27 thg 7, 2021

Vì sao COVID-19 ở Thái Lan liên tục tăng?

Ngày 26-7, Bộ Y tế Thái Lan cho biết nước này vừa ghi nhận kỷ lục mới về số ca nhiễm trong 24 giờ với 15.376 ca, nâng tổng số ca nhiễm vượt mốc nửa triệu. Ca bệnh tăng cao gây áp lực lớn lên hệ thống y tế xứ chùa vàng.

Tình nguyện viên của Zendai đến kiểm tra nồng độ oxy trong máu của một phụ nữ đang cách ly tại nhà ở ngoại ô Bangkok (Thái Lan) vào ngày 26-7 - Ảnh: AFP

Thái Lan từng kiểm soát dịch bệnh thành công cho đến 1-4-2021, ngày bắt đầu làn sóng thứ 3 gây hậu quả tàn khốc. Để so sánh, tính đến 26-7, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 512.678 ca nhiễm và 4.146 ca tử vong, riêng làn sóng thứ 3 chiếm tới 94% tổng ca nhiễm (483.815) và 98% tổng số tử vong (4.052 ca).

Đường cong dốc lên

Thái Lan hiện là vùng dịch lớn thứ 4 tại khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia (3,1 triệu ca), Philippines (1,5 triệu ca) và Malaysia (1 triệu ca).

Như vậy, rõ ràng làn sóng dịch thứ 3 ở Thái Lan đang ngày càng nghiêm trọng và chưa kiểm soát được. Bà Apisamai Srirangson - người phát ngôn Trung tâm Quản lý tình hình COVID-19 của Thái Lan (CCSA) - cho biết hiện nay số bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị vẫn còn khá cao so với số người được xuất viện.

Cuối tuần trước, ông Taweesap Siraprapasiri - quan chức cấp cao tại Cục Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan (DDC) - đánh giá số ca nhiễm mới ở Thái Lan hiện nay đang trên một đường cong dốc lên, tăng gấp đôi hoặc gấp ba hằng tuần.

Tại thủ đô Bangkok, số ca nhiễm mới vẫn còn cao nhưng mức tăng đã bắt đầu ít lại. Theo ông Taweesap Siraprapasiri, điều này dường như là nhờ các biện pháp khắt khe được áp dụng để kiểm soát dịch. Trong khi đó, số ca nhiễm ở các tỉnh thành khác lại tăng mạnh.

Dù số ca nhiễm ở Thái Lan đang tăng với mức kỷ lục, báo Bangkok Post hôm 25-7 đưa tin ông Chakkarat Pittayawonganont - một quan chức cấp cao khác tại DDC - vẫn bày tỏ lạc quan rằng với chiến dịch tiêm chủng đang diễn ra cùng các biện pháp quyết liệt như lệnh giới nghiêm ban đêm, tình hình sẽ cải thiện trong 4 tới 6 tuần nữa.


Cần sự hợp tác của người dân

Tuần trước, ông Richard Brown - giám đốc chương trình các tình trạng khẩn cấp y tế tại văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Thái Lan - đánh giá phản ứng của Chính phủ Thái Lan với các biến thể virus mới là "thiếu thận trọng" và điều này góp phần làm số ca nhiễm tăng vọt trên khắp Thái Lan.

Ông Richard Brown khen ngợi phản ứng lúc đầu của Thái Lan với làn sóng dịch đầu tiên năm ngoái. Tuy nhiên, ông cho rằng giờ đây Thái Lan đã "đưa ra những quyết định sai lầm khi bản chất của mối đe dọa thay đổi", theo báo Bangkok Post.

"Tôi cho rằng lý do chính gây ra các vấn đề của Thái Lan là sự xuất hiện những biến thể mới" - ông Richard Brown chỉ ra. Đại diện của WHO tại Thái Lan cho rằng công chúng có "trách nhiệm to lớn" trong việc áp dụng các biện pháp cơ bản để ngăn lây nhiễm. "Nếu mọi người làm được điều này, chúng ta sẽ có thể phá vỡ chuỗi lây truyền" - ông Richard Brown giải thích.

Giám đốc Viện Vắc xin quốc gia của Thái Lan (NVI) - bác sĩ Nakorn Premsri - cũng nhắc lại các biện pháp áp dụng trong làn sóng dịch đầu tiên ở Thái Lan năm ngoái đã thành công nhờ vào sự hợp tác từ nhiều bên, đặc biệt là chính phủ và người dân.

"Dù biện pháp có tốt như thế nào đi nữa nhưng nếu không có sự hợp tác của công chúng thì chúng ta có thể đối mặt với mức độ lây nhiễm thậm chí nghiêm trọng hơn, giống như những gì đã xảy ra ở các nước khác" - bác sĩ Nakorn Premsri phân tích.

Bác sĩ Nakorn Premsri nêu giải pháp cần đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin. "Lúc này, cách tốt nhất mà chúng ta có thể làm là tập trung tiêm vắc xin cho những người trong các nhóm dễ bị tổn thương, để giảm bớt số tử vong và cũng giúp làm giảm áp lực lên các dịch vụ y tế vốn đã quá căng thẳng" - bác sĩ Premsri nói.

Theo trang TAT News của Tổng cục Du lịch Thái Lan, tính đến giữa ngày 26-7, Thái Lan đã phân phối tổng cộng 15,9 triệu liều vắc xin COVID-19. Có 12,3 triệu người đã tiêm ít nhất 1 liều vắc xin và 3,6 triệu người đã tiêm đủ 2 liều. Dân số Thái Lan là hơn 69 triệu người.


Tình nguyện viên "chia lửa" với chính quyền

Theo Hãng tin AP, trong bối cảnh bệnh viện quá tải khiến số bệnh nhân COVID-19 bị bỏ lại ở phía sau tăng mạnh, nhiều tổ chức tình nguyện ở Thái Lan nhanh chóng được lập ra để "chia lửa" với chính phủ.

Tại Bangkok, các tổ chức như vậy lập quy trình sàng lọc bệnh nhân và mạng lưới cứu trợ riêng. Họ chủ động tiếp nhận và vận chuyển bệnh nhân đến các trung tâm xét nghiệm COVID-19 hoặc bệnh viện dã chiến.

Ông Chris Potranandana, đồng sáng lập tổ chức Zendai (sợi chỉ) - nơi giúp đỡ gần 13.000 bệnh nhân kể từ lúc thành lập hồi tháng 4-2021, chia sẻ: "Chúng tôi hoạt động như sợi dây liên kết, nhanh chóng hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 tiếp cận dịch vụ y tế. Zendai không muốn bất cứ bệnh nhân nào bị tước đi cơ hội được sống chỉ vì chưa thể liên lạc với bệnh viện".

Zendai và nhiều tổ chức tình nguyện khác đang kết hợp với chính quyền các cấp xây dựng thêm bệnh viện dã chiến và nhà tạm trú cộng đồng, chuẩn bị cho kịch bản xấu hơn.

Nguồn TTO

0 comments:

Đăng nhận xét