27 thg 2, 2022

Nghịch lý dư nợ cho vay margin tăng, nhà đầu tư cá nhân rút ròng

Quý III và IV/2021, tổng mức margin tăng thêm là 50.000 tỷ đồng trong khi nhà đầu tư cá nhân rút ròng 4.000 tỷ đồng. Số tài khoản chứng khoán tăng lên nhiều nhưng chất lượng tài khoản chưa thu hút được dòng tiền.


Chia sẻ tại tọa đàm: "Triển vọng đầu tư 2022 – FiinGroup Invest Summit", bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm phân tích dữ liệu, Khối dịch vụ Thông tin Tài chính FiinGroup đưa ra những dự báo về thanh khoản thị trường chứng khoán trong năm 2022. 

Bà Vân cho biết, năm 2021 có những phiên giá trị giao dịch thị trường lên đến trên 50.000 tỷ đồng. Nếu tính mặt bằng chung giá trị giao dịch trung bình phiên tăng gấp 4 lần năm 2020. Vài tuần gần đây, giao dịch trên thị trường có phần kém tích cực hơn so với giai đoạn trước đó. Tuy nhiên bà Vân nhìn về 4 yếu tố để đánh giá thanh khoản năm 2022. Thứ nhất là tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết dự báo khoảng 20%, đây là mức khá tích cực trên nền tăng trưởng cao của năm 2021. Điều này cho thấy thị trường cổ phiếu niêm yết vẫn là một kênh đầu tư khá hấp dẫn trong năm 2022.

Thứ hai là những động thái gần đây liên quan đến việc tăng vốn, đẩy mạnh đi vay của các công ty chứng khoán cho thấy các đơn vị này kỳ vọng thanh khoản tiếp tục được cải thiện. Thứ ba là khả năng đưa vào vận hành hệ thống giao dịch mới của HoSE và yếu tố thứ tư là qua khảo sát, một số công ty chứng khoán đang xây dựng kế hoạch kinh doanh trên dự báo thanh khoản đạt 30.000 tỷ đồng trong năm 2022, tăng gần 23% so với năm 2021.

Tóm lại, bà Vân đánh giá thanh khoản năm 2022 vẫn sẽ tăng nhưng để đạt được mức tăng như năm 2021 là khó.

Tuy nhiên, ông Đào Phúc Tường, CFA – Chuyên gia Tài chính, lại có phần thận trọng về thanh khoản năm 2022. Lý giải cho sự thận trọng này, ông Tường đưa ra những số liệu về số dư nợ cho vay margin cũng như chất lượng của nhà đầu tư mới. Cụ thể, số dư nợ vay margin của các công ty chứng khoán tăng mạnh trong quý II, III và IV/2021. Nhưng đặt việc tăng margin này trong mối tương quan giá trị mua ròng của nhà đầu tư cá nhân trong 3 quý trên cho thấy dư nợ cho vay margin tăng nhưng giá trị mua ròng của nhà đầu tư cá nhân đi ngang. Đơn cử như quý IV/2021, tổng giá trị cho vay margin tăng lên 31.000 tỷ đồng nhưng giá trị mua ròng của nhà đầu tư cá nhân chỉ 400 tỷ đồng. Nếu tính tổng 2 quý III và IV/2021, tổng mức margin tăng thêm là 50.000 tỷ đồng trong khi nhà đầu tư cá nhân rút ròng 4.000 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra là nhà đầu tư vay margin để làm gì?


Yếu tố thứ hai được ông Tường đưa ra đó là chất lượng của nhà đầu tư đặc biệt là những người mới tham gia thị trường chứng khoán. Tốc độ tăng trưởng của nhà đầu tư mới trong năm 2021 là rất mạnh nhưng số dư tiền gửi của nhà đầu tư mới trên mỗi tài khoản tăng thêm chỉ khoảng vài triệu đồng. Như vậy có thể thấy rằng số tài khoản chứng khoán tăng lên nhiều nhưng chất lượng tài khoản chưa thu hút được dòng tiền.


Năm 2022, với câu chuyện dòng tiền đang rút ra khỏi thị trường qua kênh margin, chất lượng nhà đầu tư mới đang giảm đi, thị trường cần có một cú hích nào đó để tác động vào tâm lý và giúp kéo nhà đầu tư quay lại. Tuy nhiên, các yếu tố được cho tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư như lãi suất giảm, chính sách kiểm soát thị trường chứng khoán được nới lỏng, chương trình thoái vốn được thúc đẩy, hệ thống giao dịch mới được đi vào hoạt động, nhưng toàn bộ các yếu tố này chưa được ông Tường nhìn thấy có xác suất cao xảy ra trong năm 2022 nên cần thận trọng về yếu tố thanh khoản.

Nguồn NDH

0 comments:

Đăng nhận xét