18 thg 1, 2020

"Chúng cháu sợ bánh chưng lắm rồi"

Chiều cuối năm chúng tôi theo chân đoàn thiện nguyện đến trao quà cho các cháu tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh, khi chúng tôi trao quà một bé buột miệng: Lại bánh chưng hả cô, chúng cháu sợ bánh chưng lắm rồi.

Các bé hồn nhiên kể, hơn một tuần nay chúng cháu ngày nào cũng ăn bánh chưng, hết luộc lại rán, giờ nhìn là sợ…

Hỏi chuyện các cô chăm sóc các cháu ở đây được biết, hàng năm Tết đến Trung tâm nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan đoàn thể, các tổ chức xã hội, các hội thiện nguyện và nhà hảo tâm, ai cũng muốn sẻ chia dành tình yêu thương cho các cháu. Vì là Tết nên ai cũng nghĩ phải có quà đặc trưng của Tết nên không thể thiếu bánh chưng. Đoàn nào đến cũng cho bánh chưng, nhiều quá các cháu ăn không hết phải cho vào tủ bảo ôn.

“Sao các cô không chia cho mọi người mang về hoặc chia cho các hộ khó khăn trên địa bàn kẻo để lâu bánh hỏng hết lãng phí?" - Khi chúng tôi hỏi, các cô trả lời luôn: Không được đâu chị, tất cả quà bánh các đoàn trao tặng đều chỉ các cháu trong Trung tâm được sử dụng, không được phép mang ra ngoài, hơn nữa đây là tuỳ tâm của mọi người nên họ cho gì chúng tôi đều quý cả.

Tôi biết, hàng năm vào dịp Tết rất nhiều tổ chức, cá nhân đều chuẩn bị hàng hoá hỗ trợ trẻ em vùng cao, vùng khó khăn và thường thì quần áo rét, chăn màn, bánh kẹo. Nhiều em khoe, năm nào cháu cũng được nhận quần áo, nhiều bộ năm ngoái cháu được tặng vẫn còn mới tinh nhưng đã chật, năm nay không mặc được nữa, giá như năm nay được tặng đồ dùng học tập thì tốt hơn.

Biết rằng tấm lòng thơm thảo sẻ chia của cộng đồng dành cho những mảnh đời không may mắn là hết sức đáng quý, trân trọng nhưng nên chăng chúng ta cũng cần phải cân nhắc, bố trí cho hợp lý. Để tránh dư thừa, sử dụng không thiết thực nên trao đổi trước với cơ sở tiếp nhận, tặng quà hiện vật như nào cho phù hợp để tránh việc thứ thì nhiều quá, cái cần lại thiếu.

Nguồn Báo Quảng Ninh

0 comments:

Đăng nhận xét