8 thg 3, 2021

Trái phiếu chính phủ vẫn hấp dẫn dù đối diện 'bóng ma' lạm phát

Mặc dù lưu tâm đến rủi ro lạm phát, VCBS cho rằng vẫn còn quá sớm để kết luận lợi suất trái phiếu chính phủ sẽ sớm đảo chiều và trong dài hạn, lợi suất giảm vẫn sẽ là xu hướng chính.

Trái phiếu chính phủ vẫn hấp dẫn dù đối diện 'bóng ma' lạm phát

Tổng cục thống kê gần đây đã công bố báo cáo tình hình kinh tế tháng 2 năm 2021. Trong đó, điểm nhấn chính là hoạt động xuất nhập khẩu với mức tăng trưởng 24,5%. Cụ thể, mức tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu lên tới 23,2%.

Trong khi đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 2 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng 7,4%, cao hơn mức tăng 7,1% của cùng kỳ năm trước. Đồng thời, chỉ số PMI tháng 2 tăng nhẹ lên 51,6 điểm, đánh dấu sự mở rộng của ngành sản xuất tháng thứ 3 liên tiếp, cho thấy Chính phủ vẫn đang quyết liệt với việc thực hiện mục tiêu kép, bất chấp dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng ước đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4 % so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,52 % (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,4%).

Dựa trên những tín hiệu tích cực trên, trong báo cáo thị trường trái phiếu tháng 2/2021 công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo tăng trưởng GDP trong quý I của Việt Nam có thể đạt 5%- 5,5%.

Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2021 tăng 1,52% so với tháng trước, cao hơn đáng kể so với mức kỳ vọng của thị trường. Điều này được lý giải do tháng 2 là tháng Tết Nguyên đán, ghi nhận nhu cầu gia tăng từ người tiêu dùng. Thêm vào đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã kết thúc chương trình hỗ trợ giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng. Mặc dù vậy, khi so sánh chỉ số giá tiêu dùng với tháng 2 năm ngoái, CPI chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo nhận định của VCBS, ở giai đoạn này, kỳ vọng lạm phát năm 2021 có xu hướng tăng lên khi có các quan sát cho thấy sự tương đồng về xu hướng tăng giá hàng hóa giữa thập niên 2000 và thập niên 2020.

Về chính sách điều hành, trong bối cảnh hiện nay, VCBS kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành theo hướng chủ động, linh hoạt và duy trì thanh khoản hệ thống dồi dào.

"Mặt bằng lãi suất cho vay sẽ còn dư địa giảm thêm trong bối cảnh lãi suất huy động đã giảm khá trong khoảng 1 năm trở lại đây. Trong tháng vừa qua nhiều ngân hàng thương mại đã đưa ra nhiều gói hỗ trợ về lãi suất cho vay nhằm đồng hành với doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh". VCBS cho hay, đồng thời đánh giá thời điểm hiện tại vẫn còn dư địa giảm với cả lãi suất huy động và cho vay.

Công ty chứng khoán này giữ nguyên dự báo rằng các chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ tiếp tục được duy trì ít nhất cho tới năm 2022 đối với nhiều ngân hàng trung ương lớn khi mục tiêu ưu tiên của giai đoạn này vẫn sẽ là hỗ trợ nền kinh tế hồi phục sau dịch bệnh.

Trong tháng 2, một số yếu tố mới đã có tác động đáng kể đến tâm lý nhà đầu tư, theo đó làm chững lại đà giảm của lợi suất trái phiếu. Cụ thể, từ thị trường thế giới, lợi suất trái phiếu Mỹ đã tăng đáng kể, đạt mức cao nhất trong một năm qua. Trong nước, lãi suất trái phiếu chính phủ cũng đã giảm khá sâu và chưa trải qua nhịp điều chỉnh đáng kể nào. Do đó, tâm lý các thành viên khá nhạy cảm với các thay đổi kinh tế vĩ mô d chỉ ở mức kỳ vọng.

Giai đoạn này, VCBS lưu tâm đến rủi ro lạm phát khi trong bối cảnh giá hàng hóa tăng mạnh trên thị trường thế giới. Công ty chứng khoán này nhìn thấy nhiều sự tương đồng với giai đoạn giá hàng hóa tăng mạnh trong thập niên 2000. Tuy vậy ở thời điểm này sự khác biệt đến từ việc xu hướng chính sách nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương được dự báo tiếp tục được duy trì. Kèm theo đó, yếu tố dịch bệnh đã tạo ra những tác động bất thường đối với cung cầu.

Trong dài hạn, VCBS duy trì quan điểm xu hướng giảm vẫn chiếm ưu thế trên thị trường, khi chưa có sự thay đổi đối về chính sách tiền tệ toàn cầu. Ngay trong cuộc điều trần ngày 23/2, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Jerome Powell đã tái khẳng định thông điệp về mặt bằng giai đoạn lãi suất thấp cho tới khi đạt tới sự hiệu quả ở cả hai yếu tố lạm phát và lao động. Theo đó, xu hướng tăng giá tài sản trên thế giới vẫn chưa chấm dứt.

Như vậy, mặc dù lưu tâm đến rủi ro lạm phát, VCBS cho rằng vẫn còn quá sớm để kết luận lợi suất sẽ sớm đảo chiều do thập niên 2020 đã có các điểm khác biệt căn bản với giai đoạn những năm 2000. Do đó, trong ngắn hạn, vào tháng 3, lợi suất trái phiếu có thể dao động đi ngang, thậm chi chịu áp lực tăng nhẹ. Tuy nhiên, nhìn chung xu hướng chính vẫn là xu hướng giảm trong dài hạn.

Trong tháng 2, khối ngoại mua ròng 1.328 tỷ đồng trên thị trường trái phiếu chính phủ. Thị trường thường ghi nhận giao dịch khối ngoại tăng khá trong đầu năm và năm nay tiếp tục ghi nhận xu hướng này. Theo VCBS, điều này cho thấy nhà đầu tư ngoại đặt niềm tin vững chắc vào tài sản phi rủi ro ở những quốc gia đạt được sự ổn định kinh tế vĩ mô và cùng lúc kiểm soát được dịch bệnh như Việt Nam.

Nguồn VNF

0 comments:

Đăng nhận xét