21 thg 12, 2021

Số lượng xe hàng nông sản ùn tắc ở biên giới lên 6.200

Theo ông Âu Anh Tuấn, cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan), tính đến ngày 21-12, tổng số xe hàng nông sản gồm thanh long, dưa hấu, mít... xuất sang Trung Quốc đang nằm tại chờ các cửa khẩu phía Bắc lên tới 6.198.

Theo Tổng cục Hải quan, nhiều xe hàng nông sản đã nằm chờ khoảng 20 ngày qua ở cửa khẩu để xuất sang Trung Quốc (ảnh cửa khẩu Tân Thanh) - Ảnh: NAM TRẦN

Chiều 21-12, thông tin đến báo giới tại cuộc họp báo về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía Bắc do Tổng cục Hải quan tổ chức, ông Âu Anh Tuấn cho biết trong 1 tháng trở lại đây, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc xuất hiện tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại khu vực cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh… 

Tính đến ngày 21-12, số xe hàng tồn chờ xuất khẩu sang Trung Quốc lên đến 6.198 xe.


Do Trung Quốc thực hiện chính sách zero COVID

Nguyên nhân gây nên ùn tắc, ông Tuấn cho rằng do Trung Quốc tiếp tục áp dụng chính sách zero COVID nên các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 siết rất chặt.

Đặc biệt có địa phương cơ quan chức năng phía Trung Quốc tăng cường biện pháp chống dịch ở mức cao hơn, như tại cặp cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài và cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan, lái xe chuyên trách chở hàng xe sang phía Trung Quốc giao và phải đi về trong ngày. Lái xe không được xuống xe và phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin, thực hiện xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp PCR định kỳ 3 ngày/lần…

Mặt khác, theo ông Trần Quang Trung - phó cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh - chính quyền thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) vừa thông báo tạm dừng làm thủ tục thông quan cho người, hàng hóa qua cửa khẩu Đông Hưng từ ngày 21-12. Thời gian thông quan cụ thể sẽ thông báo sau.

Chính vì vậy, theo đại diện Tổng cục Hải quan, lượng hàng thông quan sang Trung Quốc tại một số cửa khẩu chỉ đạt 25-30% so với điều kiện bình thường.


Nguy cơ hàng tồn ngày càng tăng

Ông Vy Công Tường - phó cục trưởng cục Hải quan Lạng Sơn - cho rằng lượng thông quan chỉ 100 xe/ ngày. Hiện cặp cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài và Chi Ma - Ái Điểm đang bị phía Trung Quốc tạm dừng thông quan mà chưa biết bao giờ mới được mở lại. Do đó, việc giải quyết hơn 4.000 xe hàng nông sản đang tồn ở cửa khẩu Lạng Sơn sẽ mất phải rất nhiều thời gian.

"Trường hợp hàng hóa vẫn được doanh nghiệp, chủ hàng tiếp tục đưa lên, tình trạng ùn tắc sẽ ngày càng căng thẳng. Trung Quốc đưa ra thông báo dự kiến tạm dừng nhập khẩu trước và sau Tết nguyên đán 14 ngày đối với xe lạnh để chuẩn bị các công việc trước và sau Tết càng gây áp lực cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa lên cửa khẩu để kịp xuất khẩu trước thời gian trên", ông Âu Anh Tuấn thông tin.


Giải pháp căn cơ là kiểm soát dịch bệnh

Để tháo gỡ khó khăn cho chủ hàng và doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc, Theo ông Vy Công Tường, qua trao đổi, chính quyền Bằng Tường (Trung Quốc) luôn đề nghị Việt Nam ngăn chặn dịch bệnh thì Trung Quốc mới nới lỏng các biện pháp kiểm soát đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, chúng ta cần sớm có giải pháp căn cơ ngăn chặn dịch bệnh thì tình trạng tồn ứ hàng xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc mới được xử lý.  

Để kịp thời có giải pháp đồng bộ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, ông Âu Anh Tuấn đề nghị Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao đàm phán, kiến nghị với các bộ, ngành và chính quyền địa phương phía Trung Quốc tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu.

Các Hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam và Sở Công thương các địa phương cần thông báo về việc phía Trung Quốc thực hiện lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cả trên bao bì chứa hàng hóa và đề nghị các doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ từ khâu thu hoạch, phân loại, đóng gói, bốc xếp, đảm bảo không có virus SARS-CoV-2. Đồng thời, chỉ vận chuyển hàng hóa lên cửa khẩu khi đã ký hợp đồng mua bán với đối tác Trung Quốc.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán, thống nhất với cơ quan chức năng phía Trung Quốc để thống nhất thủ tục kiểm dịch đối với hàng hóa nông lâm, thủy sản, hoa quả tươi trong giai đoạn 2 nước đẩy mạnh phòng dịch COVID-19, không để tình trạng đóng cửa khẩu hoặc tạm dừng nhập khẩu nông sản, hoa quả như thời gian qua.

Nắm bắt tình hình liên quan chính sách quản lý tăng cường, chặt chẽ đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản được sản xuất từ phía Việt Nam của phía Trung Quốc để có hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam phù hợp.

Bộ Ngoại giao cần đàm phán, trao đổi với cơ quan chức năng phía Trung Quốc, đảm bảo việc thực hiện theo đúng Hiệp định thương mại biên giới giữa 2 nước đã ký kết để hoạt động thương mại biên giới phát triển lành mạnh, liên tục và ổn định. Trường hợp khi có thay đổi về chính sách đối với hàng hóa xuất nhập khẩu cần thông báo ít nhất 10 ngày trước khi áp dụng để phía Việt  Nam có thời gian chuẩn bị.    

Ngoài ra, theo ông Âu AnhTuấn lo ngại hiện tồn khoảng 3.500 xe hàng là nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất công nghiệp đang nằm phía Trung Quốc chưa được nhập về Việt Nam. Nếu không có giải pháp tháo gỡ kịp thời, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kin doanh của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong nước.

Nguồn TTO

0 comments:

Đăng nhận xét