25 thg 8, 2021

Chứng khoán châu Á ‘mịt mù’ vì biến thể Delta

Giới đầu tư có xu hướng tránh xa thị trường chứng khoán châu Á trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 với biến thể Delta tăng mạnh và Mỹ có khả năng siết chính sách tiền tệ.


Thị trường chứng khoán châu Á đang kém hơn hẳn so với phần còn lại của thế giới trong quý III năm nay do giới đầu tư toàn cầu bắt đầu rút vốn mạnh khi tình hình dịch Covid-19 trở nên tồi tệ và các lệnh phong tỏa mới được áp dụng.

Các nhà quản lý quỹ và chiến lược gia cho biết triển vọng cho phần còn lại của năm 2021 phụ thuộc vào tiến độ tiêm vaccine. Tuy nhiên, châu Á có thể vẫn sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút dòng vốn khi Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ và Trung Quốc tiếp tục siết quy định với các công ty lớn.

Chỉ số Nikkei Stock Average của Nhật Bản giảm hơn 6% kể từ cuối tháng 6 và xuống thấp nhất kể từ đầu năm nay vào tuần trước. Kospi của Hàn Quốc giảm 7% và PSE của Philippines giảm gần 4%. MSCI All Country Asia giảm hơn 8% sau khi nhiều thị trường bị bán tháo mạnh vào tuần trước.

Trong khi đó, MSCI USA và MSCI Euro vẫn nằm trong vùng tích cực trong quý III.

“Đại dịch Covid-19 là nguyên nhân khiến dòng vốn đầu tư đang chảy ra khỏi châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á do tỷ lệ người được tiêm vaccine ở đây khá thấp”, ông Kota Hirayama, chuyên gia kinh tế cấp cao về thị trường mới nổi ở SMBC Nikko Securities, cho biết.

Chứng khoán châu Á giảm vì số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh. Ảnh: Nikkei Asia.

Chính phủ các quốc gia đang gấp rút tiêm vaccine cho người dân, đồng thời phản ứng tức thì trước sự lây lan nhanh chóng của biến thể delta bằng cách áp dụng lệnh phong tỏa hoặc ban bố tình trạng khẩn cấp. Tất nhiên, cả hai biện pháp này đều mang lại những hậu quả tiềm tàng với các nền kinh tế.

Nhật Bản, quốc gia ghi nhận số ca nhiễm hàng ngày cao kỷ lục vào tuần trước, đã gia hạn tình trạng khẩn cấp với Tokyo và 5 khu vực khác tới tận tháng 9, đồng thời ban bố tình trạng này với 7 tỉnh khác. Đây là lần gia hạn thứ hai đối với Tokyo kể từ ngày 12/7. Theo đó, Mizuho Securities nâng ước tính thiệt hại kinh tế của đại dịch Covid-19 với kinh tế Nhật Bản lên khoảng 1.000 tỷ yên (9,1 tỷ USD).

Trung Quốc cũng đang trải qua đợt bùng phát dịch lớn nhất kể từ tháng 1. Bắc Kinh đã phân loại hơn chục khu vực có nguy cơ cao và hạn chế việc đi lại giữa các tỉnh, đồng thời áp dụng biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt và kiểm tra hàng loạt bất cứ khi nào dịch bùng phát. Doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp trong tháng 7 thấp hơn dự kiến, khiến nhà đầu tư lo ngại không chỉ về nền kinh tế Trung Quốc mà còn về triển vọng của các nền kinh tế liên kết trong toàn khu vực.

Masamitsu Ohki, giám đốc danh mục đầu tư tại Fivestar Asset Management, cho hay nhận định của ông về triển vọng thị trường châu Á đã thay đổi so với đầu năm. “Thị trường chứng khoán châu Á đang bị lấn át bởi các yếu tố tiêu cực như sự tái bùng phát của dịch Covid-19 và sự đàn áp của Trung Quốc với các công ty lớn. Kể từ khoảng tháng 6, đã có nhiều yếu tố rủi ro khiến giao dịch chứng khoán trở nên căng thẳng”.

Các nhà đầu tư đang rút lui khỏi thị trường tiền tệ cũng như cổ phiếu. Ngày 10/8, đồng baht của Thái Lan xuống thấp nhất 3 năm so với USD. Với số ca Covid-19 hàng ngày tăng gấp 4 lần kể từ cuối tháng 6, triển vọng của ngành du lịch Thái Lan có vẻ ảm đạm, ảnh hưởng xấu đến tài khoản vãng lai của quốc gia này. Chính phủ Thái Lan đã gia hạn lệnh phong tỏa và giới nghiêm ban đêm cho tới tận cuối tháng này bất chấp kế hoạch của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha nhằm mở cửa lại đất nước cho du khách nước ngoài đã tiêm vaccine vào tháng 10.

Không riêng chứng khoán, thị trường tiền tệ châu Á cũng giảm vì dịch bệnh. Ảnh: AP.

