29 thg 9, 2019

Nuon Chea - tên đồ tể tàn ác nhất lịch sử hiện đại

Chính trị gia khét tiếng Nuon Chea của chế độ diệt chủng Pol Pot-Khmer Đỏ phạm tội ác chống lại loài người chết ở tuổi 93.

Nhân vật Nuon Chea (vừa qua đời vào ngày 4/8/2019) có thời kỳ hoạt động chính trị dài lâu với tư cách là “Anh 2” trong phong trào Khmer Đỏ ở Campuchia, tới gần nửa thế kỷ. Trong vai trò này, y giám sát các cuộc thanh lọc các đối thủ tiềm tàng bên trong và bên ngoài đảng cầm quyền ở Campuchia giai đoạn đó. Hậu quả của hoạt động này là hơn 300.000 người Campuchia đã bị hành quyết từ năm 1975 đến 1979 – giai đoạn này nhà nước của chế độ Khmer Đỏ mang tên “Campuchia Dân chủ”.

Trong thời gian cầm quyền, Chea nổi danh vì tính thực dụng và sự tàn nhẫn. Y thực thi các chính sách liều lĩnh và hoang tưởng của đảng Khmer Đỏ, như làm trống các thành phố, đóng cửa trường học và chùa chiền, phá bỏ tài sản tư, và trao quyền cho các tầng lớp nghèo nhất.

Các chính sách này, được thực thi với tốc độ nhanh rợn người, đã gây ra những tổn thất to lớn về sinh mạng. Ngoài các nạn nhân bị nhà nước Khmer Đỏ hành quyết, ước tính gần 1,5 triệu người dân Campuchia đã tử vong trong các năm tháng đó do đói khát, làm việc quá sức và bệnh tật không được chữa trị.

Gốc gác Trung Quốc
Từ trái qua: Pol Pot, Nuon Chea, Ieng Sary, và Son Sen, ở Phnom Penh vào năm 1975. Ảnh: EPA.
Nuon Chea là bí danh của Lau Kim Korn, sinh ra trong một gia đình Khmer gốc Hoa giàu có ở Battambang, Campuchia, vào năm 1926. Năm 1941, sau khi Thái Lan sáp nhập tỉnh Battambang, Chea đã di chuyển tới Bangkok, nơi y hoàn thành việc học hành ở trường phổ thông, có một thời gian làm sư, rồi đăng ký theo học tại Đại học Thammasat.

Khi thực dân Pháp thiết lập lại chế độ đô hộ ở tỉnh Battambang vào năm 1946, Chea vẫn đương ở Bangkok, làm thư ký cho một sở địa phương. Y tham gia phong trào cấp tiến, gia nhập Đảng Cộng sản Thái Lan trước khi rời Thái Lan vào năm 1950 khi giới chống cộng lên nắm quyền ở đây.

Tại Battambang, Chea cùng người họ hàng Sieu Heng gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Khi ấy Heng dẫn dắt phong trào cộng sản mật còn non yếu của Campuchia. Chea học trong 2 năm tại các trường đảng ở Việt Nam trước khi quay trở về Campuchia vào năm 1955. Y giúp đỡ một cựu sư tên là Tou Samouth lãnh đạo nhánh đô thị của phong trào cộng sản Campuchia. Y sát cánh với một thầy giáo trẻ tên là Saloth Sar (về sau được biết đến với cái tên Pol Pot) – người vừa trở về từ Pháp.

Năm 1958, Heng đào tẩu khỏi phong trào cộng sản Campuchia, mà hai năm sau được tái tổ chức thành Đảng Lao động Campuchia, với Samouth làm Tổng bí thư và Chea làm Phó cho y. Thời gian ngắn sau đó, Chea bí mật di chuyển tới miền Bắc Việt Nam, nơi y giải thích các chính sách của đảng mới thành lập.

Tổng bí thư Samouth bị cảnh sát của Hoàng thân Norodom Sihanouk ám sát vào năm 1962. Sar (tức Pol Pot) lên thay ông này, vượt qua cả Chea là người đứng ở vị trí thứ 2. Bút lục không lưu lại lý do hợp lý cho việc này cũng như phản ứng của Chea, nhưng trong 35 năm kế tiếp, y phục vụ trung thành và hiệu quả với tư cách là nhân vật số 2 của cái gọi là “Đảng Cộng sản Campuchia”.

