21 thg 2, 2020

Một số nhà đầu tư Cocobay Đà Nẵng bị chấm dứt hợp đồng mua bán

3 nhà đầu tư thuộc dự án Cocobay Đà Nẵng xác nhận vừa nhận văn bản tuyên bố chấm dứt hợp đồng từ phía chủ đầu tư là CTCP Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô.  Nhà đầu tư cho biết bất bình trước hành động của chủ đầu tư Cocobay, 1 trong 3 người đang làm đơn kiện chủ đầu tư. Chủ tịch Thành Đô xác nhận việc gửi thông báo huỷ hợp đồng với nhà đầu tư và cho biết có nhiều hơn 3 nhà đầu tư phải nhận thông báo này.

3 nhà đầu tư thuộc ban đại diện dự án Cocobay Đà Nẵng gồm bà Đặng Thị Minh Điểm, Nguyễn Thị Mai Lan và ông Trần Công Hoan xác nhận vừa nhận được văn bản tuyên bố chấm dứt hợp đồng từ phía chủ đầu tư là CTCP Thành Đô. Nguyên nhân được chủ đầu tư đưa ra là 3 nhà đầu tư này đã không chọn phương án giải quyết theo đúng thời hạn mà chủ đầu tư yêu cầu.

Bà Đặng Thị Minh Điểm cho hay nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng mua bán căn hộ của Thành Đô vào chiều 19/2. Trong văn bản, Thành Đô cho biết bà Điểm đã không hợp tác để thống nhất phương án giải quyết. Chủ đầu tư này khuyến khích nhà đầu tư mang luật sư đến để giải quyết, đồng thời chậm nhất ngày 25/2 các khách hàng trên phải liên hệ làm việc, giải quyết quyền lợi.

Trao đổi với PV, bà Đặng Thị Minh Điểm cho biết việc đơn phương chấm dứt hợp đồng của Thành Đô là không thỏa đáng và cho rằng hành vi này của Thành Đô với 3 nhà đầu tư trong ban đại diện “giống như khủng bố tinh thần, tung hỏa mù”. "Không ít nhà đầu tư chưa đồng ý với các phương án cũng như điều kiện mà Thành Đô đưa ra nhưng hiện chủ đầu tư chỉ gửi đến 3 cá nhân là những người thuộc ban đại diện”, bà Điểm nói.

Nhà đầu tư thứ cấp này cho biết thêm bà không thể thu xếp tài chính để tất toán ngay với SHB. "Số tiền lớn như vậy cũng cần ít nhất 6 tháng tôi mới chuẩn bị được. Trong 6 tháng đó, Thành Đô không trả lãi vay khoản tiền 95% họ huy động từ tôi nhưng tôi vẫn phải trả lãi 13,5%/năm cho SHB, chưa kể lãi suất phạt chậm trả", bà chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Mai Lan, người xưng là đại diện phụ trách truyền thông của ban đại diện, cũng cho rằng đang bị chủ đầu tư chọn để “đánh phủ đầu”. “Tôi rất bất bình và đang làm đơn tố cáo chủ đầu tư”, bà Lan nói.

Bà Điểm, bà Mai cho biết trước khi nhận được văn bản lần này của Thành Đô, ban đại diện các chủ sở hữu đã có 2 buổi làm việc với chủ đầu tư để tìm kiếm phương án giải quyết. Những hướng giải quyết mà Thành Đô đưa ra trước đó, theo bà Điểm, vẫn chưa thuyết phục được các nhà đầu tư nên 2 bên chưa thống nhất được hướng xử lý phù hợp.

Bà Điểm cho biết cá nhân bà cũng như nhiều chủ sở hữu khác phải vay ngân hàng để đầu tư vào dự án Cocobay Đà Nẵng. Bà Điểm mua 3 căn hộ condotel ở dự án và ký hợp đồng mua bán với chủ đầu tư từ tháng 8/2017 và đến 25/12 cùng năm thì nhận được thu nhập cam kết lần đầu.

"Việc Thành Đô tuyên bố chấm dứt hợp đồng sẽ khiến quyền tài sản thế chấp của chúng tôi tại SHB trở nên vô giá trị, như vậy chúng tôi có thể bị ngân hàng khởi kiện đòi nợ ngay lập tức. Ngoài ra, thông báo của Thành Đô không kèm cam kết việc hoàn trả lại tiền sau thanh lý và ngày hoàn trả, như vậy chúng tôi không biết đường nào mà lần", bà Điểm nói.

Ngày 14/2, các chủ đầu tư dự án Cocobay đã tập trung tại trụ sở công ty Thành Đô để đòi quyền lợi. Ảnh: Nhà đầu tư cung cấp.

