19 thg 11, 2019

Chủ hụi ôm hơn 100 tỷ bỏ trốn, hàng trăm tiểu thương chợ đầu mối Bình Điền thành con nợ?

Đến nay, đã có hàng chục người dân trình báo cơ quan công an về việc bà Nguyễn Thị Ngọc Mai (sinh năm 1967, ngụ ấp 5, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP HCM) có hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” thông qua hình thức góp hụi; ước tính số tiền nghi bị chiếm đoạt lên tới khoảng hơn 100 tỷ đồng.
Rất nhiều tiểu thương lao đao trước thông tin chủ hụi bỏ trốn?


Lao đao, thành con nợ vì "vỡ hụi"
Những ngày gần đây, hàng trăm tiểu thương kinh doanh tại chợ đầu mối Bình Điền (Quận 8, TP HCM) xôn xao trước thông tin bà Nguyễn Thị Ngọc Mai (chủ hụi/họ) bỗng dưng “biến mất”. Nghi ngờ bà Mai đã ôm tiền bỏ trốn, nhiều người đã làm đơn tố cáo ra cơ quan công an yêu cầu xử lý.

Theo tố cáo, nhiều tiểu thương cho biết, do quen biết bà Mai có chơi hụi từ nhiều năm nay nên tin tưởng để bà Mai lập hụi, mở nhiều dây hụi cho các hụi viên tham gia. Trong hơn 10 năm đứng hụi tại chợ Bình Điền, bà Mai vẫn thu tiền và giao lại tiền hốt hụi cho các hụi viên đàng hoàng, đúng hẹn nên càng ngày số lượng hụi viên tham gia càng đông.

Trên mạng xã hội, nhiều người đang ráo riết tìm chủ hụi để đòi lại tiền (ảnh chụp màn hình do người dân cung cấp).

Tuy nhiên, thời gian gần đây khi nhiều hụi viên sắp sửa đến lượt hốt hụi thì bỗng dưng bà Mai “biến mất”, không thể liên lạc được.

Trong đơn tố cáo, chị Nguyễn Thị Mỹ Huệ (sinh năm 1985) cho biết: “Tôi có góp 4 dây hụi cho bà Nguyễn Thị Ngọc Mai với số tiền 469,3 triệu đồng. Theo thỏa thuận thì mỗi dây hụi góp trong vòng 12 tháng, tương đương 12 kỳ sẽ được hốt hụi. Nhưng dây hụi thứ nhất đến kỳ thứ 12 là đến lượt tôi hốt thì bà Mai hứa hết lần này đến lần khác, rồi còn dụ tôi tiếp tục tham gia thêm các dây hụi khác với hứa hẹn sau này sẽ được ưu tiên hốt hụi.

Không những vậy, ngày 15/6, bà Mai còn lợi dụng lòng tin của tôi để vay thêm 200 triệu nữa với lý do kẹt tiền mua nhà và hứa một tháng sau sẽ trả. Tuy nhiên, ngày 15/10, tôi đến nhà bà Mai để yêu cầu trả tiền hụi và tiền vay của tôi thì được người ở đây thông báo là nhà đã sang tên cho một người khác. Tôi tiếp tục liên lạc qua số điện thoại nhưng số máy không gọi được. Đến nay bà Mai đang có dấu hiệu tẩu tán tài sản, né tránh trách nhiệm trả tiền cho tôi”, chị Huê trình bày.

Tương tự trường hợp của chị Huê và các hộ dân khác, anh Nguyễn Tấn Phi (ngụ phường 2, Quận 4) cũng nhận phải trái đắng khi số tiền anh đã đóng lên tới hơn 1,3 tỷ đồng. Anh Phi góp 3 dây hụi, mỗi dây là 15 tháng và đã đóng hụi được hơn 1 năm nay. Theo lịch hẹn thì ngày 20 đến 21/10 này anh sẽ được hốt hụi.

Danh sách các hụi viên đã góp hụi.

Oái ăm nhất có lẽ là trường hợp của chị Nguyễn Thị Trúc Ly (sinh năm 1980, quê Tiền Giang, lên TP HCM lập nghiệp). Chị Ly cho biết, ngoài việc kinh doanh tại chợ Bình Điền, chị còn tham gia một dây hụi khác ở quê với vai trò là người đứng ra thu tiền hụi của một số tiểu thương bán thịt heo khác. Nhưng cũng vì muốn có thêm thu nhập, chị đánh liều gom hết số tiền đó dồn hết vào dây hụi của bà Mai, đến khi biết tin bà Mai bỏ trốn chị dường như ngã quỵ. Những người góp tiền cũng bắt đầu quay sang đòi nợ chị, biến mình từ chủ hụi trở thành con nợ.

