16 thg 7, 2020

Thế giới Di động dừng đầu tư phiêu lưu

Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động vừa đóng cửa loạt cửa hàng Điện thoại siêu rẻ trong bối cảnh bức tranh kinh doanh hé lộ các tín hiệu về áp lực tài chính.

Mô hình thử nghiệm
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đặng Thanh Phong, Giám đốc truyền thông của Thế giới Di động (mã MWG, sàn HoSE) cho biết, Công ty đã chính thức đóng cửa 17 cửa hàng Điện thoại siêu rẻ. Động thái này là bước đầu cho việc chuyển đổi sang mô hình thử nghiệm mới, nhưng ông Phong không tiết lộ cụ thể mô hình thử nghiệm là gì.

Chuỗi Điện thoại siêu rẻ là một trong những mô hình thử nghiệm của Thế giới Di động. Công ty mở cửa hàng Điện thoại siêu rẻ đầu tiên vào tháng 8/2019. Đặc điểm của các cửa hàng này là diện tích rất nhỏ (20-25 m2), không lắp đặt máy lạnh, chỉ có một nhân viên bán hàng và kinh doanh điện thoại chính hãng giá dưới 8 triệu đồng.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên Thế giới Di động bỏ đi một mô hình kinh doanh sau một thời gian chạy thử. Cuối năm 2018, doanh nghiệp bán lẻ này đã đóng cửa chuỗi thương mại điện tử Vuivui.com.

Việc đóng cửa các chuỗi kinh doanh sau một thời gian thử nghiệm cho thấy, quan điểm kinh doanh của đại gia ngành bán lẻ này khá thực tế, mô hình nào không hiệu quả sẽ “khai tử” không thương tiếc. Tuy nhiên, việc không thể tiếp tục “nuôi” cho Điện thoại siêu rẻ lớn mạnh cũng phần nào đặt ra những câu hỏi về khả năng tài chính của đại gia ngành bán lẻ.


Trong bối cảnh sức bán hàng sụt giảm trong mùa dịch hồi tháng 3 - 4/2020, sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp bán lẻ, trong đó có Thế giới Di động, có thể cũng bị ảnh hưởng phần nào. Theo đó, doanh nghiệp phải lựa chọn các giải pháp tập trung sức mạnh cho các hệ thống chủ lực và có thu nhập trước mắt, thay vì đeo đuổi các hoạt động đầu tư phiêu lưu, nhưng chưa nhìn thấy hiệu quả rõ ràng kiểu như mô hình của Điện thoại siêu rẻ.

Bức tranh tài chính
Kết quả kinh doanh tháng 5/2020 cho thấy, các con số kinh doanh của Thế giới Di động đã có phần phục hồi sau mùa dịch. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2020, Công ty ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 47.492 tỷ đồng, tăng 11% và lợi nhuận sau thuế đạt 1.723 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2019.

Trước đó, ngoại trừ tháng 4 là “điểm trũng” về kinh doanh do các cửa hàng bị đóng cửa một thời gian do dãn cách xã hội, Thế giới Di động vẫn chưa bị tụt hơi trong suốt quý I/2020. Doanh thu thuần của quý I/2020 là 29.353 tỷ đồng, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 1.132 tỷ đồng, tăng 8,7% so với quý I/2020.

Tuy doanh thu và lợi nhuận tăng, nhưng các tín hiệu về áp lực tài chính cũng hé lộ. Chẳng hạn, chi phí tài chính trong quý I/2020 đã tăng 33,8%, với mức chi cho khoản này là hơn 178 tỷ đồng. Đặc biệt, chi phí bán hàng tăng tới 53,4%, với mức chi lên tới 3.782,8 tỷ đồng.

Chi phí bán hàng gồm các chi phí thực tế phát sinh trong quá trình bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ như các khoản chi phí bảo quản, đóng gói, vận chuyển, lương nhân viên... Với các chuỗi kinh doanh đã đi vào vận hành ổn định như Thegiodidong, Điện máy Xanh, Bách hóa Xanh…, chi phí bán hàng thường chiếm tỷ lệ nhỏ nhờ lợi thế quy mô và mật độ cửa hàng dày đặc. Chuỗi kinh doanh mở sau như Điện thoại siêu rẻ có số lượng cửa hàng còn quá ít và lưu lượng hàng bán thấp, thì chi phí bán hàng luôn “ngốn” tỷ trọng lớn về nguồn lực tài chính.

Trong khi đó, Thế giới Di động đang ở giai đoạn phải chi nhiều cho các hoạt động đầu tư. Trong quý I/2020, số tiền đầu tư mua sắm tài sản cố định khoảng 668 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với tổng chi cho hạng mục này trong giai đoạn cùng kỳ năm 2019.

Trong bối cảnh nhu cầu chi tiêu gia tăng như trên và những rủi ro có thể xảy ra do dịch bệnh vẫn còn khó dự đoán, việc Thế giới Di động phải tính đến rút bớt các khoản đầu tư không đem lại hiệu quả kinh tế cao cũng là một hành động không có gì khó hiểu.

Nguồn Báo Đầu Tư

Tin liên quan: 

0 comments:

Đăng nhận xét