21 thg 1, 2021

Cho vay kiểu gài bẫy, nhiều người mất nhà đất, cơ quan chức năng "bó tay"

Tín dụng “đen” đang biến tướng dưới nhiều hình thức tinh vi, sử dụng một số chiêu thức lách luật mà ngay cả cơ quan chức năng cũng "bị trói".

Một quán phở bị tạt sơn liên tục vì có người nhà dính vào các đối tượng cho vay nặng lãi.

Trá hình dưới “hợp đồng giả cách”

Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Nhận diện, đẩy lùi hoạt động tín dụng đen” do báo Người Lao Động tổ chức, thiếu tá Trịnh Khánh Hùng, Phó trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an TPHCM cho biết, các nhóm cho vay này thường núp bóng doanh nghiệp như cho thuê tài chính, cầm đồ, mua bán điện thoại, xe... có sự tham gia của các đối tượng mang tiền án, tiền sự, côn đồ, trốn nã. Để đối phó với cơ quan công an, các nhóm cho vay nặng lãi thường không có hợp đồng giao dịch dân sự, nếu có cũng ghi lãi suất thấp nhưng kèm theo hợp đồng viết tay với lãi suất cao hơn nhiều. 

Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại, Đoàn luật sư TPHCM cho hay, các đối tượng này có nhiều chiêu thức lách luật khiến các cơ quan pháp luật cũng… “bó tay”. 

Ông Hậu dẫn chứng trường hợp nạn nhân tên V.T.M (ngụ tại TPHCM). Biết chị M. cần 600 triệu đồng, một đối tượng đồng ý cho vay với điều kiện chị phải thế chấp sổ đỏ căn nhà. Điều kiện, chị M. phải chuyển nhượng căn nhà cho chủ nợ và mục đích để đảm bảo gói vay chứ không có việc mua bán căn nhà. Nếu chị M. không đóng lãi theo thỏa thuận thì chủ nợ sẽ thế chấp sổ tại ngân hàng lấy tiền vay.

Nạn nhân đã làm hợp đồng công chứng chuyển nhượng nhà cho đối tượng này. Mức lãi suất vay chị M phải chịu lên đến 1,5%/ngày, tương đương 45%/tháng. Không lâu sau nạn nhân không có khả năng chi trả gốc, lãi nên bị các đối tượng “siết” nhà.

“Bằng cách hợp đồng chuyển nhượng giả để che đậy giao dịch vay mượn tài sản. Rất nhiều người nghĩ là hợp đồng vay vốn thông thường. Khi đưa ra tòa, hầu như không thể xử lý hình sự các đối tượng cho vay được, vì tất cả hợp đồng đều qua công chứng hợp pháp...” – luật sư Hậu nói.

Theo luật sư Nguyễn Văn Đức – Đoàn luật sư TPHCM, bằng hình thức tương tự, ông từng chứng kiến vụ việc đối tượng cho vay nặng tại một tỉnh miền Tây thu của người dân đến 300 sổ đỏ, nhưng công an đành “bó tay”.

Tín dụng “đen” truyền thông “khá tốt”

Ông Hoàng Việt Cường -  Phó giám đốc Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) cho biết, các cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc đã đóng cửa hơn 10.000 nền tảng P2P lending hồi tháng 11/2020. Những nền tảng này có xu hướng tràn sang những nước có sự phòng vệ yếu và dễ bị tổn thương như Việt Nam. Giờ chỉ cần mở Facebook đã có hàng loạt trang giới thiệu cho vay đập vào mắt. Các ngân hàng đều có sản phẩm cho vay để hỗ trợ đẩy lùi tín dụng đen, song cái khó hiện nay là điều kiện cho vay phải theo quy định. 

Ông Nguyễn Thành Phúc - Phó Tổng giám đốc Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE CREDIT) cho rằng một số quy định hiện nay khiến người dân phải chọn kênh tín dụng “đen”.

Ông Phúc đặt vấn đề, tại sao cả hệ thông tín dụng đều vào cuộc cho vay tiêu dùng nhưng tín dụng “đen” vẫn còn đất sống? Họ có chỗ nào làm tốt hơn chúng ta hay không? Tín dụng đen có nhiều chỗ hay là mạng lưới quá tốt, truyền thông giỏi, cho vay dễ, số tiền vay nhiều… Còn các tổ chức tín dụng thì phải tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là đòi hỏi phải chứng minh mục đích vay, nhưng mục đích tiêu dùng thì làm sao chứng minh được? Chúng ta cũng giới hạn số tiền vay tiền mặt tiêu dùng là 20 triệu đồng. Hai năm trước khi soạn luật thì số tiền 20 triệu đồng này lớn nhưng giờ đã nhỏ và vài năm nữa càng nhỏ hơn, không còn phù hợp với điều kiện sống của người dân.

Phó thống đốc NHNN - Đào Minh Tú thừa nhận rằng các ngân hàng truyền thông tín dụng đến người dân còn hạn chế, chưa sâu rộng. Ông từng làm cuộc phỏng vấn người dân ở một xã có bao nhiêu ngân hàng? Hầu hết lắc đầu không biết.

Người dân cũng tự nhận thức được tín dụng “đen”, nhưng tại sao hoạt động này vẫn tồn tại được, phải chăng còn được sự “hậu thuẫn” hay “hỗ trợ”? Phải chăng nền kinh tế có cung thì ắt có cầu, tín dụng chính thức không đáp ứng được thì tín dụng “đen” đáp ứng? Đa phần tín dụng “đen” đều phục vụ cho các mục đích không chính thức như cá độ, cờ bạc, hút chích. Do đó tín dụng “đen” song song với các tệ nạn xã hội. 

Trong năm 2019, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TPHCM đã kiểm tra hành chính một số tổ chức công ty thì phát hiện rất nhiều đối tượng người Trung Quốc sử dụng các app (ứng dụng) cho vay nặng lãi như, “Vaytocdo”, “Moreloan”, “VD Online”… Gần đây nhất trong năm 2020 có kiểm tra công ty TNHH Cashwagon và Lentech với app “Cashwagon” cũng phát hiện có dấu hiệu cho vay nặng lãi, tiếp đến mở động điều tra ra thêm nhiều app vay nặng lãi khác như “Vdong”, “Openvay”, “Tiennhanh”, “Vtdong”, “Movay”, “Doctor”… Lực lượng đòi nợ của các app và các nhóm cho vay này đều là lực lượng có tiền án tiền sự. “Mới đây chúng tôi có kiểm tra công ty thu hồi nợ Thái Dương, mặc dù bị rút giấy phép nhưng công ty này vẫn lén lút hoạt động, sử dụng các đối tượng có tiền án tiền sự để đòi nợ, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, thậm chí là giết người, gây mất an ninh trật tự” - Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng nói.

Nguồn PNO

0 comments:

Đăng nhận xét