3 thg 8, 2020

Đưa vương quốc gạch ngói thành di sản đương đại

“Di sản đương đại Mang Thít” là đề án mang ý tưởng độc đáo, nếu được thực hiện tốt nó sẽ giúp địa phương đạt được nhiều mục tiêu, đồng thời Vĩnh Long sẽ có thêm một di sản đương đại trở thành điểm đến đặc biệt của khu vực. Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết để đề án có tính khả thi cao.
Những lò gạch ven các tuyến kinh ở Mang Thít sẽ là những điểm đến hấp dẫn du khách nếu được đầu tư đúng hướng.

Ý tưởng táo bạo, độc đáo
Sau thời gian khảo sát, lần đầu tiên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với địa phương chính thức giới thiệu với người dân trong khu vực đề án, vừa làm công tác tuyên truyền, cũng vừa nắm bắt những tâm tư, ý kiến phản hồi của địa phương- đặc biệt những người dân trực tiếp thụ hưởng đề án.

Nhằm mục đích tuyên truyền khái niệm “di sản đương đại” và nhận thức về việc bảo tồn giá trị di sản kiến trúc đậm nét giao thoa văn hóa, thể hiện tầm nhìn của chính quyền với quyền lợi lâu dài của người dân và khẳng định trách nhiệm của chính quyền thông qua chính sách hỗ trợ cho bà con địa phương với các nội dung chia sẻ: giới thiệu về đề án “Di sản đương đại Mang Thít”- nơi trưng bày những kho báu lộ thiên.

Nhận định về tiềm năng phát triển du lịch theo hướng Nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân cùng phối hợp. Giới thiệu dự thảo chính sách hỗ trợ bảo tồn và tham vấn, phản hồi lại thắc mắc của người dân.

Ông Phan Văn Giàu- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch- mở đầu với chia sẻ về Mang Thít- một kho báu chưa được đánh giá đầy đủ với gần 1.500 lò gạch trải rộng trên diện tích gần 3.000ha thuộc địa phận huyện Mang Thít, dọc các bờ kinh chính như Thầy Cai, Hòa Mỹ tạo thành một vòng cung bờ phía Nam khép lại tới kinh Nhơn Phú, Hòa Tịnh.

Đây là một kho báu lộ thiên giàu giá trị cần được bảo tồn bởi lịch sử của nó được kiến tạo qua hơn 100 năm từ sự giao thoa văn hóa- kỹ nghệ đặc sắc giữa người Khmer, người Kinh và người Hoa để hun đúc tạo ra khối di sản kiến trúc cùng nghề truyền thống hết sức độc đáo.

Tuy nhiên, do tác động không tích cực tới môi trường cũng như gặp nhiều thách thức trong thị trường hiện tại, các lò gạch sẽ được chuyển đổi công năng thông qua các hình thức sáng tạo cảnh quan thiên nhiên và phát huy các lợi thế khác và đề án đưa vương quốc gạch ngói Mang Thít trở thành di sản đương đại là một ý tưởng táo bạo, độc đáo, đa mục tiêu giải quyết được nhiều vấn đề, mang lại nhiều lợi ích thiết thực và lâu dài cho địa phương, đặc biệt đối với người dân trong khu vực đề án.

TS. Ngô Anh Đào- Trưởng nhóm tư vấn đề án- giới thiệu tổng quan tầm vóc dự án, giá trị của di sản so với khu vực và có tham chiếu khu bảo tồn lò gạch độc đáo của Trung Quốc được Chính phủ Anh hỗ trợ, đã trở thành một di sản và điểm đến độc đáo nổi tiếng trên thế giới.

Tầm nhìn và những khó khăn
Ông Phan Văn Giàu cho rằng: “Đây là chiến lược có thể biến khối tài sản có giá trị 500 tỷ đồng để mang lại ước tính 1.500 tỷ đồng/năm cho ngành du lịch huyện Mang Thít. Đề án sẽ được quy hoạch dựa trên mô hình “tái định cư tại chỗ” để đảm bảo quyền lợi cũng như sinh kế bền vững cho từng người dân.”

Để làm được điều này, đại diện sở khẳng định cần có sự chung tay của nhân dân và các nhà đầu tư để hoàn thiện đề án, từ đó, xây dựng một đời sống kinh tế mới cho người dân địa phương.

Những chủ lò gạch, người dân trong khu vực dự án gồm các xã: Mỹ An, Mỹ Phước, Hòa Tịnh, Nhơn Phú (Mang Thít) rất quan tâm đến đề án, do đó cũng đặt ra nhiều vấn đề, những ý kiến góp ý.

Ông Huỳnh Hữu Đức là người gắn bó, am hiểu sâu sắc làng nghề, từng tư vấn, đóng góp ý kiến cho địa phương và các nhóm chuyên gia ở bộ, ngành Trung ương về giải quyết những khó khăn của làng nghề. Trước hết, ông hoan nghênh và bày tỏ ý kiến ủng hộ tuyệt đối với đề án.

Đồng thời, kêu gọi người dân nhiệt tình ủng hộ để cùng nhau giải quyết những vấn đề khó khăn trong quá trình đề án được triển khai. Từ làng nghề truyền thống chuyển đổi thành một di sản đương đại, gắn với con đường du lịch, một điểm đến độc đáo, thì người dân nên nhiệt tình tham gia.

Vấn đề là không gian của đề án quá rộng lớn, khả năng giữ lại gần như toàn bộ diện tích 3.000ha với gần 1.500 lò gạch đòi hỏi nguồn kinh phí quá lớn. Cần quan tâm cách làm ở Trung Quốc, vì họ chỉ cần 45 lò gạch, để xây dựng một di sản, sản phẩm du lịch độc đáo, hoàn chỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn du khách quốc tế.

Nhiều đời trong gia tộc làm nghề lò gạch, anh Nguyễn Văn Phúc (xã Mỹ An), chia sẻ: Đa số những chủ lò gạch truyền thống đang vướng nợ ngân hàng, trong chủ trương ngưng hoạt động, thì đương nhiên họ phải có phương án sớm chuyển đổi mục đích kinh doanh, chuyển đổi sinh kế gia đình. Do đó, cái quan tâm lớn nhất là cách mà đề án hỗ trợ người dân như thế nào, mức hỗ trợ bao nhiêu…

Còn rất nhiều ý kiến và những đóng góp cho đề án, cũng như những vấn đề nội tại mà nhóm xây dựng đề án cần có những hướng giải quyết sát với tình hình thực tế và tập quán của người dân địa phương.

Trong đó, có những đóng góp về tầm vóc, quy mô và những định hướng cụ thể để sau khi được công nhận là di sản thì vấn đề khai thác trong du lịch sẽ như thế nào, xác định khu vực trung tâm, vùng đệm vành đai ra sao? Chúng tôi sẽ tiếp tục có những ghi nhận rộng rãi hơn những ý kiến từ mọi người, những nhận định khoa học, sâu sắc hơn, nhằm góp ý cho đề án sớm được hoàn thiện và triển khai một cách hiệu quả.

Nguồn Báo Vĩnh Long

0 comments:

Đăng nhận xét