11 thg 7, 2021

10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Nhóm bất động sản và chứng khoán lao dốc

Thị trường chứng khoán điều chỉnh khá mạnh trong tuần từ 5-9/7 với đà giảm lan rộng nhiều nhóm ngành cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu bất động sản và chứng khoán ghi nhận nhiều mã giảm sâu. Chỉ có 4 cổ phiếu trong top 30 vốn hóa giữ được sắc xanh là MWG, VIB, TCB và MSN.

Có thể bạn quan tâm: Làn sóng Covid-19 mới ở châu Á


Kết thúc tuần giao dịch từ 5-9/7, VN-Index đứng ở mức 1.347,14 điểm, tương ứng giảm 73,13 điểm (-5,15%) so với tuần trước đó. HNX-Index giảm 21,28 điểm (-6,5%) xuống 306,73 điểm. UPCoM-Index giảm 3,56 điểm (-3,93%) xuống 87,08 điểm.

Đa số các nhóm ngành cổ phiếu đều giảm giá trong tuần giao dịch vừa qua. Trong top 30 mã vốn hóa lớn thì có đến 26 mã giảm giá. Trong đó, NVL của Novaland là cái tên giảm mạnh nhất với 13% từ 119.000 đồng/cp xuống còn 103.500 đồng/cp. Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) thông báo 385,9 triệu cổ phiếu NVL sẽ được niêm yết bổ sung vào ngày 12/7, chính thức giao dịch ngày 16/7. Đây là lượng cổ phiếu Novaland phát hành để thưởng cho cổ đông hiện hữu từ vốn chủ sở hữu. Số lượng chứng khoán sau khi thay đổi niêm yết của doanh nghiệp tăng lên 1,47 tỷ cổ phiếu, tỷ lệ tăng 35,68%.

Tiếp sau đó, cổ phiếu GVR của Tập đoàn CN Cao su VN (HoSE: GVR) cũng giảm 12,7% chỉ sau một tuần giao dịch. Bên cạnh đó, VRE của Vincom Retail (HoSE: VRE) và BVH của Tập đoàn Bảo Việt (HoSE: BVH) đều giảm trên 10%. "Ông lớn" ngành thép là HPG của Hòa Phát (HoSE: HPG) giảm 9,6%. Theo công bố mới đây, sản lượng bán hàng các sản phẩm thép của Hòa Phát đạt 569.000 tấn, giảm 18% so với tháng trước. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp sản lượng Hòa Phát sụt giảm.

Cả 3 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường là VCB của Vietconbank (HoSE: VCB), VHM của Vinhomes (HoSE: VHM) và VIC của Vingroup (HoSE: VIC) đều giảm giá và tác động đáng kể khiến VN-Index đi xuống. Trong đó, VCB mất 4,4%, VHM giảm 4,7% còn VIC giảm 7,6%.

Bốn cổ phiếu hiếm hoi còn tăng giá trong nhóm vốn hóa lớn này là MWG của Đầu tư Thế giới Di động (HoSE: MWG), VIB của Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB), TCB của Tecombank (HoSE: TCB) và MSN của Masan (HoSE: MSN). Trong đó, MWG tăng mạnh nhất với 12,6%.


Tăng giá

Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sàn HoSE là CIG của Xây dựng COMA 18 (HoSE: CIG) với 32,6%. CIG đi ngược biến động của thị trường chung bất chấp việc không có thông tin hỗ trợ. Cổ phiếu này không có bất kỳ phiên giảm nào ở trong truần, thậm chí CIG có đến 4 phiên tăng trần liên tiếp. Thanh khoản của cổ phiếu này ở mức khá thấp với khối lượng khớp lệnh trung bình khoảng vài chục nghìn đơn vị/phiên.

Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HoSE.

Cổ phiếu PGD của PV GAS D (HoSE: PGD) đứng sau với mức tăng 15,4%. Tương tự CIG, cổ phiếu PGD cũng có thanh khoản duy trì ở mức khá thấp.