 Lo sợ bị bắt, Sar lẩn trốn ở vùng biên giới với Việt Nam vào năm 1963 cùng với một số tay chân của mình. Phó Tổng bí thư Chea ở Phnom Penh nhưng không bị cảnh sát của Sihanouk phát hiện. Sau khi Sar thăm Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam rồi trở về Campuchia, Chea lại đến ở bên Sar tại một căn cứ mới của Khmer Đỏ ở vùng đông bắc xa xôi của Campuchia vào năm 1968.

Sau khi xảy ra cuộc đảo chính (do Mỹ đứng đằng sau) lật đổ Sihanouk vào năm 1970, Chea tận dụng một số mối quan hệ với miền Bắc Việt Nam để xin giúp đỡ xây dựng một đội quân cách mạng nhằm chống lại chế độ do Mỹ dựng lên. Lực lượng cộng sản Campuchia này giành thắng lợi vào tháng 4 năm 1975 và Chea trở về thủ đô Phnom Penh với tư cách là chỉ huy thứ 2 của chế độ Pol Pot.

Theo đuổi chủ nghĩa dân tộc cực đoan
Chea nỗ lực bảo đảm cấu trúc lãnh đạo của đảng này, bao gồm chính y, Pol Pot và có lẽ 100 kẻ khác nữa, luôn được che giấu và an toàn. Theo biên bản của tòa án đặc biệt xét xử chế độ Khmer Đỏ (tòa này hoạt động vào năm 2006), cá nhân Chea đã phê chuẩn lệnh bắt và hành quyết hàng trăm nhân vật cấp cao và cấp trung trong Đảng Cộng sản Campuchia bị tập đoàn Pol Pot nghi ngờ là phản bội chế độ.

Khi được một phái đoàn cộng sản Đan Mạch phỏng vấn vào năm 1978, Chea nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ bí mật bên trong nhà nước “Campuchia Dân chủ” và bóng gió rằng sứ mệnh chính của Đảng Cộng sản Campuchia là bảo vệ các thủ lĩnh của nó.

Khi quân đội Việt Nam lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ vào năm 1979, Chea cùng với Pol Pot và một nhóm thủ lĩnh sống sót của chế độ này chạy sang đất Thái Lan, nơi lực lượng Khmer Đỏ giành được sự ủng hộ của chính quyền Thái Lan cũng như sự hậu thuẫn gián tiếp từ Trung Quốc và Mỹ.

Phong trào Khmer Đỏ bắt đầu tan rã vào năm 1997. Khi ấy Chea chuyển hướng sự trung thành của mình sang nhà lãnh đạo mới của phong trào này là Ta Mok. Vào tháng 12/1998, sau khi Pol Pot chết, Chea đào tẩu sang chính quyền mới của Campuchia để đổi lấy sự ân xá. Sau đó y định cư cùng vợ và các con ở thị trấn Pailin nằm ở biên giới Thái Lan-Campuchia, nơi y sống một cách kín đáo.

Khi tòa án do Liên Hợp Quốc bảo trợ nhằm xét xử các thủ lĩnh của nhà nước “Campuchia Dân chủ” khởi động ở Phnom Penh. Chea đã bị bắt lại vào năm 2007 và bị tống giam. Y bị truy tố về các tội ác chống lại nhân loại vào tháng 9/2010, và bị xét xử vào tháng 6/2011 cùng với các cựu đồng bọn là Ieng Sary, Khieu Samphan và Khieu Thirith.

Có lúc trong quá trình xét xử của tòa, Chea đã phát biểu tới 90 phút và khẳng định mình vô tội. Y đổ lỗi về sự “thái quá” của Khmer Đỏ cho các “phần tử ương ngạnh” và tự nhận đã nỗ lực hoạt động không mệt mỏi với tư cách một người ái quốc để bảo vệ Campuchia trước các thế lực nước ngoài. Theo quan điểm của Chea, y đã lãnh đạo một cách hiệu quả và tận tụy một chế độ chính danh.

Tuy nhiên Chea đã bị buộc tội đã thực hiện các tội các chống lại loài người vào năm 2014 và phạm tội diệt chủng vào năm 2018. Y bị kết án tù chung thân cho các tội lỗi đó.

Nguồn VTC

0 comments:

Đăng nhận xét