19 thg 2, 2020

Chợ "chuyên sỉ" An Đông ế ẩm, cả ngày mở cửa không kiếm được 1 đồng

Mở lại từ ngay sau Tết, chợ An Đông chẳng còn tấp nập kẻ ra người vào như xưa, thay vào đó là khung cảnh đìu hiu, ế ẩm không một "mống" khách.
Nếu muốn mua sỉ giá cả phải chăng thì chợ An Đông là nơi mà bạn nên đến. (Ảnh: Thị Trường Sỉ)

Trước Tết, An Đông là khu chợ sỉ lớn nhất nhì ở TP.HCM, lượng khách ra vào chợ nhiều vô kể. Những gian hàng đồ trang sức, đồ khô, mỹ nghệ, quần áo và hàng quán ăn uống có thể tiếp một lượng khách lớn mỗi ngày.

Thế nhưng từ sau Tết, chợ An Đông lại trở nên vắng vẻ lạ thường. Có những quầy hàng ế ẩm cả nửa tháng trời, cũng có quầy vẫn đang nghỉ Tết chưa mở cửa trở lại.

Chợ An Đông đìu hiu suốt hơn nửa tháng trời
Như thường lệ, cứ mỗi khi ra Tết, chợ An Đông lại tấp nập khách du lịch đến thăm quan, mua sắm quà về nước. Phần lớn khách ở đây là Trung Quốc, Nga và nhiều tỉnh mua đồ về đổ buôn. Thế nhưng năm nay, không khí ở chợ An Đông lại vắng vẻ và đìu hiu đến lạ thường. Chủ yếu là do dịch bệnh khiến cho nhiều người hạn chế tụ tập ở những nơi đông người, đặc biệt là chợ với nhiều nguồn hàng cung cấp vô kể.
Ở đâu đâu cũng chỉ thấy người bán đang xem điện thoại. (Ảnh: Nguyễn Nga)

Các sạp đóng cửa dù đang trong thời gian chợ mở cửa. (Ảnh: Nguyễn Nga)

Từ Tết ra đến nay cũng đã hơn nửa tháng nhưng lượng mua bán của chợ sỉ lớn nhất nhì Sài Gòn giảm đáng kể. Có những gian hàng ba ngày chưa đón được khách vào, cũng có gian "may mắn" hơn được người mua ghé thăm. Thế nhưng trong năm ngày bán hàng mà họ cũng chỉ thu về vốn lãi chưa tới 500 nghìn đồng. Thậm chí có những góc chợ chủ chẳng buồn mời chào, chỉ biết xem điện thoại cho hết ngày.

Có sạp báo 2/2 mở lại nhưng đến nay vẫn đang "ung dung" nghỉ Tết. (Ảnh: Nguyễn Nga)

Người bán thì chờ đợi trong "vô vọng", người mua thì rón rén không dám tụ tập
Với tâm lý không tụ tập nơi đông người, người bán hàng cũng hạn chế tiếp xúc với nhau. Đối tượng mà họ gặp nhiều nhất trong ngày chính là chiếc điện thoại để giải trí lúc vắng khách. Có những gian trước kia khách tới nườm nượp còn không kịp chào hàng, thì nay hoặc là đóng cửa nghỉ Tết tiếp, hoặc là treo biển cho thuê.

Gian hàng trang sức vắng bóng các chị em lui tới. (Ảnh: Nguyễn Nga)

Có nơi phải đăng biển cho thuê. (Ảnh: Nguyễn Nga)

Người mua thì chắc chắn là hạn chế tối đa mua sắm trong chợ bởi những tiểu thương này đến từ đâu thì không phải ai cũng biết. Hon nữa trong tâm lý của mỗi người thì nơi đông người không phải là một nơi thích hợp nhất là trong dịp này. Nếu có người qua lại thì cũng chỉ là khách mua buôn hoặc tiểu thương đến giờ ăn trưa thì ghé vào các hàng quán ăn khu ẩm thực.

Khung cảnh ế ẩm, vắng khách ở trong khu chợ An Đông 
Quả thực những người chưa từng đến chợ An Đông sẽ không mường tượng được lúc đông vui, nhộn nhịp của chợ là như thế nào nếu ghé thăm vào đúng dịp này. Với tình hình ế ẩm tiếp diễn, nhiều tiểu thương còn dự tính xin giảm tiền đóng thuế bởi nguồn thu không có mà vẫn phải trả nào là tiền điện, tiền nước, tiền nhân công, tiền thuê gian hàng... Ti tỉ thứ chi phí phải trả nhưng khách còn chả có "mống" nào thì không biết phải buôn bán ra sao mới có lãi.

Ghế thì vẫn còn đây nhưng người thì lại chẳng có mấy "mống". (Ảnh: Nguyễn Nga)

Đâu đâu cũng được trang bị nước rửa tay cho cả người bán lẫn người mua. (Ảnh: Nguyễn Nga)

Người mua lo lắng sức khoẻ một thì người bán bồn chồn vì lỗ lãi mười. Có nơi nghỉ Tết cũng phải gần một tháng, có gian chưa gì đã treo biển cho thuê vì vắng khách, cung - cầu không đảm bảo. Chứng kiến khung cảnh này có lẽ người bán ai cũng sốt ruột và chán nản.

Hình ảnh này có lẽ chỉ xuất hiện trở lại sau khi dịch bệnh lắng xuống. (Ảnh: Áo Gia Đình)

Trước đây, mỗi ngày chợ An Đông lại có tới hàng chục kiện hàng gửi đi các nơi. (Ảnh: Dân trí)

Chợ An Đông từ một khu nhộn nhịp nhiều khách du lịch lẫn khách mua buôn liền trở thành chợ vắng vẻ, đìu hiu hiếm có của Sài Gòn. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm ăn của các tiểu thương trong thời gian tới đây. Chừng nào người mua yên tâm vì dịch bệnh đã lắng xuống thì khi đó mới có thể thấy bóng dáng người ra kẻ vào tấp nập tại khu chợ "chuyên sỉ" nổi tiếng này.

Nguồn YAN

0 comments:

Đăng nhận xét