21 thg 5, 2021

Cục Thú y bị tố gây khó doanh nghiệp

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam 'tố' Cục Thú y cố tình áp dụng các biện pháp không cần thiết trong kiểm dịch thủy sản nhập khẩu làm tăng chi phí và thời gian kiểm tra, gây khó cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Hoạt động chế biến và xuất khẩu thủy sản của doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp khó khăn, nếu các quy định về kiểm dịch thủy sản vẫn được giữ nguyên - Ảnh: TRẦN MẠNH

"100% các container hàng về đều bị kiểm tra hồ sơ và cảm quan, có giấy của thú y mới được thông quan. Việc làm này gây cho doanh nghiệp nhiều khó khăn và tốn kém.

 Ông Nguyễn Hoài Nam


Ngược lại, Cục Thú y cho rằng đã giảm rất nhiều thủ tục và danh mục hàng hóa phải kiểm dịch để hỗ trợ doanh nghiệp.

Hàng chế biến phải kiểm dịch như hàng tươi sống

Theo các doanh nghiệp thủy sản, dự thảo thông tư thay thế thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT ngày 29-10-2018 do Cục Thú y chấp bút vẫn có nhiều quy định bất hợp lý gây khó cho doanh nghiệp và hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, trong đó nhiều sản phẩm chế biến từ động vật - sản phẩm động vật hoặc sản phẩm có chứa "sản phẩm động vật" như hàng khô, đồ hộp, hàng nấu chín, ăn liền, đông lạnh... vẫn tiếp tục thuộc danh mục phải kiểm dịch (theo Luật thú y) là chưa phù hợp.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), việc kiểm dịch các động vật và sản phẩm động vật sống, tươi, ướp hoặc không ướp đá là cần thiết vì đây là các đối tượng có nguy cơ mang theo các mầm bệnh lây lan ra môi trường và là tác nhân có thể gây bệnh cho vật nuôi.

Nhưng mở rộng các đối tượng/danh mục "hàng chế biến" phải kiểm dịch như dự thảo là biện pháp quá mức và không cần thiết, chưa phù hợp với chủ trương cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, với quy định pháp luật cũng như thông lệ quốc tế.

Ông Nguyễn Hoài Nam, phó tổng thư ký VASEP, cho rằng 80 - 85% thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam hằng năm là các sản phẩm để sản xuất và gia công hàng xuất khẩu. Theo nghị định 15/2018 về an toàn thực phẩm thì nhóm hàng này được miễn kiểm tra. Nhưng các thông tư của Bộ NN&PTNT lại đưa nhóm hàng này vào danh mục kiểm dịch nên sẽ không được áp dụng theo thông tư 15/2018 an toàn thực phẩm nữa mà sẽ áp dụng theo các thông tư của Bộ NN&PTNT. Tức là 100% các công hàng về đều bị kiểm tra hồ sơ và cảm quan, có giấy của thú y mới được thông quan.

Từ 2010-2020, cùng với việc thay thế, sửa đổi bổ sung các thông tư, càng về sau, "danh mục hàng thủy sản" nhập khẩu phải kiểm dịch càng mở rộng hơn mà không có bất cứ sự thay đổi nào về cơ sở pháp lý hoặc báo cáo nguy cơ, thông lệ quốc tế hay thông tin dịch bệnh.

Do vậy, VASEP tiếp tục kiến nghị Bộ NN&PTNT không đưa các sản phẩm thủy sản chế biến từ động vật - sản phẩm động vật hoặc sản phẩm có chứa "sản phẩm động vật" (hàng khô, đồ hộp, nấu chín, ăn liền, đông lạnh...) vào danh mục phải kiểm dịch (bệnh) theo Luật thú y, trừ các sản phẩm sống, tươi sống, ướp lạnh.


Cục Thú y "phản pháo"

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), trong những năm vừa qua cục này đã tham mưu Bộ NN&PTNT ban hành nhiều văn bản theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Với sản phẩm động vật thủy sản từ Việt Nam xuất khẩu sang các nước, cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu cũng kiểm dịch rất chặt.

Theo đó, danh mục đối tượng thuộc diện kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản được Bộ NN&PTNT áp mã HS (8 số) đã được cắt giảm nhiều, cụ thể đã cắt giảm 160 mã hàng hóa/tổng số 450 mã hàng hóa so với trước (cắt giảm 36%). Không kiểm dịch nhập khẩu với sản phẩm động vật thủy sản đã chế biến chín, đóng bao kín khí, sử dụng để ăn ngay.

