6 thg 3, 2021

Giải "cơn khát" tức thời cho doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2021 với tổng số tiền lên đến 115.000 tỉ đồng, điều này giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền để duy trì và khôi phục sản xuất.

Chính sách gia hạn thuế khi được triển khai, doanh nghiệp sẽ có thêm dòng tiền để duy trì và khôi phục sản xuất . Ảnh: TẤN THẠNH

Ngân sách không bị ảnh hưởng

Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho hay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý đề nghị xây dựng Nghị định quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2021 như đề xuất của Bộ Tài chính.

Theo phương án đề xuất của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ được giãn, hoãn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập DN (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất trong khoảng thời gian nhất định của năm 2021.

Cụ thể, gia hạn thuế GTGT trong 5 tháng đối với số thuế phải nộp từ tháng 1 đến tháng 6-2021, tương ứng với khoảng 68.800 tỉ đồng; gia hạn thuế TNDN tạm nộp quý I, quý II của kỳ tính thuế TNDN năm 2021 trong 3 tháng, với khoảng 40.500 tỉ đồng; gia hạn thuế GTGT và thuế TNCN của hộ, cá nhân kinh doanh đến trước ngày 31-12-2021 khoảng 1.300 tỉ đồng; gia hạn tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2021 trong 6 tháng khoảng 4.400 tỉ đồng. Dự kiến số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn khoảng 115.000 tỉ đồng. Tuy vậy, số thu ngân sách của năm 2021 không bị ảnh hưởng vì người nộp thuế vẫn phải hoàn thành nghĩa vụ thuế vào cuối năm 2021. "Việc gia hạn kể trên là cần thiết để các DN, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2021" - đại diện Bộ Tài chính nói.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện các giải pháp đã ban hành thời gian qua để tiếp tục tham mưu, đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí và lệ phí phù hợp với diễn biến thực tế trong thời gian tới.

Theo Bộ Tài chính, năm 2020, ngành thuế đã tiếp nhận gần 185.000 giấy đề nghị gia hạn tiền nộp thuế của các tổ chức cá nhân, qua đó thực hiện gia hạn nộp trên 87.300 tỉ đồng tiền thuế các loại và tiền thuê đất. Ngoài ra, còn có 14 DN sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước được gia hạn nộp trên 20.000 tỉ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt. Nguồn vốn này đã hỗ trợ nhiều DN, hộ kinh doanh cân đối được tài chính để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trao đổi với Báo Người Lao Động ngay khi nắm được thông tin về Chính phủ sắp ban hành chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), cho rằng việc Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn, trước ngày 20-3 đã cho thấy sự quan tâm của Chính phủ với người dân và cộng đồng DN, thể hiện tinh thần đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong bối cảnh còn chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. "Một điểm tích cực nữa là chính sách này sẽ giúp sức cải thiện dòng tiền, tính thanh khoản trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nói nôm na là giúp DN vượt qua cơn khát tức thời" - vị chủ tịch HUBA nêu quan điểm.

Cũng theo ông Chu Tiến Dũng, việc giãn thời hạn nộp thuế lần này vừa mang ý nghĩa vật chất vừa mang ý nghĩa tinh thần nhưng nặng về mặt tinh thần hơn. Đa số DN mong muốn được kéo dài thời hạn giãn nộp thuế hơn nhưng điều quan trọng nhất mà DN luôn mong mỏi là Chính phủ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, những vướng mắc về đất đai, những điểm nghẽn trong quản lý hành chính nhà nước mới là căn cơ hỗ trợ cho DN. "Đại dịch tác động đến các ngành nghề không đồng đều, từng DN phải có giải pháp ứng phó riêng. Xét về tổng thể, những gói hỗ trợ vốn đã ban hành năm 2020 vốn rất cơ bản, quan trọng là tổ chức thực hiện để DN hấp thụ được" - ông Dũng bày tỏ.

Cần linh hoạt và mềm dẻo

Dưới góc độ chuyên gia, TS Nguyên Văn Thuận (Trường Đại học Tài chính - Marketing), nhận định tình hình dịch bệnh trong và ngoài nước đang tốt lên. Tuy nhiên, các thành phần kinh tế vẫn đang gặp khó khăn, người dân còn hạn chế đi lại, dẫn đến sức tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ… còn yếu. Thế nên, khi chính sách gia hạn thuế được triển khai, DN sẽ có thêm dòng tiền để duy trì và khôi phục sản xuất. Còn cơ quan thuế chỉ chậm thu trong một thời gian nhất định vì sau khi hết thời gian gia hạn, người nộp thuế sẽ nộp đủ cho ngân sách nhà nước.

Theo luật sư Trần Xoa, chuyên gia tư vấn thuế, Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Đăng Quang, năm nay ngân sách khó khăn, Chính phủ vẫn quyết định gia hạn nộp thuế cho DN, dù thời gian được gia hạn ngắn hơn, thể hiện sự quan tâm hỗ trợ, đồng hành cùng DN của Chính phủ. "Theo tôi, những người làm chính sách đã rất cân nhắc thời gian gia hạn và đưa ra một quyết định hợp lý. Có điều, rút kinh nghiệm từ thực tế triển khai, có thể xem xét điều chỉnh quy định theo hướng mềm dẻo hơn, linh hoạt hơn để hỗ trợ DN thiết thực hơn" - chuyên gia thuế Trần Xoa lưu ý.

