18 thg 1, 2022

Loạt cổ đông "mất Tết" khi giá cổ phiếu "bốc hơi" trên 20% chỉ sau nửa tháng giao dịch đầu tiên của năm 2022

Thống kê đến hết phiên giao dịch 17/1/2022, toàn thị trường ghi nhận 95 cổ phiếu có mức giảm từ 20% trở lên so với thời điểm bắt đầu năm 2022, trong đó quán quân ghi nhận mức giảm 62% sau 10 phiên.


Sự tháo chạy của nhà đầu tư đã gây ra cú sập mạnh hơn 43 điểm trên thị trường ngày đầu tuần, biến phiên giao dịch 17/1 thành một ngày "thứ hai đen tối" nữa của chứng khoán Việt dưới áp lực bán tràn lan tại nhiều nhóm cổ phiếu, tâm điểm là nhóm chứng khoán và bất động sản. Chỉ số VN-Index ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong vòng 5 tháng, qua đó khép lại 10 phiên giao dịch đầu tiên của năm 2022 nhận mức giảm tổng cộng 45,44 điểm, tương ứng hơn 3% so với thời điểm kết thúc năm 2021.

Tuy nhiên, con số giảm 3% thậm chí còn là niềm "mơ ước" của không ít nhà đầu tư khi danh mục hiện tại có mức thua lỗ lên tới 2 chữ số phần trăm chỉ sau 1/2 tháng đầu năm của năm 2022. Cổ phiếu liên tục giảm sàn "trắng bên mua" trong nhiều phiên còn nhà đầu tư thì bất lực chỉ biết ngồi nhìn tài khoản "bốc hơi" qua từng ngày. Nhiều người đầu tư chứng khoán với mục đích kiếm tiền nhanh trong dịp cuối năm để có cái Tết ấm no đã ngã ngửa khi lời lãi không thấy, chỉ thấy mất ăn mất ngủ, mất tiền và mất Tết.

Thống kê đến hết phiên giao dịch 17/1/2022, toàn thị trường ghi nhận 95 cổ phiếu có mức giảm từ 20% trở lên so với thời điểm bắt đầu năm, tương ứng giá trị vốn hóa doanh nghiệp bị "thổi bay" tối thiểu 20% chỉ sau 10 phiên giao dịch. Trong đó quán quân là cổ phiếu IHK của Công ty cổ phần In Hàng không với mức giảm ghi nhận tới 62%. Giao dịch trên sàn UPCoM với biên độ dao động cho phép là +/- 15%, cổ phiếu IHK giảm sàn 4 phiên, còn lại đứng tại tham chiếu, thị giá lao từ vùng 47.000 đồng/cp xuống mức 17.600 đồng/cp. Tuy nhiên, thanh khoản cổ phiếu cũng không quá sôi động khi chỉ có vài nghìn đơn vị được khớp lệnh trong những phiên giảm sàn.


Danh sách cổ phiếu giảm mạnh sau hai tuần đầu tiên của năm 2022 còn có sự xuất hiện của các cổ phiếu "họ FLC". Sự cố Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bán chui cổ phiếu như chú thiên nga đen thay đổi tâm lý nhà đầu tư từ phấn khích sang hoang mang, các cổ phiếu này bị "chồng chất" bán giá sàn hàng chục triệu đơn vị trong mỗi phiên nhưng không thể khớp do mất thanh khoản.

Theo đó, giao dịch trên HNX, ART ghi nhận giảm 38% xuống còn 10.100 đồng/cp; KLF "bốc hơi" 21% xuống còn 6.400 đồng/cổ phiếu; ROS giảm 23% xuống còn 10.500 đồng/cổ phiếu. Trong khi trên sàn HoSE với biên độ hẹp hơn, FLC giảm 17% sau 10 phiên xuống 15.000 đồng/cổ phiếu, HAI giảm 12% xuống 6.910 đồng/cổ phiếu, còn AMD giảm 12% xuống 7.180 đồng/cp,…

Một số cổ phiếu họ Louis "dậy sóng" trong năm 2021 với đồ thị "hình cây thông" cũng phải chịu chung xu thế điều chỉnh mạnh của nhóm cổ phiếu đầu cơ do dòng tiền bị rút ra mạnh. Hiện thị giá TGG đã giảm 35%, DDV giảm 32%, SMT và BII đồng loạt giảm 30%, VKC giảm 24% trong khi AGM giảm 17% so với thời điểm đầu năm 2022.

Ngoài ra, dòng chứng khoán cũng ghi nhận nhiều nhịp chỉnh từ đầu năm đến nay, TCI giảm 25% sau 10 phiên giao dịch, APS giảm 26%, HBS đánh mất 25% giá trị, PSI giảm 24%, TVC giảm 23%.... Cổ đông chứng khoán thời gian qua không những không được hưởng niềm vui trong những phiên thị trường tăng điểm mà còn phải chịu những nỗi đau lớn nhất khi là nhóm ảnh hưởng tiêu cực nhất mỗi khi thị trường giảm điểm do nhiều cổ phiếu giảm mạnh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, thời gian qua, dòng tiền margin đã chảy vào các cổ phiếu đầu cơ, cổ phiếu bất động sản, cổ phiếu vừa và nhỏ rất lớn, tỷ lệ cho vay margin đã lên mức cao chưa từng có. Do đó, khi các cổ phiếu này giảm sàn " trắng bên mua", hiện tượng bán giải chấp tại các công ty chứng khoán sẽ xuất hiện, bao gồm cả việc bán những cổ phiếu khác để giữ tỷ lệ an toàn ở mức quy định.

Chính điều này khiến cổ phiếu bị liên lụy bị "bán oan" dù không tăng nóng trong thời gian vừa qua. Tổng hòa nhiều yếu tố này đã đẩy nhà đầu tư đến tình trạng thua lỗ nặng khi vấn đề quan tâm lúc nào không phải ở việc giá cổ phiếu giảm bao nhiêu mà là câu chuyện có thể bán ra cổ phiếu được không.

Trên thực tế, nhiều chuyên gia đã đưa ra những lời cảnh báo về cú chỉnh sâu của thị trường dịp Tết Âm Lịch cận kề, bởi lẽ là điều đã xảy ra thường xuyên trong quá khứ. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn bị cuốn theo những lời "phím hàng" trong các hội nhóm Facebook, Zalo, Telegram… với hứa hẹn x2, x3 tài khoản để "ăn Tết ngon" mà quên đi những rủi ro xảy đến bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán không phải là nơi dễ dàng bởi diễn biến bất ngờ sẽ luôn diễn ra vào thời điểm nhà đầu tư đang tự tin nhất.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

0 comments:

Đăng nhận xét