9 thg 12, 2020

Học sinh ở An Giang tự tử: Nhà giáo “tệ” chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”

Sự việc học sinh An Giang tự tử ở trước do bị bạo lực tinh thần không chỉ đặt ra vấn đề phương pháp giáo dục kỷ luật học sinh mắc sai phạm của nhà trường.

Nữ sinh Y hiện vẫn đang điều trị tại bệnh viện.

Sai sót trong công tác tổ chức, quản lý và biện pháp xử lý của Ban giám hiệu trường THPT Vĩnh Xương đã được Sở GD&ĐT tỉnh An Giang chỉ rõ như: trường tổ chức dạy thêm học thêm trong trường không đúng quy định của ngành khi dạy thêm đại trà cho tất cả học sinh theo lớp chính khóa; có hình thức phê bình kỷ luật học sinh không đúng với quy định của ngành khi nêu họ tên học sinh vi phạm dưới cờ và biện pháp giải quyết, xử lý học sinh vi phạm nội quy nhà trường chưa phù hợp, hiệu quả.

Ba nguyên nhân trên được cơ quan quản lý giáo dục địa phương chỉ ra và được cho là dẫn đến sự việc nữ sinh N.T.N.Y (lớp 10A4) tự tử. Từ kết luận ban đầu của cơ quan chức năng, từ diễn biến sự việc và từ lời kể của nữ sinh, có thể thấy, nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự việc trên chính là sự tệ bạc của chính những người làm thầy, cô giáo.

Trong đó, giáo viên chủ nhiệm Huỳnh Thị Thu Huệ là người đáng trách nhất trong sự việc này. Giáo viên này không chỉ có lỗi trong việc phối hợp với gia đình trong việc giáo dục học sinh chưa phù hợp, chưa hiệu quả, gây bức xúc; chưa kịp thời xin ý kiến chỉ đạo của Ban giám hiệu trường trong việc xử lý vụ việc, để sự việc kéo dài, diễn biến phức tạp mà có cách hành xử với học sinh một cách tệ bạc, phản giáo dục.

Theo lời kể của nữ sinh Y., chỉ vì em không học phụ đạo tất cả 6 môn do em học không kém lại mắc bệnh hen suyễn nhưng từ đó dẫn đến mâu thuẫn cô – trò. Nữ giáo viên chủ nhiệm nhiều lần nói "bóng gió" thậm chí nạt nộ, lớn tiếng, gắt gỏng với em Y, chuyển chỗ ngồi của các học sinh khác để Y. ngồi một mình, khi nữ sinh ghi âm lại lời cô giáo lập tức bị quy vào lỗi dùng điện thoại trong giờ học...

Chưa xét đến lời của Y. vì đó chỉ là ý kiến từ phía nữ sinh thì hành vi lên mạng xã hội trách móc, bóng gió nói học sinh tìm cái chết để vu oan sau khi nữ sinh được cho là tự tử và đang cấp cứu trong viện của nữ giáo viên chủ nhiệm cũng rất đáng để lên án.

"Có một loài chim đã tìm cái chết rất vinh… để vu oan… trong một môi trường rất cao quý, chim chọn một nơi rất thanh sạch à nghen… Xin hãy trả lại sự thanh sạch cho cái chết của con chim hay sự thanh tao trong ca dao của con cò. Mong các bạn giải bài toán đố này nhé!” - nữ giáo viên chủ nhiệm viết trên mạng xã hội trong khi đó tên học sinh tìm đến cái chết cũng là tên một loài chim. Đồng thời có những bình luận ác ý hướng đến sự việc nữ sinh của mình tự tử.

Dù đã tìm hiểu tất cả các lý do để lý giải cho việc nữ giáo viên lên mạng đôi co, hơn thua, thậm chí mỉa mai cái chết cận kề của học sinh như áp lực công việc, chỉ tiêu cuối năm, thu nhập... nhưng không lý do nào thuyết phục hơn là sự xuống cấp đạo đức trầm trọng của nữ giáo viên này.

Bởi nữ sinh cũng là học sinh của cô giáo, dù nữ sinh mắc lỗi thế nào khi em hành động dại dột, tìm đến cái kết, lẽ ra cô giáo phải quan tâm, động viên, an ủi, trấn an tâm lý học trò mình, đằng này nữ giáo viên lại hành xử một cách "vô đạo đức" như vậy. Không ai hiểu khi giảng dạy trên lớp, cô giáo sẽ dạy học trò thế nào về đạo đức, về lối sống, cách ứng xử đẹp đẽ ở cuộc đời?