Tại sàn HNX, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất là HDA của Hãng sơn Đông Á (HNX: HDA) với 39,6%. Chỉ trong vòng 2 tuần giao dịch, HDA đã tăng từ 10.500 đồng/cp lên thành 15.500 đồng/cp, tương ứng mức tăng 47,6%.

Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HNX.

Một cổ phiếu khác ở sàn HNX cũng tăng giá trên 30% là BII của Louis Land (HNX: BII) với 35,4%. BII tăng giá đi kèm với thanh khoản cải thiện đáng kể tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 23 triệu cổ phiếu, gấp 3 lần so với tuần trước đó. 

Ở sàn UPCoM, cổ phiếu HNT của Xe điện Hà Nội (UPCoM: HNT) tăng giá mạnh nhất với 95,8%. Dù vậy, khối lượng khớp lệnh trung bình của cổ phiếu này trong tuần gần nhất chỉ là 180 đơn vị/phiên.

"Tân binh" sàn UPCoM là DFF của Tập đoàn Đua Fat (UPCoM: DFF) tăng 60,4% chỉ sau 2 phiên giao dịch (phiên đầu biên độ +-40%). Tập đoàn Đua Fat tiền thân là CTCP Nền móng Đua Fat, thành lập năm 2009, ngành nghề kinh doanh là thị công nền móng công trình. Với vốn điều lệ ban đầu là 9,9 tỷ đồng, trải qua 5 lần tăng vốn, Đua Fat hiện có vốn điều lệ 400 tỷ đồng. Doanh nghiệp từng tham gia xây dựng các công trình lớn, trọng điểm như: Khu liên hợp nhà máy gang thép và cảng nước sâu Hòa Phát Dung Quất, Cầu Bạch Đằng, Tổ hợp nhà máy xi măng Xuân Thành, dự án cao tốc Nội Bài. - Lào Cai..

Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất UPCoM.


Giảm giá

Giảm mạnh nhất sàn HoSE tuần từ 5-9/7 là cổ phiếu SCR của Sacomreal (HoSE: SCR) với 21%. Thời gian gần đây không xuất hiện thông tin nào liên quan đến doanh nghiệp hay cổ phiếu này trên thị trường.

Top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HoSE.

Tiếp sau đó, cổ phiếu AMD của FLC Stone (HoSE: AMD) cũng giảm 20,6%. Bên cạnh SCR và AMD, nhóm cổ phiếu bất động sản sàn HoSE cũng góp mặt thêm 3 mã vào danh sách top 10 về mức độ giảm giá là KBC của TCT Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) và IJC của Becamex IJC (HoSE: IJC) và ITA của Đầu tư CN Tân Tạo (HoSE: ITA).

Tại sàn HNX, cổ phiếu WSS của Chứng khoán Phố Wall (HNX: WSS) giảm mạnh nhất với 24%. Trong tuần, WSS giảm giá trong trọn vẹn cả 5 phiên. Bên cạnh đó, trong top 10 mã giảm mạnh nhất sàn HNX còn có 4 mã khác thuộc nhóm chứng khoán là PSI của Chứng khoán Dầu khí (HNX: PSI), APS của CK Châu Á - TBD (HNX: APS), BVS của Chứng khoán Bảo Việt (HNX: BVS) và HBS của Chứng khoán Hòa Bình (HNX: HBS).

Top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HNX.

Ở sàn UPCoM, cổ phiếu giảm mạnh nhất là RTH của Đường sắt Thanh Hóa (UPCoM: RTH) tuy nhiên, thanh khoản của cổ phiếu này luôn giữ ở mức rất thấp. Đa số các cổ phiếu giảm mạnh sàn UPCoM đều thuộc nhóm thanh khoản thấp.

Top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất UPCoM.

Nguồn NDH

0 comments:

Đăng nhận xét