Về tần suất lấy mẫu, việc kiểm dịch, lấy mẫu kiểm tra theo nguyên tắc phân loại sản phẩm, trên cơ sở mức độ nguy cơ rủi ro đối với sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu. 

Với sản phẩm động vật thủy sản có nguy cơ thấp (đã qua chế biến), cứ 5 lô hàng thì lấy mẫu 1 lô hàng để kiểm tra (được cắt giảm 80% số lô hàng phải lấy mẫu kiểm tra). 

Còn sản phẩm động vật thủy sản có nguy cơ cao (sản phẩm ở dạng sơ chế, tươi sống, đông lạnh, ướp lạnh) thực hiện lấy mẫu của 3 lô hàng liên tiếp, nếu kết quả kiểm tra đạt yêu cầu sẽ áp dụng tần suất 5 lô hàng lấy mẫu của 1 lô hàng để kiểm tra (cắt giảm 80% số lô hàng phải lấy mẫu). Không kiểm dịch với sản phẩm thủy sản đã chế biến chín, đóng bao bì kín khí, có nhãn mác theo quy định và sử dụng để ăn ngay.

Cục Thú y cho biết thêm đang rà soát thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT và khẳng định không có chuyện mở rộng "danh mục hàng thủy sản" phải kiểm dịch như VASEP và một số doanh nghiệp phản ánh.

Tuy nhiên, một lãnh đạo Cục Thú y cho rằng trong quá trình soạn thảo thông tư mới, Cục Thú y vẫn đang tiếp thu ý kiến đóng góp.


Doanh nghiệp tố Cục Thú y đánh tráo khái niệm

Trước phản hồi của Cục Thú y, đại diện VASEP cho rằng đang có sự đánh tráo khái niệm, trùng lắp nội dung, khiến quy mô hàng hóa và đối tượng chịu điều chỉnh quá mức cần thiết.

Về khía cạnh pháp lý, Luật thú y không quy định sản phẩm chế biến từ "sản phẩm động vật" hoặc sản phẩm có chứa "sản phẩm động vật" thuộc diện phải kiểm dịch động vật.

Luật an toàn thực phẩm cũng chỉ quy định thực phẩm tươi sống có nguồn gốc từ động vật mới phải có chứng nhận vệ sinh thú y của cơ quan thú y. Với thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn chỉ phải đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường.

Một điểm bất cập nữa là khoản 3 điều 3 Luật thú y đưa "sơ chế" và "chế biến" vào chung một khái niệm. Việc mở rộng khái niệm "sản phẩm động vật" của các văn bản dưới luật kể trên và không có sự phân biệt rõ với khái niệm "sơ chế, chế biến" như đã nêu là nguyên nhân quan trọng làm tăng diện hàng hóa phải kiểm dịch động vật, cản trở nỗ lực cắt giảm danh mục hàng hóa, tỉ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành.

Trong khi đó, theo các doanh nghiệp thủy sản, nhiều nước không yêu cầu kiểm dịch (bệnh) đối với hàng thủy sản đông lạnh hoặc chế biến chín, đóng bao bì kín mà chỉ kiểm tra theo quy định/chỉ tiêu của an toàn thực phẩm.


Tại sao lại là kiểm dịch?

Khoảng 160 quốc gia bao gồm Mỹ, EU, Nhật Bản, Anh, Canada... nhập khẩu sản phẩm thủy sản của Việt Nam hiện nay để dùng làm thực phẩm cho người đều chỉ áp dụng kiểm tra an toàn thực phẩm bao gồm các chỉ tiêu: cảm quan, vi sinh vật gây hại và/hoặc kháng sinh, hóa chất.

"Điều này đặt ra câu hỏi là tại sao cùng cách làm, cùng chỉ tiêu an toàn thực phẩm kiểm soát thực phẩm thủy sản nhập khẩu, nhưng tại Việt Nam lại đặt tên là kiểm dịch? Cần phải trả lại tên kiểm tra an toàn thực phẩm đối với việc kiểm tra nhập khẩu thủy sản chế biến làm thực phẩm cho người - thay vì mang tên kiểm dịch nhập khẩu", ông Nguyễn Hoài Nam đề nghị.

Nguồn TTO

0 comments:

Đăng nhận xét