26 thg 10, 2020

Khối ngoại bán ròng hơn 27 triệu cổ phiếu CTG trong tháng 10, Vietinbank hở room

Giới phân tích dấy lên nghi vấn cho rằng bên bán CTG những ngày qua là nhóm các tổ chức liên quan đến IFC.


Đã rất lâu rồi giới đầu tư chứng khoán mới cảm nhận được sóng cổ phiếu rõ ràng như nửa cuối năm 2020. Nếu như năm 2019 là câu chuyện bán vốn của BID và Vietcombank, thì năm 2020 là câu chuyện trả cổ tức của Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank).   

Năm 2017, Vietinbank tăng giá mạnh mẽ từ 15.000 đồng/cp lên 37.000 đồng/cp nhưng sau đó mất hơn 2 năm đi ngang vùng giá 20.000 đồng/cp chỉ vì chưa giải quyết được phương án tăng vốn để đảm bảo hệ số an toàn vốn theo chuẩn Basel II. Năm 2020, cổ phiếu CTG tăng 56% lên 31.800 đồng/cp, còn nếu so với đáy tháng 3/2020 vì Covid-19, CTG đã tăng gần gấp đôi. 

Giá cổ phiếu CTG lên mạnh là một trong các lý do khiến khối ngoại bán ròng liên tục tại mã này. Thống kê chỉ trong tháng 10, khối ngoại bán ròng 15/17 phiên tại mã CTG, mỗi ngày trung bình bán ròng hơn 1 triệu cổ phiếu. Tính chung trong 17 phiên tháng 10, khối ngoại bán ròng 27,33 triệu cổ phiếu CTG, tương đương 816,8 tỷ đồng. Điều này đã khiến CTG hở room sau rất nhiều năm liên tục bị đầy room ở mức 30%.

Khối ngoại bán ròng 27 triệu cổ phiếu CTG trong tháng 10.

Giới phân tích dấy lên nghi vấn cho rằng bên bán CTG những ngày qua là nhóm các tổ chức liên quan đến IFC. IFC lần đầu tiên rót vốn vào Vietinbank năm 2011 thông qua thương vụ phát hành riêng lẻ với mức giá 22.000 đồng/cp, sau đó tham gia các đợt phát hành mới để tăng tỷ lệ sở hữu lên 8,02%. Đầu năm 2020, IFC đã chính thức không còn là cổ đông lớn của Vietinbank khi bán ra gần 19 triệu cổ phiếu, và Quỹ Đầu tư Cấp vốn IFC (IFC Capitalization Equity Fund) bán ra hơn 55,7 triệu cổ phiếu CTG, giảm tỷ lệ nắm giữ của cả nhóm IFC xuống dưới 5%. Sau giao dịch, nhóm IFC còn nắm giữ 185,8 triệu cổ phiếu CTG. Như vậy, sang năm 2020, các giao dịch của IFC tại Vietinbank sẽ không cần phải báo cáo. 

Trong khi đó, Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ, cổ đông ngoại lớn nhất của Vietinbank ở thời điểm hiện tại (nắm giữ 19,73%) đều có thành viên trong HĐQT nên nếu giao dịch đều phải báo cáo. 

Cổ đông lớn của CTG.

Ở một góc khác, trong khi khối ngoại bán mạnh CTG, nhóm nhà đầu tư trong nước mua vào liên tục. Khối lượng khớp lệnh 10 phiên của CTG bình quân đạt hơn 10,3 triệu đơn vị/phiên, trong đó thống kê số liệu cho thấy tự doanh CTCK mua ròng 3,13 triệu cổ phiếu CTG trong tháng 10, tương đương giá trị mua ròng gần 94 tỷ đồng.

Một trong các yếu tố hỗ trợ CTG hiện tại là Vietibank đã thông qua chủ trương chia cổ tức năm 2017,2018, 2019 với tỷ lệ gần 35% bằng cổ phiếu. Chủ trương này được đưa ra ngay sau khi Nghị định 121/2020/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành. 

Theo quyết định này, Nhóm ngân hàng được thêm vào danh sách các lĩnh vực cho phép đầu tư bổ sung vốn Nhà nước, áp dụng với các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Như vậy, VietinBank đã có cơ sở pháp lý để thực hiện các thủ tục tăng vốn điều lệ thông qua phương thức chia cổ tức bằng cổ phiếu (gộp cổ tức 3 năm). Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 5/11/2020. Ngày gửi phiếu lấy ý kiến cho cổ đông dự kiến 13/11/2020, tiếp nhận ý kiến đến hết ngày 23/11/2020.

Trước đó, kết quả kinh doanh quý 2 được công bố ở thời điểm tháng 7 cũng hỗ trợ giá cổ phiếu, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm của ngân hàng đạt 7.460 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ.

Áp lực bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài sẽ là ngưỡng cản đáng kể của CTG ở vùng giá 31.000 – 32.000 đồng/cp. Cổ phiếu CTG có thể quay lại thời kỳ hoàng kim năm 2017 hay không, điều này phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của CTG trong nửa cuối năm 2020 dự kiến công bố trong tuần này và các tin tức về cổ tức hỗ trợ cuối năm. 

Theo Trí thức trẻ

0 comments:

Đăng nhận xét