Các nhà quản lý quỹ vĩ mô từng đổ mạnh vốn vào Thái Lan mà không phòng ngừa những rủi ro liên quan tới tiền tệ. Khi đó, họ kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ việc giá cổ phiếu tăng hai lần và đồng baht tăng giá. Tuy nhiên, thay vào đó, họ lại chịu đòn kép bởi thị trường chứng khoán giảm và baht mất giá.

“Những đợt bùng phát dịch Covid-19 đã làm xáo trộn chiến lược của các quỹ này”, một chiến lược gia tại một quỹ đầu tư của Thái Lan cho hay.

Việc các quỹ ồ ạt giảm vị thế đã góp phần khiến chỉ số SET của Thái Lan giảm khoảng 2% kể từ cuối tháng 6.

Hiện chỉ khoảng 8% dân số Thái Lan được tiêm hai mũi vaccine.

Tại Hàn Quốc, đồng won cũng giảm giá so với USD, xuống thấp nhất gần một năm. Đồng peso của Philippines giảm gần 5% trong hai tháng qua. Chính phủ Philippines đã áp dụng lệnh phong tỏa kể từ đầu tháng này, đồng thời gia hạn lệnh cấm đối với du khách từ 10 quốc gia, bao gồm Ấn Độ, khiến dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 bị hạ từ 6 – 7% xuống còn 4 – 5%. Tỷ lệ tiêm vaccine của quốc gia này hiện cũng chỉ đạt khoảng 12%.

Hầu hết chiến lược gia đều không cho rằng thị trường chứng khoán sẽ rơi vào đợt điều chỉnh quy mô lớn. Thay vào đó, họ cho rằng chứng khoán châu Á sẽ bước vào một giai đoạn ảm đạm bởi giới đầu tư đang theo dõi tỷ lệ tiêm chủng, ca nhiễm cũng như số ca nhập viện. Đây là những chỉ số mà các chính phủ đang theo dõi sát sao để từ đó đưa ra quyết định về việc nới lỏng phong tỏa.

“Thị trường chứng khoán châu Á có thể tiếp tục trầm lắng hoặc đi ngang”, Frank Benzimra, trưởng phòng chiến lược chứng khoán châu Á tại Societe Generale, nhận định.

Trong khi đó, ông Hirayama của SMBC lưu ý rằng sự gia tăng trong ca nhiễm Covid-19 ở nhiều quốc gia châu Á diễn ra vào cùng thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu đánh tín hiệu thay đổi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.

Tháng 6, Fed cho biết các quan chức kỳ vọng sẽ có đợt tăng lãi suất đầu tiên hậu Covid-19 vào năm 2023, sớm hơn dự báo ban đầu. Cơ quan này cũng bắt đầu xem xét giảm mua quy mô chương trình mua trái phiếu. Khả năng Mỹ siết chính sách tiền tệ đẩy đồng USD lên cao nhất kể từ đầu năm nay, kích thích dòng vốn lớn tháo chạy khỏi các nền kinh tế mới nổi để trở về Mỹ, đồng thời làm tăng gánh nặng nợ của châu Á.

“Những lo ngại liên quan tới việc Mỹ siết chính sách tiền tệ cùng với diễn biến dịch Covid-19 khiến nhà đầu tư giảm tiếp xúc với các thị trường mới nổi ở châu Á”, ông Hirayama nói.

Làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới ở châu Á. Ảnh: Nikkei Asia.

Các chỉ số chứng khoán lớn của Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) cũng bị ảnh hưởng bởi thứ mà Jonathan Garner, giám đốc chiến lược thị trường mới nổi và châu Á của Morgan Stanley, gọi là làn sóng thiết lập lại quy định, hay nói cách khác là sự đàn áp của chính phủ đối với các doanh nghiệp lớn liên quan tới vấn đề bảo mật dữ liệu và độc quyền của lĩnh vực công nghệ cũng như quy định mới của lĩnh vực gia sư.

Chỉ số CSI 300, theo dõi giá cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn nhất ở Thượng Hải và Thâm Quyến, giảm gần 9% kể từ cuối tháng 6, trong khi Hang Seng giảm gần 14%.

Với hầu hết thị trường còn lại của châu Á, tâm lý thị trường phụ thuộc chủ yếu vào diễn biến đại dịch Covid-19.

Sau khi phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ hai suốt tháng 4 và 5, số ca nhiễm và nhập viện ở Ấn Độ bắt đầu giảm mạnh và thị trường chứng khoán nước này theo đó phục hồi nhanh chóng. Chỉ số Sensex đã tăng 5% kể từ cuối tháng 6 và Nifty 50 chạm kỷ lục. Thị trường chững khoán ở Indonesia, nơi số ca nhiễm cũng bắt đầu giảm từ tháng trước, cũng đi ngang tính tới thời điểm hiện tại của quý III.

Theo ông Garner, sớm nhất là phải tới cuối quý IV, châu Á mới thoát khỏi chu kỳ này.

Nguồn NDH


0 comments:

Đăng nhận xét