22 thg 10, 2020

Vì sao chưa đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp trong năm 2020?

Chính phủ đặt mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020, nhưng điều này khó thành hiện thực bởi nhiều nguyên nhân, đặc biệt là tác động từ dịch Covid-19.


Tại Hội nghị góp ý dự thảo báo cáo Nghị quyết 35/NQ-CP và Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 39/2018/NĐ-CP diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhìn nhận các chính sách về phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được ban hành khá đầy đủ, toàn diện nhưng vẫn còn khoảng cách lớn giữa chính sách và thực tiễn triển khai.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tốc độ tăng doanh nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2019 là 14,4%, tăng khoảng 80% so với bình quân giai đoạn 2011-2015; tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước trong tổng mức đầu tư toàn xã hội liên tục tăng từ 36,7% năm 2015 lên 46% năm 2019.

Tuy nhiên, một số mục tiêu về phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020, trong đó có mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 chưa thể đạt được, xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhận định.

Bà Trịnh Thị Hương, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết để đạt được con số 1 triệu doanh nghiệp hoạt động năm 2020 thì tăng trưởng doanh nghiệp phải đạt trên 17%, trong khi tăng trưởng hiện nay mới chỉ hơn 10%. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng một phần do Covid-19; nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa hiệu quả.

Dù tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam vẫn tăng lên, mục tiêu đóng góp 48-49% GDP khó thực hiện được. Trong khi đó, đến năm 2020, khu vực tư nhân Việt nam đóng góp khoảng 49% vốn đầu tư toàn xã hội, tỷ lệ đóng góp liên tục tăng, nhưng vẫn không đạt và thiếu 3 điểm phần trăm.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng cần làm rõ nguyên nhân tại sao 50% mục tiêu của Nghị quyết 35 chưa đạt được dù theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, trên 99% các nhiệm vụ, giải pháp đã được hoàn thành; đề xuất định hướng, giải pháp để có thể thúc đẩy khu vực doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, bứt phá hơn nữa, trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến nghị hỗ trợ doanh nghiệp sau tác động của dịch Covid-19; phát triển doanh nghiệp có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt trong một số ngành, tạo cực tăng trưởng mới cho nền kinh tế; thúc đẩy nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp; tăng cường kiên kết doanh nghiệp, tham gia chuỗi giá trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác phát triển doanh nghiệp.

Nguồn Zing

0 comments:

Đăng nhận xét