14 thg 3, 2020

Ghen tỵ với cuộc sống của người khác chỉ khiến bạn đáng thương hơn: Thay vì dành cả đời mong ai đó bất hạnh, hãy tự tìm niềm vui cho chính mình!

Người ganh tỵ đố kỵ giống như một người sai đường lạc lối, họ không bao giờ nhìn thế giới như nó vốn vậy, thay vào đó, họ bóp méo nó đi.

1. Nếu cứ so sánh với người khác, chẳng bao giờ chúng ta thỏa mãn chính mình
Một lần, Socrates, vị triết gia người Hy Lạp là cha đẻ của nền triết học phương Tây, đã phái các đệ tử của mình đi hái táo trong vườn. Ông muốn họ tìm ra được quả táo to và ngon nhất, ai tìm được thì hãy tới gặp ông.

Tuy nhiên, Socrates chờ cả buổi trời cũng chưa thấy đệ tử nào trở về. Ông bèn tới gọi tất cả lại và hỏi nguyên do. Hóa ra, không một ai hài lòng với quả táo mình đã hái cả. Sau khi chọn được một quả, họ sẽ lại nhìn thấy người khác lấy được một quả khác trông to hơn, ngon hơn. Thế là họ lại tiếp tục đi tìm, không biết ở nơi khác có quả nào to và ngon hơn nữa hay không.

Có thể thấy rằng, dù một người hái được quả táo to đến mấy, anh ta vẫn sẽ không hài lòng khi so sánh với thành quả của những người xung quanh. Dù có đắn đo và đưa ra nhiều sự lựa chọn khác nhau, cuối cùng, họ vẫn cảm thấy hối hận vì điều mình đã chọn.

Cho nên, đến cuối cùng, cũng chẳng có ai đạt thành quả ưng ý cả.

2. Ghen tỵ với người khác không khiến chúng ta sung sướng hơn
Trên núi có một ngôi chùa nhỏ, ở đó, có một vị hòa thượng già sống cùng hai đệ tử. Mỗi sáng, vị hòa thượng già lại chia đồ ăn cho hai đệ tử. Ông đưa cho đệ tử lớn 6 chiếc bánh bao, trong khi chỉ đưa cho đệ tử nhỏ 4 chiếc.

Đệ tử nhỏ phát hiện ra sự khác biệt này, chú cực kỳ không vui, thầm trách sự phụ đối xử quá bất công. Tại sao cùng là đệ tử mà sư huynh lại được thầy cho những 6 chiếc, trong khi chú ta lại được ít hơn hẳn?

Ngẫm nghĩ một hồi, tiểu hòa thượng không chịu bỏ qua, quyết định đi tìm sư phụ để hỏi cho rõ ràng, đòi quyền lợi vốn thuộc về mình.

Không ngờ, vị hòa thượng già hỏi ngược lại chú: “Con có thể ăn được 6 chiếc bánh bao không?”.

Chú tiểu trả lời rất to: "Con đương nhiên có thể ăn được, con muốn hết cả 6 cái luôn".


Vị hòa thượng già nghe vậy thì im lặng nhìn đệ tử một lát, rồi ông lấy hai chiếc bánh của mình đưa cho tiểu hòa thượng. Chú ta không nghĩ ngợi nhiều, nhanh chóng ăn hết sạch 6 chiếc bánh bao vào bụng, sau đó hớn hở khoe với thầy rằng: "Thầy xem nè, con ăn hết sạch rồi. Con có thể ăn 6 chiếc nên sau này, con muốn được chia 6 chiếc như sư huynh mỗi sáng cơ".

Vị hòa thượng cười: "Bây giờ con đã ăn hết 6 chiếc bánh bao nhưng sáng mai con có muốn được chia 6 cái nữa hay không, đợi lát nữa rồi nói sau."

Thật đúng như vậy, chỉ một lúc sau, tiểu hòa thượng đã thấy khát khô cả cổ nên vội vàng chạy đi uống rất nhiều nước. Sau đó, cậu lại bắt đầu đầy bụng, khó thở, còn có cảm giác đau nhẹ ở bụng. Tiểu hòa thượng bắt đầu cảm nhận thấy sự khó chịu, khác hẳn mọi hôm.

Đến lúc này, sư thầy mới nói: "Con thấy đó, dù hôm nay con có ăn nhiều hơn 2 cái nhưng con không hề cảm thấy điều tốt đẹp nào từ 2 chiếc bánh ta cho thêm mà ngược lại, chúng đã khiến cho con cảm thấy khó chịu hơn, đúng không?”

