31 thg 12, 2021

Việt Nam 2021 - Những khoảnh khắc không bao giờ lãng quên

Những bức ảnh chân thực được các phóng viên, cộng tác viên báo Tuổi Trẻ lăn xả chụp tại những "điểm nóng" khắp mọi miền Tổ quốc, ở đó có những giọt nước mắt, nụ cười và cả tình người sâu lắng.

Đồ hoạ: NGỌC THÀNH

"Đại dịch COVID-19" có lẽ là từ khóa nóng bỏng nhất trong năm 2021. Đại dịch bùng phát khắp Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố phía Nam đã gây tác động tiêu cực và làm xáo trộn đến mọi mặt của đời sống.

Hơn 32.000 người mất vì COVID-19 và hơn 1,6 triệu người đã bị nhiễm bệnh, đó là những con số đau đớn mà tất cả chúng ta sẽ không bao giờ lãng quên.

Nhưng cũng chính trong đại dịch, tình yêu, sự sẻ chia, đoàn kết chưa bao giờ trở nên ấm áp và lan tỏa rộng lớn như vậy. Chính những cái nắm tay thật chặt đã giúp đất nước vượt qua những ngày tháng nguy nan và bắt đầu một nhịp sống "bình thường mới".

Xin gửi tới quý độc giả của Tuổi Trẻ Online những hình ảnh của Việt Nam - 2021 trong ngày cuối cùng của năm 2021.

Một chiến sĩ thuộc Bộ đội biên phòng Xín Cái, Mèo Vạc, Hà Giang đang trực chiến, tuần tra biên giới xuyên đêm dưới nhiệt độ dưới 0 độ C. Khi dịch COVID-19 bùng phát, lượng người vượt biên trái phép về Việt Nam tại các khu vực biên giới tăng cao khiến công tác phòng chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn - Ảnh: NAM TRẦN

Những ngày TP.HCM quy định “Ai ở đâu yên đó”, sau 18h, đường phố vắng tanh người dân lưu thông. Chỉ có lực lượng tham gia chống dịch được phép di chuyển trên đường. Trong ảnh: một chiếc xe cấp cứu chạy trên đường Nguyễn Tri Phương, quận 10, TP.HCM lúc 19h12 ngày 27-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhân viên y tế Bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) đưa một bệnh nhân tử vong vì COVID-19 đến kho bảo quản đông lạnh - Ảnh: DUYÊN PHAN

Lực lượng cấp cứu bằng taxi phối hợp nhân viên y tế thuộc Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM cấp cứu một phụ nữ F0 đang sinh sống tại huyện Nhà Bè - TP.HCM đến bệnh viện điều trị - Ảnh: TỰ TRUNG

Một bé gái sinh sống tại ngõ 328 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) thuộc nhóm F1 chuẩn bị lên xe để đi cách ly tập trung vào tối 1-9. Khu vực ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi là "ổ dịch" lớn nhất tại Hà Nội, tại đây đã phát hiện 375 trường hợp F0 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Một người đàn ông đang cõng người thân đi tiêm vắc xin tại Cung văn hóa Việt Xô (Hà Nội), ảnh chụp ngày 12-9. Chiến dịch tiêm vắc xin ngừa COVID-19 vào tháng 9-2021 được tiến hành trên quy mô rộng khắp Hà Nội nhằm hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh với sức khỏe người dân - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Hàng ngàn người dân tiêm vắc xin tại Nhà thi đấu Phú Thọ, quận 11, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn biểu diễn ca khúc "Quê hương" dành tặng cho các bác sĩ và bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện dã chiến - Ảnh: NGÔ TRẦN HẢI AN

Anh Huỳnh Quang Nhật Long - 45 tuổi, Q.Tân Phú, TP.HCM - rong ruổi trên khắp các tuyến đường, vào tận những hẻm cách ly ở TP.HCM để giao oxy cho những bệnh nhân nhiễm COVID-19 đang nguy kịch - Ảnh: DUYÊN PHAN

Thực hiện chỉ đạo giãn cách xã hội của thành phố Hà Nội, một hàng rào thép gai được dựng lên ngăn cách giữa hai phường Hàng Đào và Hàng Bồ (quận Hoàn Kiếm) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Cuối tháng 7-2021, Binh chủng Hóa học (Bộ Quốc phòng) và Bộ Tư lệnh thủ đô đã tiến hành phun khử khuẩn diện rộng trên nhiều tuyến phố Hà Nội. Đến ngày 2-8, Bộ Y tế đã có công văn gửi các tỉnh thành yêu cầu không phun hóa chất khử khuẩn diệt COVID-19 ngoài trời, vào người, chỉ phun diện hẹp khi xử lý môi trường khu vực có bệnh nhân - Ảnh: NAM TRẦN

Trong tình hình giãn cách của TP Hà Nội, hàng trăm tấm biển quảng cáo tự chế ghi tên cửa hàng, số điện thoại, mặt hàng đã được treo trước cổng khu chợ Hàng Bè, Hoàn Kiếm để người dân “alo là có hàng”, nhằm hạn chế tiếp xúc - Ảnh: NAM TRẦN

Bác sĩ Trần Thanh Linh - trưởng khoa hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy - với những vết hằn in trên da do việc sử dụng khẩu trang y tế nhiều giờ. Bác sĩ Linh là một trong những bác sĩ tuyến đầu chống dịch, luôn có mặt tại các điểm nóng nhất của dịch COVID-19 - Ảnh: NGÔ TRẦN HẢI AN

