16 thg 5, 2020

Dự kiến Agribank sẽ được tăng vốn bằng ngân sách tối đa 3.500 tỷ đồng

Theo Nghị quyết Chính phủ thường kỳ tháng 4/2020, Chính phủ đã thống nhất việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2019; mức bổ sung vốn điều lệ tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp ngân sách nhà nước năm 2020 của Agribank, tối đa không quá 3.500 tỷ đồng.

Tại Nghị quyết số 70/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2020 ban hành ngày 14/5/2020 có đề cập đến phương án bố trí nguồn ngân sách nhà nước tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

Cụ thể, Chính phủ đã thống nhất việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2019; mức bổ sung vốn điều lệ tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp ngân sách nhà nước năm 2020 của Agribank, tối đa không quá 3.500 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ, hoàn thiện Tờ trình của Chính phủ về việc tăng vốn điều lệ cho Agribank bằng nguồn ngân sách nhà nước theo đúng ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại văn bản số 11047-CV/VPTW ngày 25 tháng 11 năm 2019 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 3529/VPCP-KTTH ngày 30 tháng 11 năm 2019; trong đó đề xuất Quốc hội cho phép bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 để bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2019 tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp ngân sách nhà nước năm 2020 của Agribank, tối đa không quá 3.500 tỷ đồng; gửi đầy đủ hồ sơ, tài liệu đến Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội theo quy định và chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung và số liệu báo cáo.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký báo cáo, trình bày và giải trình trước Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội theo quy định.

Trước đó, theo Nghị quyết số 25/2016/QH14, Nghị quyết số 26/2016/QH14 và Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13, trong trung hạn từ 2016-2020 sẽ không bố trí ngân sách nhà nước để tăng vốn tại các ngân hàng thương mại nhà nước. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại nhà nước trong những năm gần đây trong bối cảnh không tăng được vốn điều lệ đã khiến tỷ lệ an toàn vốn ngày càng xuống thấp. Điều này đã làm hạn chế khả năng mở rộng tín dụng của 4 ngân hàng - vốn được xem là chủ lực của hệ thống trong nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế. 

Nguồn ICTVietNam

0 comments:

Đăng nhận xét