Cụ thể, năm 2020, Chính phủ cũng có chính sách giảm và gia hạn nộp thuế TNDN, thuế GTGT và tiền thuê đất, giúp DN giảm được một phần áp lực tài chính. Tuy nhiên, chủ yếu DN được hỗ trợ kéo dài thời hạn nộp thuế, còn tiền thuê đất rất ít DN được gia hạn vì vướng quy định. Cụ thể, điều kiện để DN được gia hạn nộp tiền sử dụng đất là phải ngưng hoạt động ít nhất 15 ngày và có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo về việc ngưng hoạt động. Khá nhiều nhà hàng, khách sạn 4-5 sao không có khách trong nhiều tháng liền, doanh thu cả năm chỉ đạt 5%-10% nhưng không thể thông báo đóng cửa ngưng hoạt động nên cuối cùng không được hỗ trợ dù giá trị tiền thuê đất phải nộp khá lớn, nếu được giảm và gia hạn thì họ sẽ tiết kiệm hàng trăm đến hàng tỉ đồng trong lúc khó khăn, ngặt nghèo.

Ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn thuế Trọng Tín, đánh giá quyết định gia hạn thuế của Thủ tướng ngay từ đầu năm 2021 là tín hiệu rất tích cực và đem lại nhiều hy vọng cho DN. Đây được coi là chính sách kích thích sản xuất - kinh doanh để tái thu hồi tiền thuế về ngân sách nhà nước nên tính tích cực rất lớn. 

Tuy nhiên, ông Được góp ý nên bổ sung thêm chính sách giảm, miễn thuế một cách phù hợp để hỗ trợ nhiều hơn nữa cho DN. Cụ thể, ông đề xuất giảm 50% thuế GTGT cho các hàng hóa, dịch vụ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch; ngoài giảm 30% thuế TNDN như năm ngoái cũng cần tính đến giảm thuế suất thuế TNDN bởi đây là sự hỗ trợ có ý nghĩa dài hơi cho DN trong bất cứ hoàn cảnh nào. 

"Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa có hiệu lực từ 1-1-2018 đã quy định giảm thuế TNDN cho khối này về mức thấp hơn DN nói chung nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Đề nghị đẩy nhanh lộ trình giảm thuế theo quy định bằng cách tháo gỡ các vướng mắc có liên quan đến luật khác khiến quá trình thực thi bị nghẽn lại" - ông Được góp ý.

Đại diện Công ty CP Thành Công Motor Việt Nam cho hay việc tái bùng phát dịch bệnh khiến toàn thị trường ôtô tháng 1-2021 giảm tới 32% so với tháng cuối năm 2020, theo số liệu của Cục Đăng kiểm. Đây là diễn biến nằm ngoài quy luật thị trường bởi thông thường, tháng 1 hằng năm - thời điểm trước Tết nguyên đán - là lúc nhu cầu mua sắm tăng cao nhất. 

"Nguyên nhân của tình trạng sụt giảm này là do chính sách miễn giảm 50% lệ phí trước bạ đã hết hiệu lực từ 1-1-2021, đồng thời do dịch tái bùng phát khiến tâm lý tiết kiệm của người dân gia tăng" - đại diện DN nêu rõ và tỏ ra quan ngại khi những khó khăn đã xảy ra nửa đầu năm 2020 có thể lại một lần nữa xảy ra khi nền kinh tế vẫn chưa hoàn toàn hồi phục.

Vì vậy, DN ôtô này kiến nghị Chính phủ xem xét gia hạn các chính sách ưu đãi về thuế và lệ phí ít nhất trong năm 2021, để ngành công nghiệp ôtô có thể duy trì đà tăng trưởng như trước đây. Bởi lẽ, có duy trì đà tăng trưởng, ngành công nghiệp ôtô non trẻ của Việt Nam mới có đủ điều kiện và động lực thúc đẩy vận động phát triển sâu, rộng theo hướng chuyên môn hóa, tăng tỉ lệ nội địa hóa và tạo ra bước đệm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.


Hàng không đề nghị được hỗ trợ tín dụng

Trong công văn gửi Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam kiến nghị tiếp tục thực hiện (có điều chỉnh) các khoản hỗ trợ cho các hãng hàng không, như: triển khai gói hỗ trợ tín dụng cho các hãng cải thiện khả năng thanh toán (gói tín dụng 25.000 - 27.000 tỉ đồng); tiếp tục xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ mà các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã vay của các ngân hàng cho tới hết năm 2024.

Hiệp hội cũng kiến nghị tiếp tục hỗ trợ về giảm phí, lệ phí với một số hoạt động và dịch vụ hàng không (phí sử dụng sân đỗ với máy bay của các hãng hàng không Việt Nam, phí cất/hạ cánh…), cũng như giảm 50% phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay và tiếp tục giảm giá điều hành bay, giãn thuế và các nghĩa vụ tài chính với từng DN, áp dụng tiếp khung giá với mức tối thiểu 0 đồng với dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước đến hết tháng 12-2021; giảm tiếp thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay (tối thiểu giảm 70%) trong năm 2021…

D.Ngọc

Nguồn NLD

0 comments:

Đăng nhận xét