24 thg 2, 2020

Áp lực từ 12.500 tỷ đồng nợ phải trả trong 3 tháng của Chủ tịch TGDĐ Nguyễn Đức Tài

Tính tới cuối năm 2019, Thế giới Di động đã vay hàng loạt ngân hàng hơn 13.000 tỷ đồng, hầu hết phải trả nợ trong quý I/2020. Đáng chú ý, doanh nghiệp này đang chịu áp lực lớn từ dòng tiền kinh doanh và đầu tư âm.
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế giới di động

Từ con trai người bán hàng rong đến ông chủ Thế giới Di động
Nói đến Thế giới Di động là nhắc đến nhà đồng sáng lập ra công ty này - đại gia Nguyễn Đức Tài và ngược lại. Ông Tài hiện đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế giới di động (HoSE: MWG).

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó ở TP HCM, Chủ tịch Thế giới di động Nguyễn Đức Tài từng kể câu chuyện mẹ ông vẫn thường bán xôi và bánh tráng cuốn dạo để nuôi gia đình. Những năm tháng khó khăn đã khiến ông nung nấu mục tiêu: Có được cuộc sống tốt hơn so với bố mẹ mình.

Năm 1995, chàng thanh niên hơn hơn 20 tuổi khi ấy đã trở thành giám đốc tài chính cho 1 tập đoàn của Thụy Sĩ tại Việt Nam. Nhưng với quan điểm "chẳng lẽ làm công ăn lương suốt cả đời" và "không muốn mọi thứ yên ổn như thế" nên ông Tài từ lâu đã ấp ủ mơ ước lập công ty riêng.

Nhìn ra cơ hội trong ngành hàng di động, năm 2003, ông Tài khởi nghiệp bằng 3 cửa hàng điện thoại cầm tay nhưng thất bại, vì địa điểm xấu và không thể chiếm được lòng tin từ khách hàng.

"Chúng tôi mất 1 năm để tìm kiếm ra mô hình kinh doanh chuỗi bán lẻ, nên thực hiện trong tâm thế tìm ra cái tạo nên giá trị cho một cộng đồng mà mình không ghét, tránh việc chỉ bám theo cái mình cho là đam mêm, hoặc thấy nó oai", ông Tài nói.

Suốt 6 tháng đầu năm 2004, ông Tài bắt tay vào tìm cộng sự và chuẩn bị những thứ cần thiết cho việc thử sức lại lần thứ hai. Lúc này, mục tiêu của vị doanh nhân này là chọn được những người tử tế có năng lực trung bình, tin và sẵn sàng đi theo leader thay vì săn người "có số má" nhưng thiếu tử tế.

Khi đó, ông Tài sáng lập Thế giới di động cùng 4 người bạn. Lần này, cửa hàng được mở tại các phố lớn và bán các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng.

6 tháng còn lại của năm 2004 được xem là giai đoạn sống còn của công ty, với mục tiêu duy nhất là tạo ra được ít nhất 1 đồng lợi nhuận. Đây cũng là thời kỳ R&D, doanh nghiệp liên tục thử sai và làm lại, tập trung vào lợi nhuận tức thì. Đây cũng là giai đoạn dễ bị thu hút bởi những thứ thời thượng, không mang lại kết quả ngay.

"Đó là 6 tháng rất mệt mỏi, bởi tiền ra đến đâu thì mất đến đó. Bỏ 1 tỷ đầu tiên ra, đốt sạch trong 1 tháng, 2 tháng; bỏ thêm 1 tỷ nữa ra thì cũng chuẩn bị đốt sạch luôn", ông chia sẻ.

Từ tháng 12/2004 đến tháng 6/2007, Thế giới Di động tập trung tăng doanh thu và lợi nhuận, tránh chiếc bẫy về lợi nhuận ngắn hạn mà đi lệch khỏi tầm nhìn. Khoảng 3 năm này, MWG phát triển rất nhanh, một phần vì quy mô còn nhỏ. Sau đó, vào giai đoạn chuyển mình từ doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp lớn, Thế giới Di động tập trung xây dựng hệ thống quản trị, đội ngũ, với những vũ khí sắc bén và chiến binh máu lửa. 

Đáng chú ý, trong khoảng thời gian giữa năm 2016, cổ phiếu MWG của Thế giới Di động được xem là hiện tượng trên sàn chứng khoán Việt Nam khi vẫn duy trì được xu hướng đi lên bất chấp thị trường rung lắc thất thường.

Nhờ đó, trung tuần tháng 6/2016, Chủ tịch MWG ghi danh trở thành người giàu thứ 4 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, đứng sau ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát và bà Phạm Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup.

