26 thg 11, 2020

Ưu tiên của sếp

Tôi mở email đầu giờ sáng và nhận được ảnh chụp một nhà vệ sinh bừa bộn từ vị giám đốc nhà máy của công ty.


Ông đã chụp nó trong chuyến tuần tra nhà xưởng và gửi cho các quản lý. Đó là một nhà vệ sinh cũ, trong góc xưởng, không còn sử dụng và luôn đóng cửa. Vì lâu ngày nên rong rêu mọc bên trong, một số dụng cụ vệ sinh lỏng chỏng, không sạch sẽ. "Các bạn có công nhận không, những công ty trông xấu xí thường là những công ty dở. Chúng ta không nên trở thành một công ty dở", sếp tôi viết bằng thứ tiếng Anh không thật sự chuẩn.

Ngày nào ông cũng xuống xưởng vài bận. Dù bận rộn, ông vẫn dành thời gian tuần tra, hỏi han công nhân, nhân viên đang trực tiếp thao tác. Nhà xưởng rộng tới gần 20 ngàn mét vuông với hơn 1.000 công nhân, nhưng ông đi hết, không bao giờ quên ghé vào các góc khuất, ít người để ý như phòng điện, khu bảo trì, nhà xe, bãi rác, các buồng vệ sinh.

Ông là giám đốc quản lý nhà máy cũ nhất trong các nhà máy của chúng tôi, được xây dựng từ năm 1995. Sau ngần ấy năm sử dụng, nhiều hạng mục xuống cấp, cũ kỹ. Dù vậy, ông luôn gửi đi thông điệp rất rõ ràng: cũ nhưng phải luôn sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp, đặc biệt là phải thuận tiện và đảm bảo an toàn cho nhân viên sử dụng.

Sếp cao hơn ông, vị phó chủ tịch tập đoàn mẹ ở nước ngoài sang thăm công ty mỗi năm đôi lần. Lần nào cũng vậy, đặt vali ở phòng làm việc, chào hỏi mọi người qua loa, ông lập tức đi thẳng xuống khu nhà vệ sinh, nhà bếp. Rồi ông đến khu vực phòng nghỉ của nhân viên, ra nhà xe, bãi rác, bước qua những con đường nội bộ trong khuôn viên, quan sát rồi mới vào làm việc. Nội dung đầu tiên của buổi họp, ông đề cập đến tình trạng những nơi vừa khảo sát.

Ban đầu tôi ngỡ người Nhật kỹ tính nên khi nào cũng tỉ mỉ. Nhưng điều đó xuất phát từ một quan điểm khác mà chính giám đốc nhà máy giải thích cho tôi, rằng sở dĩ những nơi đó cần lưu tâm nhất vì là nơi làm việc, sinh hoạt, ngủ trưa, nghỉ ngơi của những người ở cấp bậc thấp nhất. Đồng thời, khu vực sinh hoạt chung thường dễ bị mất vệ sinh, bừa bộn và khó xác định người thiếu tuân thủ. Nếu khu vực chung luôn sạch sẽ, gọn gàng chứng tỏ công ty chăm chút cho người lao động, và ý thức, trách nhiệm của từng cá nhân đối với tập thể cũng tốt. Người sử dụng, nếu nhìn thấy một nhà vệ sinh sạch sẽ cũng ý thức hơn khi dùng; xa hơn còn là thái độ của mỗi người với cộng đồng, xã hội. Làm được như vậy, chúng ta sẽ là tập thể mạnh và đáng tin cậy.

Sạch sẽ, gọn gàng và thuận tiện, phù hợp nhất cho người sử dụng trở thành một nguyên tắc và văn hóa của công ty tôi. Dù hoạt động trong lĩnh vực cơ khí với máy móc, dầu mỡ và số lượng công nhân viên trên ba ngàn người, nhưng các tiện ích, thiết bị luôn trong trạng thái gọn gàng, tiện nghi một cách thực sự để phục vụ nhân viên và đề cao vai trò của người sử dụng chứ không phải sạch một cách hình thức. Kể cả cái buồng kho nhỏ duy nhất một người dùng cũng phải được sắp xếp tinh tươm như ở khu vực đông đúc. Một chút luộm thuộm rất dễ bị phát hiện và được xem là bất thường.