Bác sĩ Quỳnh - Bệnh viện Nhân dân Gia Định - đang động viên một bệnh nhân lớn tuổi điều trị tại khoa cấp cứu Bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Một chiếc hộp giấy chứa tro cốt của một người mới mất vì COVID-19 đang được vận chuyển để bàn giao về gia đình - Ảnh: LÊ PHAN

Một người phụ nữ quỳ xuống khi nhìn thấy tro cốt của mẹ mình được các chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh TP.HCM vận chuyển về gia đình. Tro cốt của các nạn nhân tử vong vì COVID-19 được hỏa táng tại Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP.HCM) sau đó được tập trung tại nhà tang lễ TP.HCM (quận Bình Tân) và vận chuyển tới các gia đình - Ảnh: THANH MINH

Một chiến sĩ đang ôm những khay trứng để hỗ trợ cho những người dân tại một khu dân cư đang bị phong tỏa vì COVID-19 tại TP.HCM. Trong những thời điểm dịch bệnh căng thẳng nhất, lực lượng quân đội đã được huy động để đảm bảo an ninh trật tự cũng như vận chuyển lương thực, thực phẩm giúp người dân - Ảnh: NGÔ TRẦN HẢI AN

Khoảnh khắc các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) phẫu thuật lấy em bé khỏi bụng mẹ thành công, mẹ của bé là một bệnh nhân nhiễm COVID-19, sau ca phẫu thuật, sức khỏe của cả hai mẹ con đều ổn định - Ảnh: TỰ TRUNG

Ngày 20-10, TP.HCM tổ chức thí điểm cho học sinh tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ đi học trực tiếp trở lại trường sau thời gian dài phải học online. Trong ảnh là niềm háo hức của học sinh lớp 1 tại Trường tiểu học Thạnh An khi được đi học tại lớp - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Những đứa trẻ sống tại một xóm lao động thuộc quận 12 gửi lời cảm ơn tới một nhóm thiện nguyện sau khi nhận được thực phẩm hỗ trợ. Trong thời gian TP.HCM giãn cách xã hội, người dân không được ra đường nên việc mua lượng thực, thực phẩm của người dân gặp rất nhiều khó khăn - Ảnh: NGÔ TRẦN HẢI AN

Bức ảnh được chụp vào sáng sớm ngày 30-9, khi người Đà Nẵng được phép tắm biển trở lại sau một thời gian dài giãn cách xã hội toàn thành phố - ẢNH: TẤN LỰC

Xa lộ Hà Nội, TP Thủ Đức, TP.HCM vắng tanh phương tiện di chuyển trên đường lúc 18h39 ngày 28-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Vào tháng 7, giữa tình hình dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng ở nước ta, 2 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 do Mỹ tặng đã được vận chuyển về sân bay Nội Bài, Hà Nội thông qua cơ chế COVAX - Ảnh: NAM TRẦN

Bà Huỳnh Thị Phê - 74 tuổi, quê Phú Yên - bước đến cửa xe để lên chuyến xe 0 đồng về quê, bật khóc vì xúc động - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Một gia đình đi xe máy đội mưa hồi hương từ TP.HCM về quê nhà tại tỉnh Thừa Thiên Huế, khi đi qua khu vực đèo Hải Vân (Đà Nẵng) phải dừng xe vì mưa quá lớn. Dịch COVID-19 lan rộng khiến đường hàng không bị tê liệt, nhiều người dân chỉ còn cách đi xe máy để trở về nhà - Ảnh: TẤN LỰC

Giữa tháng 12-2021, gần 5.000 xe container chở nông sản nằm la liệt, ùn ứ tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn đã gần 1 tháng. Các chủ hàng bị thiệt hại lớn về kinh tế khi mỗi ngày phải mất số tiền lớn cho bến bãi, sinh hoạt và đối diện việc hàng hóa hư hỏng. Theo phía Trung Quốc, việc đột ngột thắt chặt việc thông quan một phần do tối 17-12, một tài xế Việt Nam được phát hiện có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 - Ảnh: NAM TRẦN

Một khu dân cư nằm bên đường Võ Chí Công (Hà Nội), ảnh chụp tối 6-11 khi số ca mắc COVID-19 vượt qua con số 1.000 ca/ngày - Ảnh: ĐỒNG HIẾU

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tại buổi họp báo kết thúc chuyến công tác hai ngày tại Việt Nam. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát mạnh mẽ tại Việt Nam. Trong chuyến thăm này, 6 triệu liều vắc xin đã được Mỹ gửi tặng Việt Nam và 1 triệu liều Pfizer đã đến TP.HCM và Hà Nội ngay trong những ngày bà có mặt tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nữ Phó tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ còn khẳng định: 'Hy vọng chuyến thăm sẽ mở ra chương mới cho quan hệ Việt - Mỹ' - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Danh sách hơn 500 nhà báo đã hy sinh khi tác nghiệp xuyên suốt cả hai cuộc kháng chiến, cùng với nhiều hiện vật có giá trị được trưng bày tại chuyên đề “Một đội ngũ cách mạng, một sứ mệnh vẻ vang” khai mạc ngày 23-12, diễn ra trong 2 tuần tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Ảnh: MINH LINH

Nguồn TTO

0 comments:

Đăng nhận xét