Sự tệ bạc không chỉ đến từ nữ giáo viên mà còn đến từ Ban Giám hiệu của nhà trường trong đó có Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hùm và hiệu phó Nguyễn Ngọc Hạnh. Từ việc tổ chức dạy thêm học thêm trong trường không đúng quy định đến việc bắt lỗi, phê bình kỷ luật học sinh không đúng với quy định của ngành khi nêu họ tên học sinh vi phạm dưới cờ trong khi tại Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT là loại bỏ hình thức kỷ luật này do không còn phù hợp, cho thấy ban giám hiệu nhà trường không chỉ vi phạm quy định ngành mà còn vi phạm đạo đức nhà giáo.

Dù nguyên nhân có thể muốn học sinh tiến bộ, cũng có thể từ bệnh thành tích trầm kha của ngành hay bất cứ nguyên nhân gì khác, việc kỷ luật học sinh phản giáo dục, mang tính sỉ nhục của nhà trường là không thể chấp nhận được.

Chính những hành xử thiếu đạo đức và vi phạm quy định ngành của lãnh đạo, giáo viên chủ nhiệm Trường THPT Vĩnh Xương đã ảnh hưởng đến tâm lý học sinh và là nguyên nhân dẫn đến sự việc nữ sinh uống thuốc định tự tử và ngất xỉu trong nhà vệ sinh.

Dù không ai đồng tình với hành động dại dột của nữ sinh khi tìm đến cái chết nhưng đọc lá thư tuyệt mệnh của em ai cũng cảm thấy xót xa cho chính nữ sinh khi phải học dưới mái trường có những người thầy cô như vậy, ai cũng đau đớn cho ngành giáo dục khi tồn tại những giáo viên xuống cấp đạo đức, thản nhiên vi phạm quy định của ngành như thế. 

"Em mong các giáo viên trên xin dừng chèn ép làm vậy sau cái chết của em. Mong nhà trường này tự suy xét lại và đối xử tốt hơn với các bạn sau này!".

"Xin cô Hiệu phó đừng lấy uy quyền ra trấn áp học sinh, xin cô chủ nhiệm đừng bạo lực các bạn sau này và các em sau thời em".

"Sau cái chết của em xin nhà trường đừng bao giờ tin vào những việc chưa rõ ràng và bạo lực tinh thần với các bạn khác".

"Em từng rất hâm mộ các thầy cô khi còn nhỏ nhưng giờ đây mọi thứ sụp đổ khi giáo viên thì bạo lực tinh thần em. Cô Hiệu phó đọc tên em dưới toàn trường vào thứ 2 tuần rồi".

"Thầy Hiệu trưởng chấp nhận ký vào đơn kỷ luật em. Nay em xin lấy sinh mạng bản thân để chứng minh lời em nói là thật".

Rất may, Bộ GD&ĐT đã kịp thời chỉ đạo, Sở GD&ĐT tỉnh An Giang đã nhanh chóng vào cuộc xác minh, đưa ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Hiệu trưởng và một hiệu phó của nhà trường và sẽ sớm đưa ra hình thức kỷ luật xứng đáng với các lỗi vi phạm đã được chỉ ra.

Vụ việc nữ sinh tự tử dù đau xót nhưng cũng là cơ hội để ngành giáo dục loại bỏ "những con sâu", chấn chỉnh đạo đức nhà giáo lấy lại niềm tin của phụ huynh, học sinh, xã hội về nghề giáo cao quý. Bất cứ nghề nào khi vi phạm đạo đức đều đáng bị xử lý, nghề giáo thì cần phải xử thật nghiêm minh. Bởi một nhà giáo vi phạm đạo đức mà đứng trên bục giảng hay làm công tác lãnh đạo sẽ làm ảnh hưởng đến cả một thế hệ học sinh. Phẩm chất đạo đức của nhà giáo không chỉ góp phần quyết định chất lượng học tập mà còn tác động lâu dài đến giáo dục toàn diện với các học sinh. Loại khỏi ngành dù là biện pháp đau xót nhưng khi cần thiết vẫn cần phải áp dụng.

Nguồn Báo Kiến Thức Online

0 comments:

Đăng nhận xét