Vị tiểu hòa thượng lặng lẽ gật đầu, hôm sau, cậu không còn đòi hỏi hay ganh tỵ với sư huynh của mình nữa.

Có thể thấy rằng, có được không hoàn toàn có nghĩa là hưởng thụ, đừng đưa ánh mắt của mình nhìn sang người khác, cũng đừng so sánh với người khác. Cứ thuận theo lẽ tự nhiên, ta sẽ biết nào là đủ và hưởng thụ những lợi ích từ cái đủ đó đem lại.

Cuộc sống của chúng ta cũng tương tự như vậy. Nếu bạn dành cả đời để ghen tị với người khác vì họ làm việc hiệu quả hơn, thăng tiến nhanh hơn hay giải quyết vấn đề tốt hơn mình, bạn sẽ chẳng bao giờ tiến bộ. Một người mà chỉ phí thời gian lo cho thành công của người khác sẽ không nhận ra được tiềm năng của bản thân.

3. Học cách thỏa mãn ở hiện tại

Thông qua 2 câu chuyện trên, chúng ta hiểu ra rằng:

Thứ nhất, mọi người ai cũng mang tâm lý hối hận vì những sự lựa chọn trong quá khứ.

Trên "Nhật báo Ôn Châu", có một cuộc khảo sát dành cho người trưởng thành từ 30-50 tuổi về "sự hối tiếc". Kết quả khảo sát như sau:
72% hối tiếc rằng họ đã không làm việc chăm chỉ từ trước;
67% hối tiếc vì chọn sai nghề khi còn trẻ;
63% hối tiếc vì không dạy dỗ, uốn nắn con cái đúng cách hơn;
58% hối tiếc vì không trân trọng người tốt với mình thực lòng;
55% hối tiếc vì không hiếu thảo với cha mẹ;
32% hối tiếc vì sống quá đơn điệu và thiếu đam mê;
11% hối tiếc vì kiếm quá ít tiền.


Có thể thấy rằng, chúng ta luôn ít nhiều hối tiếc về những lựa chọn trong cuộc sống của mình. Ở thời điểm hiện tại, chúng ta thường nghĩ rằng sự lựa chọn của mình là tốt nhất, nhưng khi thời gian trôi đi, chúng ta sẽ lại lâm vào hối tiếc “Đáng lẽ ra mình phải làm thế này chứ đừng làm thế kia”.

Đây là tâm lý cực kỳ phổ biến.

Thứ hai, sự hối hận này sinh ra từ quá trình so sánh, ganh tỵ với người khác.

Cảm giác ghen tỵ thỉnh thoảng xuất hiện là điều hoàn toàn tự nhiên, thậm chí có thể trở thành động lực để chúng ta phấn đấu. Tuy nhiên, khi nó xuất hiện quá thường xuyên, chúng ta cứ so sánh bản thân với người khác như một thói quen, những cảm xúc tiêu cực sẽ nảy sinh và chi phối tư duy của bạn.

Phải biết rằng, ở ngoài kia, sẽ luôn có ai đó thông minh hơn, tài giỏi hơn hay mạnh mẽ hơn bạn. Thói ganh tỵ sẽ chỉ khiến con người ta phải không ngừng chạy theo ham muốn tham lam, chẳng bao giờ được thỏa mãn và hạnh phúc thực sự.

Thứ ba, thay vì tập trung vào cuộc đời người khác, hãy tập trung vào chính mình.

Chúng ta không nên để cảm xúc hối tiếc tấn công chính mình. Ngược lại, cần thông qua đó để tìm ra gốc rễ của vấn đề, học cách phòng tránh và rút kinh nghiệm cho mai sau. Chỉ cần nỗ lực phát triển bản thân, chúng ta sẽ tự giải phóng mình khỏi tâm lý tiêu cực đó. Khi bạn đạt được sự thỏa mãn thực sự, bạn sẽ chẳng buồn bận tâm đến cuộc đời của kẻ khác làm gì.

Lấy ganh tỵ làm động lực, hối tiếc làm đòn bẩy, bạn có thể chọn thay đổi tương lai thay cho quá khứ. Cho dù mỗi chúng ta đều chỉ là một cá thể bình thường của xã hội, ít nhất, ta vẫn có thể chăm chỉ nỗ lực xây dựng cuộc đời của chính mình, chứ không cần sống trong cuộc đời của người khác.

Nguồn Tri Thức Trẻ

0 comments:

Đăng nhận xét