28 thg 8, 2019

Nữ cảnh sát “đại náo” sân bay: Những đặc quyền pháp luật không đụng đến!

“Xã hội hiện nay tồn tại một số đặc quyền mà những chế tài pháp luật hay quy định cụ thể nhiều khi không đụng chạm đến được. Những đặc quyền đó có thể đến từ quyền lực chính trị, kinh tế hay do những quy định thành văn hoặc bất thành văn tạo ra".

Đây là chia sẻ của PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam xung quanh câu chuyện nữ công an “đại náo” sân bay và văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức nơi công cộng gây bất bình trong dư luận những ngày qua.

Cho rằng các quy định, quy tắc ứng xử đã được ban hành chưa thực sự đi vào cuộc sống, PGS Hoài Sơn nêu dẫn chứng về khá nhiều các bộ quy tắc ứng xử đã được ban hành, cả ở nơi cộng cộng lẫn đối với từng nhóm đối tượng. Tuy nhiên, các quy tắc ứng xử này chưa thực sự có hiệu quả có thể vì 2 lý do.

"Một là do các quy định này có thể chưa thực sự rõ ràng. Cách đây 12 năm, năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg về quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước; Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch.

Cũng trong năm này, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1665/QĐ-UBND về quy tắc ứng xử nơi công cộng. Gần đây hơn Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định 1299/QĐ-TTg ngày 03/10/2018 về xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025 và Quyết định 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 về đề án văn hóa công vụ. Như vậy, các nội dung của các quy định văn hóa ứng xử này có thể rất nhiều nhưng đôi khi không đến được với cán bộ công chức”, PGS Hoài Sơn phân tích.

Vì thế quy định có thể rõ ràng nhưng “chế tài khó thực hiện hoặc việc vi phạm xảy ra quá nhiều dẫn đến quy định chỉ là hình thức”.  PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, “vấn đề của chúng ta nhiều khi nằm ở khâu thực thi các quy định. Khi chế tài không đủ sức răn đe, quy định trở nên hài hước. Khi khâu thực thi kém, các quy định bị nhờn (hay người ta hay nói là nhờn luật). Khi mọi người biết có luật mà không thực thi pháp luật, xã hội sẽ rối loạn!”.
GS Hoài Sơn
Vấn đề thứ hai, theo GS Hoài Sơn, đó là vai trò quan trọng của các phương tiện truyền thông mới trong việc thông tin về các vụ việc ứng xử không phù hợp của công chức Nhà nước.  Hiện nay, chúng ta đang sống trong một xã hội mà các hành vi luôn được giám sát rất kỹ. Những người làm việc trong các cơ quan hành chính Nhà nước, thuộc những lĩnh vực nhạy cảm lại càng bị giám sát kỹ lưỡng hơn.

“Điều này tốt hay xấu còn tùy vào cách tiếp cận và có thể bàn sau, nhưng nó đặt ra vấn đề là những công chức nhà nước giờ đây phải cẩn trọng hơn với những hành vi của mình, cả ở trong công sở và ngoài xã hội”, ông nói.

Nguyên nhân thứ ba, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cũng thẳng thắn chỉ ra, đó là những lệch lạc trong ứng xử này có thể tồn tại ở nhiều nhóm trong xã hội, tuy nhiên, cán bộ công chức nhà nước thường nhận được nhiều sự quan tâm hơn bởi họ là những người cần phải làm gương cho xã hội. Các cơ quan, đơn vị luôn có những quy định về nguyên tắc ứng xử, và hàng năm họ đều phải tự kiểm điểm về những nội dung này. Tuy nhiên, dù đã có quy định, dù phải làm gương nhưng nhiều người đã không thực hiện tốt nhiệm vụ này.

“Hơn nữa, xã hội ta hiện nay tồn tại những đặc quyền mà những chế tài pháp luật hay quy định cụ thể nhiều khi không đụng chạm đến được. Những đặc quyền đó có thể đến từ quyền lực chính trị, kinh tế hay do những quy định thành văn hoặc bất thành văn tạo ra. Chính vì thế, có nhiều ngoại lệ trong xã hội mà những người cầm cân, nảy mực nhiều khi cũng nể nang, né tránh, còn một số người có đặc quyền, đặc lợi lại sử dụng những quyền này để vi phạm qui định, pháp luật.

Đội ngũ công chức, trong đó có một số ngành nghề cụ thể là những người thường được hưởng lợi từ điều này nhất. Chúng ta đã từng chứng kiến có những người vi phạm luật giao thông nhưng không bị xử phạt, thậm chí có thể mắng ngược trở lại cảnh sát giao thông, hay một người có thể không cần phải xếp hàng như những người khác, đến chuyện xin học cho con, vào khám bệnh ở bệnh viện không nhất thiết phải theo đúng thứ tự đã được đặt ra...”, GS Sơn bày tỏ.

Theo ông Sơn, để giải quyết dứt điểm những tình huống tương tự có thể xảy ra trong tương lai, “chúng ta cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan truyền thông và các tổ chức xã hội, trong việc thực thi các quy tắc ứng xử. Chúng ta cần có cơ chế thực thi pháp luật nghiêm minh, sửa đổi những quy định bất hợp lý tạo khe hở cho một cá nhân nào đó lách luật, đi kèm với việc thực hiện làm gương, công tác truyền thông tốt để tạo nên áp lực dư luận xã hội. Một hình thức tuyên truyền qua hình thức xử lý nghiêm, sự nêu gương làm mẫu của chính cơ quan văn hóa sẽ có tác động lan tỏa đến toàn xã hội trong việc xây dựng hành vi ứng xử của con người”.

Nguồn infonet

0 comments:

Đăng nhận xét