Cũng theo chị Ly, tổng số tiền chị đã góp vào dây hụi của bà Mai lên tới gần 1 tỷ đồng, nhưng số tiền bị vướng nợ cũng đã lên tới 1,2 tỷ đồng. Trước khi bà Mai còn thu hụi, mỗi tháng chị phải đóng lên tới hơn 100 triệu đồng cho các dây hụi mình góp.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện có đến hàng trăm tiểu thương rơi vào cảnh tương tự. Theo danh sách kê khai của các hộ dân cho thấy, số tiền góp hụi mà các bị hại đã đóng cho bà Mai dao động từ 40 triệu đồng cho đến 1,6 tỷ đồng/người. Ước tính số tiền nghi bị bà Mai chiếm đoạt có thể lên tới hơn 100 tỷ đồng (?!). Hiện nhiều tiểu thương đã làm đơn tố cáo bà Mai ra cơ quan pháp luật về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Đề nghị khởi tố, làm rõ hành vi chiếm đoạt tài sản
Là người đứng ra đại diện cho các tiểu thương gửi đơn tố cáo lên cơ quan công an, chị Nguyễn Thị Mỹ Huệ thông tin cho biết, phía Công an Quận 8 và Công an huyện Bình Chánh cũng đã mời chị lên làm việc liên quan đến nội dung chị trình báo. Tuy nhiên, sau khi xem xét đơn của chị, cả Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh và Công an Quận 8 đều cho rằng vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết nên hướng dẫn chị gửi đơn đến Tòa án để giải quyết.

Phiếu hướng dẫn đơn của VKSND huyện Bình Chánh và Công an Quận 8.

Trong khi đó, cùng một vụ việc, nhưng khác với quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh và Công an Quận 8, phía Viện Kiểm sát nhân dân Quận 8 lại tiếp tục chuyển đơn của người dân đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP HCM để giải quyết theo thẩm quyền.

Giấy báo tin của VKSND Quận 8 chuyển đơn lên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP HCM.

Hơn nữa, theo như người dân phản ánh, hiện bà Mai đã không còn xuất hiện tại địa phương, đồng thời để thực hiện hành vi này, bà Mai đã có những toan tính từ trước, cố tình gom hụi lần cuối để “cao chạy xa bay”. Cụ thể, bà Mai đã sang nhượng lại căn nhà đang ở cho người khác, nhằm tẩu tán tài sản. Trong trường hợp này đủ yếu tố để cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Có thể thấy, với những gì xảy ra trong vụ giật hụi tại chợ đầu mối Bình Điền, hàng trăm tiểu thương đang chờ đợi và rất mong muốn Công an TP HCM, VKSND quận 8, Công an quận 8 quan tâm, xem xét khởi tố vụ án để điều tra làm rõ hành vi chiếm đoạt tài sản của bà Mai.

Luật sư Trương Hồng Điền cho rằng vụ việc trên có dấu hiệu của hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Điều 25 - Giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm theo Nghị định 19/2019/NĐ-CP ngày 19/2/2019 của Chính phủ quy định:

1. Trong trường hợp có tranh chấp về họ (hụi) hoặc phát sinh từ họ thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hoà giải hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

2. Chủ họ, thành viên, cá nhân, tổ chức liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác khi tham gia quan hệ về họ.

Để giải quyết tranh chấp liên quan đến việc góp hụi (họ), theo Luật sư Trương Hồng Điền, Đoàn luật sư TP HCM cho biết: Vụ việc trên có dấu hiệu của hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, do đó, Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh, nơi xảy ra vụ việc phải thụ lý đơn tố giác tội phạm để điều tra theo thẩm quyền được Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định. Hành vi lợi dụng sự tín nhiệm, giữ tiền hụi xong bỏ trốn đã đủ yếu tố cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Nếu cơ quan chức năng cho rằng đây là vụ việc dân sự nên không thụ lý giải quyết tin tố giác tội phạm là trái pháp luật. Cần phải thụ lý điều tra tin tố giác tội phạm và có kết luận giải quyết theo đúng trình tự thủ tục pháp luật quy định.

Những tranh chấp liên quan đến hụi, họ khác không có dấu hiệu hình sự, thì cá nhân, tổ chức có quyền và lợi ích hợp pháp bị ảnh hưởng có thể giải quyết bằng cách thương lượng, hòa giải, thỏa thuận, trường hợp không thương lượng, thỏa thuận được thì khởi kiện đến TAND có thẩm quyền để giải quyết.

Nguồn Phapluatplus

Tin liên quan việc chơi hụi của tiểu thương

0 comments:

Đăng nhận xét