnh Văn Quyết: Khi nhà giàu cũng khóc

“Lợi nhuận của chủ đầu tư còn thua khoản tiền mà nhà nước thu được từ dự án, mà nhà nước thu luôn, chậm đóng ngày nào là phạt ngày đó” - Phát biểu của Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết.

Nhà đầu tư nhỏ, với những dự án vài chục ha đất, không đầu tư thành quần thể, thành khu đô thị lớn Ai bảo có lãi cứ chặt đầu tôi - Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết. Ảnh Tr.Tuấn

Và ông cho rằng: Giá nhà, giá đất vì thế - tùy thuộc hoàn toàn vào sự điều phối của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan thuế, chứ không thể nói do chủ đầu tư tăng giá".

Nhận định của ông Quyết được đưa ra tại tọa đàm "Toàn cảnh bất động sản 2021: Nhận diện xung lực mới".

Và ví dụ là chính Dự án FLC Sầm Sơn (Thanh Hóa). Mỗi m2 tại đây, FLC phải nộp 4 triệu đồng tiền sử dụng đất.

Rồi sau đó, phải chi phí các khoản làm hạ tầng như đường sá, sân golf, bãi tắm... khoảng 4 triệu đồng/m2 và trên dưới 20% tổng giá trị dự án cho các đại lý phân phối.

Tổng các loại chi phí, theo ông Quyết, lên tới hơn 10 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, giá bán khởi điểm của sản phẩm chỉ là 12 - 13 triệu đồng/m2.

Và từ đây nghịch lý nảy sinh: Đền bù cho dân chỉ 1-2 triệu; Chủ đầu tư bán 12-13 triệu đồng/m2, trong hoàn cảnh “phải là chủ đầu tư có tiềm lực tài chính, ít vay nợ, để dành được một góc dự án, chờ vài năm sau khi giá đất tăng trưởng, rồi bán thì mới có lợi nhuận tương đối”.

Và nhà nước, cứ 4 triệu đồng/m2. Siêu lợi nhuận. “Mà nhà nước thu luôn, chậm đóng ngày nào là phạt ngày đó”.

Nhà đầu tư lớn lờ lãi không đáng là bao, phải chờ nhiều năm để có lợi nhuận; Nhà đầu tư nhỏ, với những dự án vài chục ha đất, không đầu tư thành quần thể, thành khu đô thị lớn- nói như ông Quyết - “Ai bảo có lãi cứ chặt đầu tôi đi”. Trong khi dân mất đất thì “bị” đền bù quá hẻo. Và nhà nước thu tiền sử dụng đất quá cao đang là một vấn đề, một vướng mắc, chẳng những gây khó khăn trong việc tạo ra giá trị gia tăng từ đất mà còn khiến tình trạng khiếu tố liên quan đến đất đai chưa bao giờ thôi nóng.

Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho biết số đơn khiếu tố liên quan đến đất đai chiếm tới 67,7% trong tổng số đơn khiếu tố.

Đài tiếng nói Việt Nam dẫn lời Luật sư Trương Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhìn nhận: Giá trị đất đai hiện được xác định với hai khung giá: Nhà nước có một khung giá thấp, còn giá thị trường cao gấp 3-4 lần. Nếu giải phóng mặt bằng thì (đền bù cho dân) theo giá thấp, chuyển giao cho DN thực hiện dự án kinh tế- xã hội thì đất được bán theo giá trị trường cao hơn rất nhiều.

Đây là một gút mắc, một vô lý khiến chẳng những người dân bị thu hồi đất cảm thấy oan ức mà ngay chính nhà giàu cũng khóc.

Tiền sử dụng đất đang chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong cơ cấu thu ngân sách của các địa phương, nhưng suy cho cùng, về lâu dài nhà nước cần có chính sách làm sao để người dân bị thu hồi đất đỡ thiệt thòi mà còn giúp thị trường bất động sản hoạt động lành mạnh, trở về với giá trị thực của chúng.

Nguồn Báo Lao Động

0 comments:

Đăng nhận xét