17 thg 2, 2021

Lời kêu cứu từ Hải Dương

Nếu tất cả cùng “dừng tiếp nhận”, thậm chí cả “hàng hoá từ Hải Dương” thì điều gì sẽ xảy ra? Chưa biết. Chỉ biết chắc là người nông dân sẽ khốn đốn. Đây có lẽ cũng là lý do Hải Dương vừa ra văn bản “xin giúp đỡ” lưu thông hàng hoá.

Một số địa phương, chẳng hạn Hải Phòng, thậm chí dừng tiếp nhận cả hàng hoá từ Hải Dương (Ảnh: Mai Dung).

“Ai đến mua cũng bán. Giá nào cũng bán”. Nhưng rồi gọi hơn chục cuộc điện thoại cho khách quen, và cả không quen... Tất cả là những câu từ chối: Hải Dương nhà chị như thế, ai dám về nữa mà buôn với bán.

Câu chuyện của chị Hoài, một nông dân trồng rau ở Gia Lộc, Hải Dương- trên Vnexpress.

Đó là thời điểm “tròn một tuần COVID-19 bùng phát ở Hải Dương”.

Rồi Hải Dương, cách ly 21 ngày.

Rồi đào Hải Dương ế, như củi ngoài ruộng.

Rồi “bốn trăm mấy năm trăm” ca dương tính.

Rồi giãn cách xã hội.

Rồi công nhân, hàng hoá từ Hải Dương bị “tạm dừng tiếp nhận”.

Không biết Hoài và những mẫu rau của chị ra sao.

Hải Dương, cả người dân và lãnh đạo địa phương có lẽ như đang ngồi trên lửa.

4.087 ha rau vụ Đông, 55.902 tấn hành, 26.766 tấn cà rốt, rồi bắp cải, su hào, súp lơ, rau ăn lá các loại. Tổng cộng đến cả trăm ngàn tấn.

Đó là tiền bạc, là mồ hôi nước mắt nông dân.

Trong khi đó, chẳng hạn như Hải Phòng, thậm chí đã tạm dừng tiếp nhận hàng hoá, và cả công nhân từ Hải Dương.

Trong khi đó, trong tâm lý, thì “Hải Dương nhà chị như thế”.

Trên Zingnews, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan vừa nói tuyệt hay rằng điều mà ông quan tâm là “nâng cao vị thế của người nông dân”, để họ trở thành trung tâm của sự phát triển, để không ai bị bỏ lại phía sau; để có một vị thế mà mỗi tiếng nói, nguyện vọng của họ được ghi nhận lắng nghe.

Hoài, có lẽ không nghĩ nhiều đến vậy. Cuộc sống của chị là từ nhà ra ruộng. Cả năm với phân giống, một công việc “như đánh bạc với đất”, chỉ biết số tiền mình đặt cược chứ không biết thắng, hoà hay lỗ. Chỉ biết “không giao giờ có (vụ rau nào) suôn sẻ từ đầu đến cuối”.

Đúng. Chúng ta không nên bi luỵ hoá nông thôn, không bi thương hoá nông dân. Nhưng như Hoài, như những người trồng đào, trồng rau ở Hải Dương, dịch bệnh, với việc ngăn sông cấm chợ chỉ cho thấy họ vẫn luôn là những đối tượng nhạy cảm nhất, chịu thiệt hại đầu tiên và nặng nề nhất.

Vụ Đông năm 2018, được mùa nhưng mất giá, “họ” chỉ trả Hoài 8.000 đồng cho một bịch su hào 20 củ, không quên gia ơn: “Em còn cân cho chị là may".

400 đồng một củ su hào. Tủi thân.

Chúng ta chống dịch quyết liệt, không được chủ quan. Điều đó tuyệt đối đúng. Nhưng hàng hóa lưu thông với những biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt vẫn là cách làm đúng, rất cần kíp.

Còn giờ, lạy lục để ai đó mua giúp nhưng không ai dám về vì “Hải Dương nhà chị như thế...”, vì “người đến từ Hải Dương...”. Liệu còn có bi kịch nào nhiều nước mắt hơn thế?!

Nguồn Báo Lao Động

0 comments:

Đăng nhận xét