Sáng 21/2, ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch CTCP Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô, xác nhận với Người Đồng Hành đã gửi văn bản chấm dứt hợp đồng mua bán với một số chủ sở hữu dự án Cocobay Đà Nẵng do chậm đưa ra phương án giải quyết so với thời hạn đã đưa ra trước đó. Con số cụ thể về nhà đầu tư bị hủy hợp đồng không được ông Thành tiết lộ. Tuy nhiên, ông cho biết số nhà đầu tư bị hủy hợp đồng nhiều hơn 3 nên không thể nói chủ đầu tư "đánh phủ đầu" hay "tung hỏa mù" những cá nhân thuộc ban đại diện nhà đầu tư dự án.

Trước đó, trong văn bản 289 gửi nhà đầu tư ngày 19/12/2019, Thành Đô làm rõ 3 phương án giải quyết sau khi chấm dứt cam kết lợi nhuận, trong đó có nhóm giải pháp thanh lý hợp đồng mua bán, chủ sở hữu nhận bàn giao lại tài sản và tiền mua nhà từ chủ đầu tư. Theo văn bản này, phương án chỉ áp dụng đối với chủ sở hữu đã thanh toán đến 95% giá trị căn hộ và đủ điều kiện nhận thu nhập cam kết.

Theo Thành Đô, nếu chủ sở hữu chọn phương án này, chủ đầu tư sẽ trả tiền cho chủ sở hữu sau khi trừ đi các loại chi phí như: 50% chi phí bán hàng, tương ứng 2,5% giá trị căn hộ; chi phí hỗ trợ lãi vay ngân hàng nếu có; chi phí phát hành bảo lãnh nếu có.

Thành Đô cam kết trả tiền trước ngày 30/9/2020, cam kết sẽ được bảo lãnh bởi ngân hàng nếu chủ sở hữu yêu cầu. Trong thời gian chủ sở hữu chưa nhận được tiền thanh lý hợp đồng, chủ đầu tư sẽ chịu trách nhiệm thanh toán lãi suất 10%/năm cho số tiền chưa được thanh toán. Đồng thời, chủ sở hữu sẽ nhận đủ thu nhập cam kết của các kỳ 2017, 2018 và 2019 trước ngày 30/9/2020 theo thỏa thuận đã ký.

Ngoài phương án này, Thành Đô cũng đề xuất 3 phương án khác. Phương án thứ nhất là chuyển đổi từ căn hộ khách sạn - condotel (không hình thành đơn vị ở) thành căn hộ chung cư (để ở) và giao lại cho Thành Đô hoặc đơn vị được ủy quyền thực hiện việc quản lý khai thác kinh doanh. Phương án thứ 2 là chủ sở hữu sẽ giữ nguyên căn hộ condotel và giao cho chủ đầu tư hoặc đơn vị được ủy quyền thực hiện việc khai thác kinh doanh. Chủ sở hữu sẽ được hưởng quyền lợi giống như ở phương án 1.

Phương án 3 được áp dụng cho khách hàng mua condotel vay vốn ngân hàng và thực hiện thế chấp tài sản bằng chính căn hộ tại dự án muốn tiếp tục đồng hành với Công ty Thành Đô nhưng không có khả năng trả các khoản nợ đến hạn của hợp đồng tín dụng đã ký với ngân hàng.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico, hành động đơn phương chấm dứt hợp đồng của Thành Đô thể hiện sự thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư dự án đối với các nhà đầu tư và thị trường bất động sản. Ông cho biết các văn mà Thành Đô đưa ra cũng không có tính pháp lý vì chưa có thống nhất giữa 2 bên mua và bán. Theo ông, nhà đầu tư có thể khởi kiện Thành Đô nhưng "việc kiện cáo sẽ không dễ dàng".

Dự án Cocobay Đà Nẵng được khởi công vào giữa năm 2016, chia thành nhiều giai đoạn đầu tư. Tổng diện tích dự án khoảng 31 ha, bao gồn nhiều loại hình bất động sản như biệt thự, căn hộ nghỉ dưỡng, condotel và tiện ích như trung tâm hội nghị, phòng chăm sóc sức khỏe, nhà hàng, khu vui chơi giải trí...

Thời điểm ban đầu, Empire cam kết lợi nhuận 12%/năm trong 8 năm đầu tiên với khách hàng sở hữu condotel. Tuy nhiên, chủ đầu tư vừa thông báo ngừng chính sách cam kết lợi nhuận này đến hết năm 2019. Từ năm 2020, khách hàng chọn phương án khác như chuyển đổi thành chung cư; thanh lý hợp đồng tự kinh doanh; thanh lý hợp đồng hoàn lại tiền; tự đề xuất giải pháp hợp lý hơn.

Nguồn Người Đồng Hành

0 comments:

Đăng nhận xét