Tôi từng làm ở một số công ty trước đó và nhận thấy họ chú trọng nhiều vào hình thức. Có công ty xây cái cổng rất to, giá vài tỷ đồng. Nhưng đi ra phía sau, đường ống nước thải bị nứt. Nước thải xì lên mặt đất, đóng thành vũng gần cửa sổ nhà ăn, mùi hôi bốc lên nồng nặc. Trưởng phòng đề xuất lên sếp xin sửa nhiều lần, nhưng không được giải quyết vì "chưa phải vấn đề cần ưu tiên". Hay có những công ty mua sắm, trang bị các thiết bị phòng họp, phòng tiếp khách rất xa xỉ, lộng lẫy, nhưng buồng vệ sinh của nhân viên bị tắc nước không được sửa. Nhà ăn của nhân viên nóng như lò lửa. Ở những đơn vị này, sinh hoạt tối thiểu và cơ bản nhất của nhân viên, từ ăn uống, vệ sinh, nghỉ ngơi trở thành cực hình. Ở nhiều cơ quan, nơi làm việc là những công trình đồ sộ hàng nghìn tỷ đồng, nhưng hệ thống phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, thoát nạn chưa được hoàn thiện hoặc làm cho có, thấp hơn quy chuẩn rất nhiều.

Tôi đoán nguyên nhân đầu tiên, các vị sếp nơi đó có thể quan tâm cái áo bên ngoài mà quên mất phần ruột và những người sử dụng. Có thể việc coi trọng đời sống, tâm tư nguyện vọng của người lao động ở rất nhiều nơi chưa phải vấn đề lớn. Nhiều công ty, ông chủ còn mang nặng hình thức, hô khẩu hiệu chứ chưa thực sự đặt mối quan tâm và nỗ lực để cung cấp môi trường làm việc tốt nhất cho người lao động. Có những giám đốc, lãnh đạo một năm chỉ xuống nhà xưởng, hiện trường làm việc của công nhân vài lần - nơi công nhân của họ ở đó ít nhất 40 giờ mỗi tuần.

Tôi từng nghe nhiều công ty quảng cáo rằng họ được chọn là "nơi làm việc tốt nhất", nhưng nhân viên công ty cho biết họ không đủ chỗ để xe và nghỉ trưa, phụ nữ mới sinh phải vào nhà vệ sinh vắt sữa. Không phải "nơi làm việc tốt" nào cũng có chỗ nghỉ ngơi cho nhân viên.

Nhiều khảo sát cho thấy môi trường làm việc và phúc lợi nhân viên được người lao động quan tâm nhất, hơn cả thu nhập. Một khảo sát trên hơn 3.000 người lao động tại các thành phố lớn của Việt Nam năm 2019 cho biết, tỷ lệ cao nhất các ứng viên cho biết họ chọn nơi làm việc đầu tiên là nhìn vào văn hóa của người quản lý và của công ty, thứ hai là ở môi trường làm việc công bằng, tôn trọng và có cơ hội phát triển nghề nghiệp; kế đó mới tới mức lương hấp dẫn và tiền thưởng.

Điều kiện làm việc và phúc lợi cho nhân viên được điều chỉnh bởi các quy định của luật Lao động và các quy chế khác. Một mặt, cơ quan chức năng có thể giám sát môi trường làm việc của các công ty và có chế tài thích đáng để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Ở mặt khác, nếu những người đứng đầu chỉ muốn tiện nghi một cách hình thức cũng không khó gì.

Khi thấy một khu vệ sinh chưa gọn sạch, chúng ta vẫn thường đổ lỗi cho người sử dụng, rằng ai đó thiếu ý thức. Có thể ý thức người dùng cần cải thiện, nhưng nếu người quản lý ở đó thực sự tôn trọng lợi ích và phẩm giá của những người từ thấp bé nhất, vị sếp ấy luôn có giải pháp để chăm sóc các công trình phụ như các công trình chính.

Đặng Quỳnh Giang - Báo VNEPRESS

0 comments:

Đăng nhận xét