16 thg 8, 2021

Bình Dương vẫn 'nóng' 2.358 ca COVID-19 mới, trung tâm hồi sức lớn nhất ĐBSCL hoạt động

Trung tâm hồi sức cho bệnh nhân COVID-19 lớn nhất tại khu vực ĐBSCL vừa đi vào hoạt động từ 15-8 tại Cần Thơ và bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân từ hôm nay 16-8. Với quy mô 200 giường, trung tâm sẽ tiếp nhận các bệnh nhân nặng tại khu vực ĐBSCL.

Trung tâm hồi sức dành cho bệnh nhân COVID-19 nặng tại khu vực ĐBSCL sẽ đón bệnh nhân từ hôm nay, 16-8 - Ảnh: Bộ Y tế

Từ hôm nay 16-8, Trung tâm hồi sức kỹ thuật cao lớn nhất khu vực ĐBSCL đặt tại thành phố Cần Thơ bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân. Đây là 1 trong 12 trung tâm hồi sức được Bộ Y tế thành lập trong cả nước, tiếp nhận điều trị các ca nhiễm COVID-19 nguy kịch.

Bác sĩ Nguyễn Minh Nghiêm, phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, cho biết trung tâm có quy mô 200 giường, được trang bị hệ thống oxy khí nén và các trang thiết bị như máy thở, máy theo dõi bệnh nhân, cùng lực lượng nhân lực đã được đào tạo về hồi sức tích cực, sẽ hỗ trợ điều trị ca bệnh nặng cho Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL.

Cùng ngày, 110 y bác sĩ của 2 bệnh viện Mắt trung ương và Huyết học truyền máu trung ương đã có mặt tại TP.HCM, chi viện cho Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP.HCM do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách và Trung tâm hồi sức bệnh nhân COVID-19 Bệnh viện Bạch Mai phụ trách.

Ngày 15-8 ghi nhận 9.580 ca nhiễm mới, nâng số mắc từ đầu vụ dịch đến nay lên 275.044 ca nhiễm, ở vị trí 78/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 271.037 ca, trong đó có 99.730 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Đồng Nai có thể có thêm 9.000 - 18.000 ca bệnh COVID-19

UBND tỉnh Đồng Nai vừa chỉ đạo từ ngày 16 đến 31-8 thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cho khoảng 2,1 triệu dân toàn tỉnh. Trong đó, 100% người dân tại vùng nguy cơ rất cao, nguy cơ cao phải được lấy mẫu xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2.

Ngành y tế cho hay dự kiến sau 3 đợt sàng lọc tại cộng đồng sẽ có từ 9.000 - 18.000 người được phát hiện nhiễm COVID-19. Ngành y tế đã yêu cầu các bệnh viện chuẩn bị các "kịch bản" để tiếp nhận, điều trị cụ thể những trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 theo các tầng của tháp điều trị.

Trong ngày 15-8, Bình Dương có thêm 2.358 ca COVID-19 mới, nâng tổng ca mắc đã lên tới 43.979 ca, trong đó có 361 ca tử vong (có xác nhận dương tính bằng PCR). Bình Dương cùng với TP.HCM tiếp tục là hai điểm nóng nhất cả nước về COVID-19.

Bình Dương tiếp tục mở rộng lấy mẫu để bóc tách F0 trong cộng đồng. Tổng cộng tới nay đã có gần 2,1 triệu lượt người được lẫy mẫu.

Riêng đợt lấy mẫu lần hai từ ngày 2-8 tới nay cho 257.000 người, phát hiện trên 8.000 trường hợp dương tính. Tại các khu công nghiệp, kết quả lấy mẫu tại 70 công ty có 133 người dương tính.


TP.HCM tiếp tục giãn cách theo chỉ thị 16

Tuy nhiên, cho phép thêm các nhóm dịch vụ được hoạt động: cơ sở sản xuất thực phẩm (như bánh mì, tàu hủ, bún, hủ tiếu...); tổ chức hành nghề công chứng; công ty cung cấp dịch vụ: bảo vệ; bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư;

Bảo hiểm (chỉ thực hiện các hoạt động liên quan công tác giám định, lập hồ sơ bồi thường và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng); phòng bán vé máy bay; phòng khám tư nhân.

Nhóm đối tượng được lưu thông để vận chuyển hàng hóa thiết yếu: người giao hàng (shipper) có quản lý ứng dụng công nghệ, vận chuyển hàng hóa thiết yếu liên quận, huyện, thành phố Thủ Đức và phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch, giao nhận thanh toán không tiếp xúc và có các đặc điểm nhận diện.

Đối với khung giờ từ 18h đến 6h, TP yêu cầu mọi người dân hạn chế tối đa ra đường, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải tiếp tục tạm ngưng hoạt động, trừ trường hợp được phép.

Nguồn TTO

    

0 comments:

Đăng nhận xét