Ông từng ví doanh nghiệp của mình như một con báo gấm với những cú nước rút kinh điển. Thực tế ông đã chứng minh được điều này, với tốc độ mở chuỗi và địa bàn ấn tượng chỉ trong một thời gian ngắn. Doanh thu, lợi nhuận cũng bắt kịp được tốc độ mở chuỗi khi đều đặn tăng trưởng.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Thế giới di đông đang đối mặt với khá nhiều khó khăn, trong đó có sự suy giảm tăng trưởng tiêu thụ điện thoại di động. Doanh nghiệp này thậm chí phải đẩy mạnh bán nồi niêu xoong chảo, đẩy hàng hóa ra bên ngoài cửa hàng để dễ bán. Thế Giới Di Động cũng khai thác thêm mảng bán đồng hồ để bổ sung thêm vào doanh thu.

Áp lực từ 12.500 tỷ tiền vay nợ phải tất toán trước tháng 4/2020
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019 (chưa được kiểm toán), tổng doanh thu của Thế giới Di động trong năm 2019 đạt 103.485 tỷ đồng, tăng 18% so mức 87.738 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của MWG ghi nhận 19.488 tỷ đồng, tăng 27% so năm trước, tương ứng tỷ suất lãi gộp biên cũng tăng khá từ mức 17,6% lên 19%.

Như vậy, sau khi trừ một loạt chi phí khác, MWG ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2019 đạt 3.836 tỷ đồng, tăng 33% so năm 2018.

Trong khi đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của MWG năm 2019 âm nặng 1.285 tỷ đồng, chủ yếu do ảnh hưởng của khoản mục hàng tồn kho khi tăng tới 47% lên mức 26.196 tỷ đồng vào cuối năm 2019. Hàng tồn kho lớn cũng khiến MWG phải trích lập dự phòng giảm giá tới 405 tỷ đồng trong năm 2019.

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư của MWG cũng liên tục âm từ năm 2016 đến nay, nhất là năm 2019 đột biến hơn gấp đôi lên 5.818 tỷ đồng do tăng chi tiền cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác ngoài việc mua sắm và xây dựng tài sản cố định như hàng năm.


Chi tiết 16 khoản vay nợ ngắn hạn của Thế giới Di động tại thời điểm 31/12/2019

Ngoài ra, trong cơ cấu nguồn vốn 41.708 tỷ đồng của MWG, nợ phải trả chiếm tới gần 71%, tương ứng 29.564 tỷ đồng chủ yếu là nợ ngắn hạn.

Trong đó, vay nợ tài chính ngắn hạn của MWG tăng vọt gấp 2,2 lần đầu kỳ, lên tới 13.031 tỷ đồng tại thời điểm ngày 31/12/2019 (cùng kỳ năm ngoái là chỉ là 5.700 tỷ đồng). Còn vay nợ tài chính dài hạn vẫn duy trì ở mức chỉ 1.122 tỷ đồng, chủ yếu là vay bằng trái phiếu trong nước. 

Với tình hình vay nợ lớn khiến MWG phải chi ra hơn 568 tỷ đồng chi phí lãi vay trong năm 2019, tăng hơn 30% so với năm 2018, tương ứng mỗi ngày phải chi 1,5 tỷ đồng để trả lãi vay.

Về các khoản vay ngắn hạn của MWG có kỳ hạn trả gốc và lãi khoản dài nhất là đến tháng 7/2022 với 464 tỷ đồng vay tín chấp từ Ngân hàng BNP Paribas chi nhánh Singapore, kỳ hạn gốc là 1 năm kể từ ngày giải ngân và sẽ tự động tái tục đến tháng 7/2022.

Trừ khoản vay gần 82 tỷ đồng tại UOB Việt Nam có thời hạn tất toán vào tháng 6/2020, điều đáng lo ngại là 14 khoản vay với tổng dư nợ gần 12.500 tỷ đồng sẽ phải tất toán trước ngày 31/3/2020. 

Trong đó, 5 khoản vay có dư nợ lớn nhất của MWG là tại Ngân hàng TNHH MTV HSBC (Việt Nam) với 1.952 tỷ đồng; Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation chi nhánh Hà Nội là 1.844 tỷ; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, CTG) cho vay 1.698 tỷ đồng; Ngân hàng TNHH MTV ANZ (Việt Nam) chi nhánh TP HCM với 1.432 tỷ đồng; Ngân hàng TNHH Mizuho Bank chi nhánh Hà Nội 1.268 tỷ đồng...

Điều này có tác động lớn đến dòng tiền của MWG trong 3 tháng đầu năm 2020, đặc biệt trong bối cảnh lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư năm qua của doanh nghiệp âm nghìn tỷ như đã phân tích ở trên.

Nguồn antt.vn

0 comments:

Đăng nhận xét