18 thg 2, 2020

Quảng Ninh: Du khách bức xúc khi lên Yên Tử phải qua “trạm BOT”

Lên chùa Đồng - Yên Tử từ phía Bắc Giang, du khách đều phải chịu chung mức phí 40.000 đồng/người lớn, 20.000 đồng/trẻ em.
Du khách bức xúc với “trạm BOT” trên đường đến chùa Đồng - Yên Tử

Lên chùa Đồng - Yên Tử từ phía Bắc Giang, quãng đường chỉ bằng 1/4 so với đi lối từ phía Quảng Ninh, nhưng du khách đều phải chịu chung mức phí 40.000 đồng/người lớn, 20.000 đồng/trẻ em.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Đại đức Thích Đạo Hiển, Phó Ban trị sự kiêm Chánh Thư ký Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Giáo hội đề xuất, không chỉ là trạm thu phí ở phía đường Bắc Giang mà còn ở phía đường Quảng Ninh, cũng cần xem xét lại áp dụng bán vé danh thắng này. Bởi người đi Yên Tử chủ yếu là đi lễ Phật chứ không phải đi tham quan vãn cảnh. Mà đi lễ Phật thì pháp luật quy định là tự do, các tổ chức, cá nhân không được ngăn cản, thu phí”.

Chỉ vào chùa cũng mất phí
Sáng 15/2, anh Nguyễn Hùng (Bắc Ninh) đưa mẹ cùng vợ và chị gái đi từ Bắc Giang lên chùa Đồng (Yên Tử, Quảng Ninh) để lễ Phật. Nhiều năm trước, mẹ anh thường xuyên đi lễ ở chùa Đồng, nhưng do điều kiện sức khoẻ, lần gần nhất lễ chùa Đồng của bà là cách đây 5 năm.

“Lần này quay lại, tôi ngạc nhiên khi vào chùa phải mất phí, cả gia đình tôi 4 người và 1 lái xe mất tổng cộng 200 nghìn đồng tiền phí vào chùa. Gia đình tôi không tham quan, vãn cảnh gì ở quần thể khu vực Yên Tử, tôi chỉ lên chùa Đồng thắp hương, đây là ngôi chùa của toàn dân, có từ lâu đời, sao lại thu phí?”, anh Hùng bức xúc.

Nhà ở ngay thị trấn An Châu, huyện Sơn Động (Bắc Giang), ông Hà Văn Minh cho hay, từ khi còn nhỏ, ông vẫn qua lại con đường mòn Tây Yên Tử để lên chùa Đồng, không bao giờ mất phí gì. Vậy mà hai năm nay sang chùa Đồng, bỗng nhiên ông phải mua vé. “Những người đi đường phía Bắc Giang lên chùa Đồng, thường chỉ qua chùa Hạ, chùa Thượng thuộc đất Bắc Giang rồi lên đến chùa Đồng là về. Qua chùa Hạ và chùa Thượng thì không mất một đồng phí nào, đặt chân sang đất Quảng Ninh là phải mua vé ngay để vào chùa Đồng. Chùa Đồng đã có từ lâu đời, được nhiều người góp công tu sửa, bỗng thành nơi thu phí thì vô lý”, ông Minh nói.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Đại, đến từ TP Bắc Giang cũng phản đối cách thu phí sát chùa Đồng. “Tôi thấy cần có sự tách bạch, Ban quản lý di tích có thể phân chia sao cho khách nếu lên chùa Đồng thì cùng lắm thu 10.000 đồng hoặc không thu; còn những người đi đường Quảng Ninh vào khu di tích Yên Tử có thể mất phí vì đường đi phía đó rất dài, có qua chùa Hoa Yên hay tượng Phật Hoàng là những địa điểm được xây mới”, anh Đại đề xuất.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thức, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) cho biết, tỉnh Bắc Giang không thực hiện việc thu phí lên chùa Yên Tử tỉnh mà bên Quảng Ninh làm việc này. “Việc thu phí này là Quảng Ninh họ làm, qua thực thế cho thấy, nhiều du khách cũng bức xúc vì phải bỏ tiền để “qua trạm BOT” trên đường đi đến chùa Đồng Yên Tử. Chúng tôi cũng đã có kiến nghị về việc này nhưng chưa được giải quyết”, ông Thức nói.

Để đến được chùa Đồng du khách phải mua vé với giá 40.000 đồng

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) thông tin với Báo Giao thông: Từ ngày 1/1/2018, thực hiện Nghị quyết ngày 13/12/2017, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã áp dụng mức phí 40.000 đồng/lần/người lớn và 20.000 đồng/lần/trẻ em khi vào khu di tích Yên Tử.

Khoản phí trên không phải thu phí đi lễ chùa mà là phí tham quan danh lam thắng cảnh, được dựa trên quy định của Luật phí và lệ phí. Khoản thu này nhằm bù đắp chi phí quản lý, đảm bảo chức năng quản lý Nhà nước như: An ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ và trùng tu tôn tạo.

Tuy nhiên, GS.TS. Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phân tích, theo luật thì địa phương được thu phí một khoản nhất định để bảo tồn, giữ gìn vệ sinh cảnh quan danh lam thắng cảnh, nhưng không được thu phí vào chùa. Ở đây là phức hệ danh lam thắng cảnh và chùa thì rõ ràng cần phải nghiên cứu, tách bạch việc đi chùa và đi thưởng lãm danh lam thắng cảnh. Nếu người dân chỉ đi chùa mà không vào danh lam thắng cảnh thì rõ ràng việc thu tiền đó là không đúng.

“Theo tôi thì Quảng Ninh nên thoáng ra, không thu tiền nữa mà để người dân tự nguyện. Hoặc có thể tách đường đi chùa và đường đi tham quan danh lam thắng cảnh. Người nào đi chùa thì không phải mất phí, người nào đi thưởng lãm danh lam thì thu phí. Như vậy mới hài hoà giữa quy định pháp luật và nguyện vọng tâm linh của người dân”, ông Trung nói.

Theo Baogiaothong.vn

0 comments:

Đăng nhận xét